Việt Nam sẽ trở thành thị trường đầu tư địa ốc trọng điểm
Nhân dịp ông Sanjay Verma, Giám đốc điều hành (CEO) Cushman & Wakefield khu vực châu Á - Thái Bình Dương sang làm việc tại Việt Nam, phóng viên Báo Đầu tư đã trao đổi với ông về xu hướng đầu tư vào bất động sản (BĐS) tại Việt Nam.
Thưa ông, xu hướng đầu tư theo phương thức mua bán và sáp nhập (M&A) các dự án BĐS tại châu Á thường diễn ra ở thị trường nào?
Trong vòng 3 năm qua, khoảng 50% các thương vụ M&A trong lĩnh vực BĐS trên toàn cầu được thực hiện tại châu Á.
Có thể điểm mặt 3 dạng thị trường BĐS ở châu Á.
Thứ nhất là thị trường chính, như Singapore, Malaysia, Hồng Kông… Đầu tư vào đây chủ yếu là nhắm đến sự bảo toàn dòng vốn, có thể mức lợi nhuận không cao, nhưng dòng vốn được đảm bảo, rủi ro thấp.
Thứ hai là thị trường mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ… Đầu tư vào đây với mục đích điều hòa dòng vốn xoay nhanh, tăng chu kỳ đầu tư.
Việt Nam có thể được xếp vào dạng thị trường thứ ba, thị trường tương lai. Nền kinh tế đang phát triển và dần đi vào ổn định, sẽ tạo ra cơ hội đầu tư mang lại lợi nhuận cao trong tương lai.
Ông đánh giá thế nào về dòng vốn đầu tư vào BĐS Việt Nam hiện nay và triển vọng các phân khúc của thị trường?
Dự báo, trong vài năm tới, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 6%/năm. Việt Nam có dân số trẻ, chiếm tỷ lệ cao. Thị trường BĐS Việt Nam đang rộng mở, nguồn cung tương đối tốt.
Trong năm nay, các phân khúc của thị trường BĐS Việt Nam ít biến đổi. Có một số phân khúc biến động theo xu hướng giảm.
Ví dụ, phân khúc văn phòng cho thuê không tăng, mà có xu hướng giảm đi do nguồn cung dồi dào.
Phân khúc thị trường mặt bằng bán lẻ có thể phát triển trong thời gian tới.
Ở phân khúc văn phòng, nguồn cung quá nhiều.
Phân khúc căn hộ để bán chủ yếu dành cho các nhà đầu tư và đầu cơ, còn đối tượng có nhu cầu thực rất khó tiếp cận. Hiện tại, chủ đầu tư trong phân khúc này bắt đầu chuyển dịch sang đầu tư các căn hộ có mức giá trung bình dành cho người có nhu cầu thực sự.
Trong thời gian 2-5 năm tới, phân khúc khu công nghiệp cũng sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư, bởi nguồn nhân lực cũng như cơ sở hạ tầng ở Việt Nam đang được cải thiện đáng kể. Đối với đầu tư vào khu công nghiệp, hiện tại, Cushman & Wakefield cũng đang làm việc với các nhà đầu tư trên toàn cầu. Họ cũng có ý định đầu tư vào Việt Nam khi nhìn thấy nhiều cơ hội.
Việt Nam nên rút ra kinh nghiệm gì từ một số thị trường bất động sản trong khu vực?
Cơ sở hạ tầng tốt tạo ra nhiều sự tương tác trong thị trường, tác động tích cực đến xu hướng đầu tư cũng như khả năng sinh lời của các dự án. Lãi suất ngân hàng cao có ảnh hưởng rất lớn đến nhà đầu tư trong lĩnh vực BĐS.
Việt Nam cần đầu tư mạnh để cải tạo môi trường đầu tư, quan tâm đến phát triển nguồn nhân lực...
Ở Việt Nam, các nhà phát triển dự án BĐS cần chú trọng hơn đến các tiêu chí trong thiết kế, cách thức quản lý vận hành dự án..., đồng thời quy hoạch định hướng rõ ràng để tạo được không gian phát triển dự án tốt.
Hiện thị trường BĐS tại Việt Nam đang gặp không ít khó khăn, điều này ảnh hưởng thế nào đến mục tiêu tăng trưởng của Cushman & Wakefield tại Việt Nam?
Cushman & Wakefield là công ty toàn cầu, do đó khách hàng cũng mang tính đa quốc gia. Dòng tiền đầu tư trên thế giới đổ vào thị trường nào cũng được Cushman & Wakefield đón nhận và hỗ trợ.
Theo tôi, Việt Nam sẽ trở thành thị trường đầu tư trọng điểm và có nhiều cơ hội thu hút được nhà đầu tư nước ngoài. Cushman & Wakefield đang và sẽ kết nối các nhà đầu tư vào thị trường này. Đây cũng là cơ hội phát triển của Cushman & Wakefield ở Việt Nam.
Đình Bắc
đầu tư
|