Thứ Sáu, 06/04/2012 09:36

SBS: Tái cơ cấu thành công trên… sổ sách!

SBS khẳng định đã tái cấu trúc thành công, nhưng từ điểm thành công trên sổ sách này, để mang đến “quả ngọt” cho cổ đông còn là một quá trình dài.

CTCK Sài Gòn Thương Tín (SBS) khẳng định đã tái cấu trúc thành công, nhưng từ điểm tái cơ cấu thành công trên sổ sách này, để mang đến “quả ngọt” cho cổ đông SBS còn là một quá trình dài, mà trong đó, tìm ra hướng đi riêng cho SBS vẫn là câu hỏi ngỏ…

Tái cơ cấu SBS: từ quyết tâm…

Thông điệp mà Chủ tịch HĐQT SBS, ông Nguyễn Hồ Nam đưa ra trong tuần này khiến không ít NĐT gắn bó với Công ty thấy vui mừng: tái cấu trúc thành công. Ba công việc về tái cấu trúc của SBS có thể được tóm gọn là: thanh lý danh mục tự doanh, ghi nhận đầy đủ các khoản nợ khó đòi của khách hàng, tái cấu trúc tài chính.

Theo đó, trong quý I/2012, SBS đã thanh lý toàn bộ khoản tự doanh, chủ yếu là cổ phiếu chưa niêm yết. Theo ông Nam, mức giá mà SBS sử dụng để hạch toán các khoản này cuối năm 2011 là theo giá trị nội tại của DN, nên việc thanh lý phải chịu giá thấp hơn.

Thứ hai là việc ghi nhận đầy đủ các khoản cho vay khó đòi của NĐT. Ban lãnh đạo Công ty cho hay, sau này nếu đòi được nợ, thì Công ty sẽ ghi nhận vào lợi nhuận khác.

Điểm thứ ba đáng chú ý là việc SBS phát hành thành công 800 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi (TPCĐ) và định hướng hoạt động Công ty tập trung phát triển dịch vụ, hạn chế tự doanh. Đi kèm với việc này là tiết giảm chi phí thông qua việc đóng cửa các chi nhánh, thay thế bằng mở phòng giao dịch đi kèm với mạng lưới của Ngân hàng Sacombank.

SBS cho biết, trong quý I/2012 đã thanh lý toàn bộ khoản tự doanh

.… đến thực tế

BCTC hợp nhất của Sacombank cuối quý IV/2011 cho thấy, Công ty có 2.633 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn (bao gồm cả các khoản hỗ trợ tài chính khách hàng). Giả sử mức thiệt hại khoảng 20% tổng giá trị danh mục, thì số lỗ của SBS trong quý I/2012 từ hệ quả của quá trình tái cơ cấu sẽ ở mức hơn 500 tỷ đồng.

Tuy nhiên, dù con số lỗ là bao nhiêu chăng nữa, thì nỗ lực cải tổ của SBS thời điểm này mới chỉ đơn thuần là chuyển đổi một phần tài sản sang tiền và phản ánh đúng giá trị tài sản SBS đang có. Thành công của việc tái cơ cấu SBS chưa tạo ra giá trị gia tăng, mà còn phải chờ xem sau đó, SBS có bật lên được không. Với khoản lỗ quý I dự báo hàng trăm tỷ đồng, nếu sau quá trình tái cơ cấu, Công ty chỉ tập trung vào lĩnh vực dịch vụ, thì mất bao lâu để SBS có thể “hoàn hồn”?

“Chìa khóa” quan trọng nhất giúp SBS cải thiện tình trạng tài chính có lẽ là việc Công ty phát hành được 800 tỷ đồng TPCĐ cho CTCP Dịch vụ Giá Trị Mới với lãi suất 13%/năm, thời hạn 3 năm, vào ngày 9/3/2012. Với việc huy động thành công 800 tỷ đồng, SBS đã được bơm thêm nguồn vốn để có thể mạnh tay cho việc tái cấu trúc.

