Tây Ban Nha và Ý đẩy Dow Jones sụt hơn 200 điểm
Ba chỉ số chính đồng loạt rớt hơn 1.5%, trong đó Dow Jones và S&P 500 trượt dài 5 phiên liên tiếp, đợt điều chỉnh dài nhất kể từ tháng 11/2011. Nhà đầu tư tăng cường bán tháo do nỗi lo khủng hoảng nợ Eurozone ngày càng tồi tệ khi lợi suất trái phiếu Tây Ban Nha và Ý tăng vọt.
Đà sụt giảm của cả ba chỉ số chính là mạnh nhất trong năm nay xét về cả số điểm lẫn tỷ lệ phần trăm. Riêng với S&P 500, đây là phiên điều chỉnh mạnh nhất kể từ ngày 8/12/2011. S&P 500 sụt tổng cộng 4% sau 5 phiên vừa qua, đợt sụt giảm tồi tệ nhất kể từ tháng 11/2011. Dù vậy, từ đầu năm đến nay, chỉ số này vẫn còn tăng 8%.
Trong phiên, S&P 500 rớt xuống dưới đường trung bình động 50 ngày 1,372.30 điểm, mức được xem là ngưỡng hỗ trợ mạnh. Tất cả 10 nhóm ngành của chỉ số này đều chìm trong sắc đỏ, dẫn đầu là nhóm cổ phiếu công nghiệp và nguyên vật liệu.
Trong khi đó, Nasdaq cũng rớt xuống dưới đường trung bình động 50 ngày và đóng cửa dưới mức 3,000 điểm lần đầu tiên kể từ ngày 12/03.
Mối lo ngại về nợ công châu Âu xuất hiện trở lại và có thể là chất xúc tác khiến thị trường sụt giảm mạnh hơn nữa khi lợi suất trái phiếu Chính phủ Tây Ban Nha và Ý tăng vọt. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Ý tăng 0.23% lên 5.69%, qua đó đẩy chênh lệch với lợi suất trái phiếu Đức lên 4.04%, mức cao nhất kể từ ngày 31/01. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Tây Ban Nha cũng tăng lên sát 6%, mức cao nhất trong hơn 3 tháng.
Trong ngày, Bộ trưởng Kinh tế Tây Ban Nha, Luis de Guindos, không bác bỏ khả năng nước này cần đến gói giải cứu và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Tây Ban Nha, Fernandez Ordonez, cho biết các nhà cho vay nước này có thể cần thêm vốn nếu nền kinh tế sụt giảm mạnh hơn so với dự báo.
Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Dow Jones mất 213.66 điểm (1.65%) xuống 12,715.93 điểm, chỉ số S&P 500 rớt 23.61 điểm (1.71%) xuống 1,358.59 điểm, chỉ số Nasdaq Composite sụt 55.86 điểm (1.83%) xuống 2,991.22 điểm.
Ngược lại, chỉ số đo lường trạng thái biến động CBOE (VIX), thước đo tốt nhất về mức độ sợ hãi trên thị trường, nhảy vọt 8.4% lên 20.39 điểm. Đây là phiên gia tăng thứ 8 liên tiếp của chỉ số này, đánh dấu đợt leo dốc dài nhất trong gần 9 năm. Tại mức cao nhất trong phiên là 21.06 điểm, chỉ số này tăng tới 12%.
Giao dịch diễn ra sôi động hơn so với bình thường với khoảng 8.18 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng trên ba sàn New York, American và Nasdaq; cao hơn mức trung bình hàng ngày năm ngoái là 7.84 tỷ cổ phiếu.
Khoảng 80% cổ phiếu niêm yết trên sàn New York và Nasdaq đóng cửa trong sắc đỏ.
Diễn biến của các chỉ số chứng khoán chính trên thế giới ngày 10/04:
|
Nguồn: VietstockFinance |
Phước Phạm (Vietstock)
Finfonet
|