“Tại sao nghị định không hướng dẫn vàng tài khoản?”
Thủ tướng Chính phủ vừa chính thức ký ban hành nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng sau hàng chục lần dự thảo. Liệu văn bản có nhiều điểm mang tính bước ngoặt này sẽ tác động ra sao tới thị trường vàng trong nước trong thời gian tới?
VnEconomy đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Trần Thanh Hải, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và kinh doanh vàng Việt Nam (VGB), về vấn đề này.
Cảm giác của ông khi xem nội dung nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng mà Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành? Có điểm nào trong nghị định này khiến ông ngạc nhiên không?
Tôi rất là mừng vì sau hơn 10 năm, một nghị định “có tầm vóc” hơn ra đời nhằm hướng dẫn hoạt động kinh doanh vàng.
Điểm ngạc nhiên cũng đi kèm với sự hụt hẫng là nghị định quy định khá chi tiết một số loại vàng tại điều 3 nhưng khi cụ thể hóa tại các chương 2, 3, và 4, tức là từ điều 5 đến điều 15, thì vẫn còn thiếu việc hướng dẫn hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản, vốn đã rầm rộ từ năm 2007 và hiện nay cũng đang phổ biến trên các mạng tại Việt Nam.
Ngoài ra nghị định cũng không quy định hàm lượng vàng trong vàng miếng là điều tôi chưa rõ ý gì (khoản 2 điều 3), trong khi đó tại khoản 2 điều 16 lại cho bổ sung vàng miếng chưa biết hàm lượng như thế nào vào dự trữ ngoại hối của Nhà nước?
Theo ông, đối với các doanh nghiệp kinh doanh vàng, bao gồm cả SJC và “phi SJC”, nghị định này sẽ có tác động như thế nào đối với hoạt động của họ trong thời gian tới?
Vàng SJC phổ biến trên thị trường hiện nay là vàng miếng SJC 9999. Trong nghị định này giao Ngân hàng Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng tại khoản 3, điều 4 và với cách trả lời của Thống đốc trong kỳ họp Quốc hội vừa rồi, được hiểu là các thương hiệu vàng miếng “phi SJC” sẽ không còn được sản xuất nữa.
Điều này sẽ làm cho một số tổ chức và cá nhân hiện đang giữ vàng miếng “phi SJC” gặp bất lợi khi trao đổi, hoán chuyển sang vàng SJC, sau này là SBV. Nên chăng cho thống kê, đăng ký, kiểm tra chất lượng, thu phí gia công lại và cho chuyển đổi hết trong một lộ trình 6 tháng?
Riêng đối với doanh nghiệp của ông thì nghị định có tác động như thế nào?
Công ty VGB của chúng tôi là một tổ chức quy tụ nhiều “anh tài” kinh doanh vàng lâu năm tại Việt Nam như SJC Hà Nội, Doji, Kim Linh, Ngọc Anh… Các cổ đông sáng lập của chúng tôi và công ty VGB có quá trình kinh doanh vàng vật chất và tài khoản.
Tuy nhiên mảng kinh doanh vàng tài khoản, mặc dù đã có nêu tại khoản 4, điều 3, nhưng đã biến mất trong tất cả các điều khoản còn lại của Nghị định! Thật là một điều đáng tiếc.
Theo ông, người dân có phải là đối tượng hưởng lợi từ việc Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng? Việc cấm sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán theo ông có khả thi?
Với mức thuế xuất, nhập khẩu bằng 0 như quy định tại khoản 2 điều 14, thì có thể hiểu hàng rào thuế quan không còn nhưng không biết là cung vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước có thỏa mãn mọi nhu cầu người dân một khi dấu hiệu lạm phát và các kênh đầu tư khác tại Việt Nam vẫn chưa hấp dẫn và bền vững. Nếu được đáp ứng tối đa nhu cầu mua vàng miếng từ Ngân hàng Nhà nước cộng với không thuế suất, chắc chắn người dân sẽ được lợi chứ!
Việc cấm dùng vàng làm phương tiện thanh toán nên nhìn theo hai hướng, biện pháp hành chính và xu thế phát triển.
Vàng được rộ lên làm phương tiện thanh toán khi Việt nam đối mặt với lạm phát phi mã 3 con số từ giữa thập kỷ 80 của thế kỷ trước. Nhưng sau hơn 20 năm đổi mới việc dùng vàng làm phương tiện thanh toán đã giảm đáng kể, hiện chỉ còn lác đác trong thanh toán mua bán nhà cất sẵn. Do đó nên chú trọng tới việc lành mạnh hóa thị trường tiền tệ như tạo thanh khoản bằng tiền đồng, tạo tiền đồng có giá trị hơn, giảm lạm phát…, những điều này sẽ làm phai nhạt đi nhu cầu dùng vàng làm phương tiện thanh toán.
Nhìn tổng thể, theo ông, đâu là những đối tượng hưởng lợi từ Nghị định này?
Trước hết, tôi vẫn thấy bóng dáng của nhóm lợi ích khi được biết Ngân hàng Nhà nước vừa yêu cầu nhóm 5 + 1 báo cáo tình trạng hoạt động kinh doanh vàng qua văn bản số 1873/NHNN-QLNH ngày 3/4/2012. Tại sao cùng xảy ra trong thời điểm này và không có thêm các tổ chức khác?
Việc tạo ra giấy phép con cho các hoạt động đăng ký lại việc sản xuất, gia công và mua bán vàng trang sức mỹ nghệ là một lực cản lớn và làm tăng chí phí trong các hoạt động kinh doanh vàng vốn đang ế ẩm trong các tháng gần đây.
Tất cả những điều trên khi xảy ra thì giá thành cuối cùng cũng sẽ là những người tiêu dùng thật sự sẽ phải chịu.
Ông là một người có nhiều am hiểu về hoạt động kinh doanh vàng không chỉ trong nước mà còn trên thế giới. Xin ông cho biết đã có quốc gia nào mà Nhà nước có can thiệp mạnh vào hoạt động sản xuất và kinh doanh vàng như quy định trong Nghị định mới của Việt Nam không?
Tôi không dám nhận mình là như vậy, nhưng với qúa trình hơn 20 năm trong lĩnh vực kinh doanh vàng miếng, vàng nữ trang, kể cả lúc mở cửa hàng nữ trang tại nhà, và sau này là kinh doanh vàng tài khoản tại VGB, tôi thấy tại Việt Nam hình như Vụ Quản lý ngoại hối khá vất vả trong việc định hình hoạt động kinh doanh vàng, bao gồm cả vàng vật chất và tài khoản từ bấy lâu nay.
Nếu tiền đồng Việt Nam cứ tiếp tục mất giá và chưa thể chuyển đổi được, nếu phần lớn nông dân Việt Nam chưa rành về thị trường chứng khoán và chưa đủ vốn để đầu tư bất động sản thì kinh doanh vàng tài khoản có thể là cứu cánh cho việc giải thoát sự loay hoay của việc quản lý sản xuất, mua bán vàng miếng từ bấy lâu nay. Vụ Quản lý ngoại hối chắc là biết thực trạng này và cũng nên mạnh dạn xây dựng thông tư hướng dẫn từ nghị định này.
Mặt khác, các bài học về các vụ cướp tiệm vàng cũng phản ánh một thực trạng là chưa ở đâu việc kinh doanh vàng tiền tệ lại phổ biến và lãng phí ngoại tệ nhập vàng trên từng cây số như tại Việt Nam.
Tại các nước phát triển khi mà đồng tiền nội tệ cực mạnh như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản thì người dân vẫn có quyền không thích tích lũy bằng việc gửi tiền tiết kiệm bằng nội tệ. Thay vào đó người dân có thể mua vàng trên các sàn hàng hóa như mua dầu để giữ giá trị tài sản tích lũy, đầu tư của họ, qua đó các nước này không phải chật vật với việc quản lý sản xuất, gia công, mua - bán vàng miếng như Việt Nam hiện nay.
Theo ông, giữa lúc giá vàng thế giới đang chịu áp lực giảm mạnh, việc ban hành nghị định này có thể tác động tới giá vàng trong nước như thế nào trong những ngày tới? Liệu tình trạng giá vàng trong nước cao hơn thế giới hàng triệu đồng/lượng hiện nay có được khắc phục?
Giá vàng thế giới giảm và lại lên phụ thuộc rất nhiều vào sự thay đổi của chính sách tiền tệ, tài khóa, và địa-chính trị trên thế giới. Việc ban hành Nghị định này trước hết sẽ ảnh hưởng đến giới kinh doanh, sản suất vàng miếng và vàng trang sức bao gồm cả nhóm 5 + 1.
Trong ngắn hạn, độ vênh giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới sẽ vẫn còn vì việc triển khai thực hiện Nghị định này chắc chắn sẽ mất nhiều thời gian cũng như việc chuẩn bị của Ngân hàng Nhà nước trong việc điều tiết sản xuất, phân phối vàng miếng cho dù có sử dụng kênh 5 + 1 cũng cần thêm thời gian.
Tuy nhiên tác động trực tiếp nhất có lẽ là những ai đang nắm giữ những thương hiệu vàng “phi SJC” như đã nói ở trên.
An Huy
tbktvn
|