Nhưng một câu hỏi thị trường rất quan tâm là CTCP Dịch vụ Giá Trị Mới là ai mà đủ sức và sẵn lòng cho SBS vay 800 tỷ đồng lúc này? Thông qua công cụ mạng, các nguồn tin chỉ tìm được một công ty có cùng tên tiếng Anh và tiếng Việt với công ty mua TPCĐ của SBS. Công ty này có trụ sở tại 45/311Q -Quang Trung- phường 12 - quận Gò Vấp, vốn kinh doanh (từ năm 2010) là 1 tỷ đồng với hoạt động chính là: vệ sinh nhà cửa và các công trình, dịch vụ chăm sóc và duy trì cảnh quan, cho thuê xe có động cơ, vận tải hành khách, hàng hóa đường bộ. Sự bí ẩn về sức mạnh tài chính của “mạnh thường quân” CTCP Dịch vụ Giá Trị Mới là câu hỏi thú vị mà các thành viên, nhất là các CTCK khác rất quan tâm lúc này.

Sau tái cấu trúc, cần nhất là hướng đi

Một nội dung chung, dễ thấy trong thông điệp của các CTCK về tái cấu trúc là: thay đổi cơ cấu tài chính vay nợ, tập trung cho phát triển dịch vụ đi kèm với tự doanh, cấu trúc lại cơ cấu tài chính, trong đó có việc phát hành trái phiếu. Chỉ một số ít CTCK đưa ra thông điệp về định hướng chú trọng đầu tư theo cách đi sâu vào DN, tìm kiếm hiệu quả bền vững.

Thực tế, khi chỉ chú trọng vào phát triển dịch vụ, thì liệu hiệu quả có cao? Với tổng giá trị giao dịch thị trường cao nhất cũng chỉ 3.000 tỷ đồng/phiên, tổng mức phí thu được của 100 CTCK, nếu tính bình quân 0,2%, là 12 tỷ đồng/phiên. Các CTCK còn có thể thu thêm phí cung cấp dịch vụ tài chính khác (như đòn bẩy). Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các CTCK hầu như không có lãi, hoặc số lãi không lớn từ tất cả các hoạt động dịch vụ. Đi kèm với việc cung ứng các dịch vụ là phải đầu tư cơ sở hạ tầng, con người, phí hoa hồng, phí giao dịch nộp lại hai Sở GDCK...

Trong bối cảnh cạnh tranh dịch vụ chứng khoán rất gay gắt, để tồn tại và vươn lên, CTCK cần có một hướng đi riêng, khai thác được lợi thế sẵn có và có thể tạo nên giá trị gia tăng lớn hơn mảng dịch vụ. Đây là điểm tạo nên sự khác biệt giữa các công ty, trong khi SBS chưa thực sự thuyết phục được nhà đầu tư tin vào một hướng đi mới sau tái cấu trúc, ngoài việc công bố có 600 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng và thu lãi tiền gửi hơn 7 tỷ đồng/tháng.

Cần nói thêm là ngay cả những công ty kiên quyết hạn chế tự doanh cũng dễ “say sóng” khi TTCK tăng điểm. Đây mới chính là cạm bẫy lớn nhất, cạm bẫy từ những công cuộc tái cấu trúc không triệt để.  

Uyên Phạm

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   PSC đặt kế hoạch doanh thu 1,001 tỷ đồng trong năm 2012 (06/04/2012)

>   CSG: Cổ đông lớn SAM nghĩ gì về giải thể công ty? (05/04/2012)

>   TIE: Vì sao lợi nhuận 2011 giảm 5.5 tỷ đồng? (05/04/2012)

>   PAC: 3 năm liền "quên" trích lập dự phòng trợ cấp thôi việc (05/04/2012)

>   Bianfishco nợ thêm 10 công ty trên 27,7 tỉ đồng (05/04/2012)

>   CCI: Tập trung vốn cho dự án KCN Tây Bắc Củ Chi  (05/04/2012)

>   Thực hư lợi nhuận Petroland (05/04/2012)

>   SAM: Không vay ngân hàng để đầu tư bất động sản (05/04/2012)

>   HMH: Năm 2012 trả cổ tức 32% bằng cổ phiếu (05/04/2012)

>   TVD: Cổ tức 2012 không thấp hơn 16% (05/04/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật