Thứ Tư, 04/04/2012 16:22

Nội tình thương vụ 25 triệu USD Kusto - CTD

Việc hiểu rõ về nhau bắt nguồn từ mối quan hệ cách đây 5 năm đã khiến Kusto và Coteccons bắt tay chiến lược một cách thông đồng bén giọt.

* CTD phát hành cp cho Kusto Group, giá 50,000 đồng

Giá trị của Coteccons trong mắt Kusto

Vào hồi trung tuần tháng 3, Công ty cổ phần Xây dựng Cotec (Coteccons - mã niêm yết trên HOSE: CTD) - một tên tuổi bấy lâu nay không còn xa lạ với làng xây dựng dân dụng Việt Nam - đã chính thức ký hợp đồng hợp tác chiến lược với tập đoàn đầu tư Kusto Group. Theo thỏa thuận của hợp đồng, Coteccons phát hành 10,43 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho Kusto, tương đương 24,7% vốn cổ phần của Coteccons. Để có được số cổ phần này, Kusto đã phải chi ra hơn 500 tỷ đồng (khoảng 25 triệu USD). Với số tiền này, đây có thể coi là thương vụ mua bán cổ phần có giá trị lớn trong lĩnh vực xây dựng ở Việt Nam.

Tính một cách tương đối (bởi có thể lấy trung bình giá của nhiều ngày trước đó), nếu lấy giá thị trường của CTD tại ngày ký kết hợp tác đầu tư (13/3) là 31.200 đồng/cổ phiếu, Kusto đã phải trả cao hơn thị giá xấp xỉ 60% để được sở hữu số cổ phiếu này. Vì sao Kusto lại chịu trả một mức giá cao như vậy? Nhìn lại sự phát triển ngoạn mục của Coteccons, có thể hiểu một phần lý do khiến công ty này trở thành mục tiêu theo đuổi hàng đầu của Kusto. Coteccons có tiền thân là khối xây lắp thuộc Công ty Kỹ thuật xây dựng và Vật liệu xây dựng, thành viên của Tổng công ty Vật liệu xây dựng số 1 (FICO). Năm 2004, sau quá trình cổ phần hóa, Coteccons được hình thành với vốn điều lệ ban đầu 15,2 tỷ đồng và phát triển với tốc độ rất nhanh trong giai đoạn sau đó. Tỷ suất lợi nhuận trung bình của công ty đạt khoảng 4 - 5%/năm - một con số ấn tượng với lĩnh vực thi công xây dựng nhiều rủi ro. Năm 2011, doanh thu của Coteccons đạt 4.509 tỷ đồng (chưa kể các công ty liên kết), lợi nhuận 211 tỷ đồng (theo báo cáo tài chính).

Tiến sĩ Trần Vinh Dự, Tổng Giám đốc Công ty TNK Capital - nhà tư vấn chiến lược và M&A cho Coteccons, cho biết: kinh nghiệm và thương hiệu Coteccons được đánh giá cao, song nhân tố quan trọng nhất tạo giá trị cho công ty này là con người. Nói cụ thể là ban lãnh đạo. Ông Dự tiết lộ: trong quá trình đàm phán, đại diện Kusto luôn nhấn mạnh hai giá trị lớn của Coteccons là: (i) ban lãnh đạo có năng lực và văn hóa đoàn kết, dân chủ; và (ii) năng lực chuyên môn đã được chứng tỏ ở nhiều công trình. Kusto đánh giá cao hai yếu tố này và luôn cam kết không can thiệp đáng kể vào công việc hàng ngày của Coteccons mà để ban lãnh đạo Coteccons tự điều hành. Lý do Kusto không muốn can thiệp vào việc điều hành là bởi họ nhận ra đây chính là những bí quyết tạo nên một tên tuổi lớn trong ngành xây dựng. Quan trọng hơn, ban lãnh đạo Coteccons do ông Nguyễn Bá Dương làm Tổng giám đốc và các cộng sự luôn định hướng cho Coteccons mục tiêu dẫn đầu thị trường. Công ty này nằm trong số ít những doanh nghiệp Việt Nam có khả năng vươn ra tầm khu vực và ban lãnh đạo công ty đang có những kế hoạch rất cụ thể nhằm hiện thực hóa mục tiêu đó.

Xuất phát điểm là nhận thi công các công trình dân dụng và công nghiệp nhỏ, Coteccons đã nhanh chóng chuyển hướng sang các dự án lớn hơn như xây cao ốc, nhà máy lớn… Công ty đang theo đuổi những mục tiêu tham vọng hơn, đặc biệt là tham gia vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng.

Nhưng vẫn có những thách thức cho Coteccons, bởi đây là lĩnh vực có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp sừng sỏ. Công ty phải đạt được một quy mô nhất định xét về danh mục các dự án đã làm và giá trị các dự án đó, chỉ tiêu tổng tài sản, quy mô vốn, tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận. Xây dựng cơ sở hạ tầng đòi hỏi nguồn vốn rất lớn để nghiên cứu, đầu tư trang thiết bị, vốn đối ứng... Doanh nghiệp phải có trình độ công nghệ hiện đại và kinh nghiệm quản lý tốt. Do vậy nếu không có một đối tác lớn thì một mình Coteccons khó có thể lấn sân sang thị trường hấp dẫn này, và nếu có cũng khiến họ mất nhiều thời gian và công sức hơn.

Nhiều nhà đầu tư cũng muốn mua cổ phần của Coteccons, nhưng theo tiết lộ của ông Trần Quang Tuấn, Phó Tổng giám đốc Coteccons, thì Đại hội cổ đông công ty đã quy định phải chọn các nhà đầu tư chiến lược thay vì các nhà đầu tư tài chính đơn thuần. Nghĩa là họ phải tham gia vào công ty lâu dài chứ không chỉ góp vốn đơn thuần về mặt tài chính, đầu tư 2 - 3 năm rồi thoái vốn. Ví như quỹ Dragon Capital đã thoái vốn toàn bộ và không còn là cổ đông của Coteccons nữa bởi họ chỉ là nhà đầu tư tài chính. Hiện tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong Coteccons đã giảm xuống còn 15%.

Theo đánh giá của ông Trần Vinh Dự, Kusto là một tập đoàn đầu tư chuyên nghiệp đã tham gia nhiều thị trường giống hoặc phát triển hơn Việt Nam và rất am hiểu tình hình Việt Nam. Do đó, kinh nghiệm tìm kiếm đối tác và đàm phán thương vụ của họ là điều không phải bàn cãi. Quan trọng hơn, Kusto không phải nhà đầu tư tài chính chỉ quan tâm đến các chỉ số tài chính như doanh thu, lợi nhuận, dòng tiền v.v... Họ tham gia đầu tư với tư cách đối tác chiến lược, hợp tác trên nhiều phương diện như tìm kiếm nguồn công trình, mở rộng quan hệ khách hàng, bổ sung công nghệ, con người, kinh nghiệm quản trị nên họ không những biết, mà biết rất rõ về Coteccons. Điều này phù hợp tiêu chí chọn nhà đầu tư chiến lược của Coteccons.

Mua nhanh, bán gọn

Thương vụ này diễn ra khá nhanh gọn, chủ yếu do hai bên đã hiểu nhau. Nhưng giới đầu tư quan tâm tại sao Kusto lại chấp nhận mua 24,7% cổ phần Coteccons với mức giá cao hơn hẳn giá trị trường và thời gian đàm phán giá chỉ kéo dài ba tháng? Liệu có rủi ro cho bên mua do các yếu tố vĩ mô bất ổn tại Việt Nam, đặc biệt trong ngành xây dựng - bất động sản không?

Nếu nhìn từ góc độ của Kusto, thương vụ này giúp họ có cơ hội tham gia và nắm bắt một thị trường xây dựng còn nhiều tiềm năng phát triển. Nói thị trường hiện nay không khả quan do bất ổn vĩ mô cũng không sai. Tuy nhiên, Kusto nhìn dài hạn hơn vì đối với họ Việt Nam vẫn là "một đại công trường", vẫn có nhu cầu xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng rất lớn. Cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào thị trường xây dựng cơ sở hạ tầng còn rất nhiều khi chính phủ Việt Nam đang mong muốn các công ty xây dựng lớn của Việt Nam có khả năng tham gia các dự án cơ sở hạ tầng với nguồn vốn ODA. Hiện tại Coteccons chưa phải là công ty xây dựng cơ sở hạ tầng nên chưa thể đánh giá chính xác năng lực của công ty về mặt này. Tuy nhiên, phía Kusto tin rằng định hướng chiến lược trở thành công ty về cơ sở hạ tầng của Coteccons sẽ mang lại thành công cho công ty, tương tự lĩnh vực xây dựng dân dụng trước đây.

Thông thường trong một thương vụ M&A, hầu như lúc nào bên bán cũng muốn bán với mức giá cao, còn bên mua muốn mua thấp. Mặc dù mức giá đề nghị ban đầu của mỗi bên không được tiết lộ, nhưng hai bên chỉ mất 3 tháng đàm phán giá trong tổng số gần 1 năm đàm phán cả thương vụ. Đây thực sự không phải thời gian quá lâu, nếu biết rằng trong các thương vụ M&A các bên thường dành trung bình 70% tổng thời gian cho việc đàm phán giá. Một yếu tố thuận lợi nữa là hai bên biết nhau từ 4 - 5 năm trước, hiểu rõ năng lực của nhau. Chính vì vậy, quá trình đàm phán được gói gọn chỉ trong gần 1 năm, sau khi có nghị quyết của Đại hội cổ đông năm 2011 của Coteccons về việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho đối tác chiến lược. Việc đàm phán giữa hai đối tác chủ yếu để thống nhất về tầm nhìn, hướng đi, và quy chế làm việc cụ thể để hai bên có căn cứ cho công việc sau này. Ông Trần Quang Tuấn, Coteccons, giải thích: sự suôn sẻ của giao dịch có được nhờ thiện chí hợp tác của cả hai, và mọi thông tin, báo cáo về Coteccons đều minh bạch, đúng chuẩn mực. Việc định giá một công ty luôn lấy giá trị sổ sách làm khởi điểm, sau đó sẽ tính đển các yếu tố như đội ngũ lãnh đạo, giá trị thương hiệu, tiềm năng tăng trưởng...

Dự tính và chiến lược của Kusto

Vấn đề đáng lưu ý là Kusto sẽ đặt ra những mục tiêu gì cho hoạt động của Coteccons? Kusto cho biết, họ đề ra các chỉ tiêu cơ bản trong tài chính như tăng trưởng doanh thu, tỷ suất lợi nhuận cùng với yếu tố đội ngũ ban lãnh đạo Coteccons cam kết gắn bó lâu dài với công ty. Ông Tuấn khẳng định sẽ không có thay đổi nào đáng kể, trừ việc Coteccons dự định sẽ tham gia lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng.

Nhìn từ góc độ lợi ích, cái bắt tay với đối tác lớn tại Việt Nam sẽ giúp Kusto hiện thực hóa hai mục tiêu chính. Đó là nhanh chóng thâm nhập và có thể chiếm lĩnh thị trường Việt Nam vốn có rất nhiều tiềm năng (nhu cầu xây dựng hạ tầng cao, dồi dào tài nguyên, dân số trẻ...) và có thêm đối tác năng động, uy tín để thi công những dự án của tập đoàn này tại Việt Nam.

Ngược lại, Coteccons có thể dùng số vốn 500 tỷ đồng huy động được để tham gia lĩnh vực cơ sở hạ tầng (mua sắm thiết bị, đầu tư nghiên cứu và chuẩn bị vốn đối ứng cho các dự án); thực hiện kế hoạch M&A với các công ty xây dựng nhỏ hơn để hiện thực hóa kế hoạch hợp nhất thị trường. Hơn nữa, công ty sẽ có thêm khoản tiền dự phòng (cash buffer) để tránh các cú sốc trong tình hình kinh tế vĩ mô nói chung, thị trường bất động sản nói riêng khó dự đoán như hiện nay.

Giao dịch trên cũng đem lại ưu thế cực lớn về nguồn tiền cho Coteccons so với các đối thủ cạnh tranh hầu hết đang phải gồng mình chịu các khoản nợ khó đòi từ chủ đầu tư và nợ phải trả đối với ngân hàng. Về cấu trúc hoạt động và nhân sự cao cấp của Coteccons, ông Trần Quang Tuấn cho biết, toàn bộ nhân sự cao cấp hiện nay của Coteccons vẫn sẽ giữ nguyên chức vụ và đảm nhiệm công việc như trước khi thương vụ xảy ra. Các lãnh đạo Coteccons cũng được yêu cầu giữ nguyên tỷ lệ cổ phần của họ trong công ty như một cam kết lâu dài. Kusto sẽ cử ít nhất một thành viên tham gia Ban giám đốc hoặc Hội đồng quản trị Coteccons để nắm bắt và tham gia công việc điều hành chung của công ty. Tiềm năng phát triển của Coteccons tương lai sau khi có Kusto sẽ thế nào? Theo Coteccons, công ty vẫn hướng đến mức tăng trưởng doanh thu tối thiểu 15%/năm và tỷ suất lợi nhuận khoảng 4 - 5%/năm tùy từng lĩnh vực kinh doanh. Nhìn chung, mức này bằng mức tăng trưởng trong những năm qua, có tính đến tình hình kinh tế Việt Nam và thế giới. Ông Tuấn tiết lộ riêng với Doanh Nhân, chiến lược mà Kusto hướng tới nhằm hỗ trợ Coteccons tập trung vào ba điểm chủ chốt.

Thứ nhất là cùng ban lãnh đạo định hướng và xây dựng chiến lược phát triển. Là một tập đoàn đầu tư đa quốc gia, đặc biệt tại các nền kinh tế mới nổi, Kusto cam kết sẽ chia sẻ những hiểu biết và kinh nghiệm của mình trong chiến lược phát triển bất động sản và cơ sở hạ tầng, và quản trị doanh nghiệp sao cho phù hợp với tình hình Việt Nam. Điều này đặc biệt có ý nghĩa với Coteccons vì họ cần một người "hiểu mình" và đã có những trải nghiệm tương tự ở những nền kinh tế có giai đoạn phát triển giống Việt Nam để đi cùng một chặng đường dài chứ không chỉ là người cung cấp vốn cho một cuộc chơi "ngắn hạn".

Điểm thứ hai, Kusto cam kết hỗ trợ Coteccons tìm kiếm nguồn dự án mới không chỉ tại Việt Nam mà còn ở các nước khác, bởi Kusto có mối quan hệ làm ăn rộng trên thế giới. Như vậy, một bên có nguồn dự án tiềm năng lớn, bên kia có khả năng thực hiện chính các dự án đó. Đó cũng là một phần giá trị cộng hưởng từ các thương vụ hợp tác chiến lược, trong đó có thương vụ Kusto - Coteccons. Trong thỏa thuận hợp tác có điều khoản quy định Kusto sẽ thông báo cho Coteccons nếu có các dự án xây dựng, bất động sản. Điều mà Coteccons sẽ giúp cho Kusto là sự tin tưởng và chất lượng công trình thi công mà các doanh nghiệp trong nước khác khó lòng đạt được. Với sự góp sức của Kusto, mục tiêu đầy tham vọng của Coteccons là đạt mức doanh thu 1 tỷ USD trong vòng 7 năm tới có cơ sở để đạt được.

Ngoài ra, Kusto cũng sẽ hỗ trợ Coteccons xây dựng hệ thống quản trị hiện đại. Coteccons là doanh nghiệp có quy mô lớn, cần phải ứng dụng nền tảng công nghệ thông tin hiện đại vào việc quản trị nguồn lực doanh nghiệp (ERP), quản lý nhân sự, khách hàng, chuỗi cung ứng... Doanh thu hiện tại của Coteccons đều đến từ lĩnh vực xây dựng dân dụng. Trong 5 năm tới, ông Tuấn chia sẻ, Coteccons chỉ đặt mục tiêu khiêm tốn là mảng cơ sở hạ tầng sẽ chiếm tỷ trọng 5 - 7% tổng doanh thu của tập đoàn. Cũng trong 5 năm tới, mục tiêu của Coteccons mới chỉ là tham gia lĩnh vực này chứ chưa nghĩ đến vị thế dẫn đầu. Cho dù là doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm về xây dựng thì trong điều kiện vĩ mô biến động như 1 - 2 năm vừa qua, tốc độ tăng trưởng của Coteccons có dấu hiệu chậm lại. Sau giai đoạn tăng trưởng nhanh, công ty cũng đạt đến ngưỡng bão hòa. Cụ thể, từ năm 2008 sang 2009, lợi nhuận sau thuế của Coteccons tăng 58%; năm 2009 sang 2010 doanh thu tăng 68% nhưng mức tăng lợi nhuận sau thuế đã chậm lại, chỉ còn 5,3% . Năm 2010 sang 2011 doanh thu tăng chậm lại ở mức 36,5%.

Ông Tuấn cho biết, với sự tham gia của cổ đông lớn như Kusto công ty ông không phải chịu sức ép để đạt được doanh thu hoặc lợi nhuận quá cao so với bình quân của thị trường. Giải quyết các thách thức lớn đối với hoạt động của công ty trong những năm tới sẽ là một nhiệm vụ trọng tâm của ban lãnh đạo. Đó là bối cảnh kinh tế vĩ mô bất ổn, thị trường bất động sản đình trệ, các chủ đầu tư bất động sản đang lao đao. Việc tham gia vào lĩnh vực mới (cơ sở hạ tầng) cũng không đơn giản. Một vấn đề khác là Coteccons cần chuyên nghiệp hóa hệ thống quản lý nội bộ để đáp ứng nhu cầu phát triển trong tương lai (tổ chức bộ máy điều hành theo tiêu chuẩn quốc tế).

Kusto Group: Là tập đoàn đầu tư có các dự án đầu tư tại Kazaxtan, Nga, Ukraina, Gruzia, Trung Quốc, Việt Nam. Danh mục đầu tư của họ trải rộng từ khai thác dầu mỏ, khoáng sản đến công nghệ thông tin, cơ sở hạ tầng, bất động sản. Năm 2005, Kusto thành lập Công ty bất động sản Bình Thiên An (BTA) tại Việt Nam. Kusto - BTA sở hữu các dự án bất động sản cao cấp gồm Đảo Kim Cương, Metropolis Thảo Điền tại TP.HCM.

Thành Trung

diễn đàn doanh nghiệp

Các tin tức khác

>   NHC chia cổ tức 43% cho năm 2011 (04/04/2012)

>   HAG dự kiến đạt 1,200 tỷ đồng lãi trước thuế năm 2012 (04/04/2012)

>   SD8 đặt kế hoạch lãi 6.5 tỷ đồng năm 2012 (04/04/2012)

>   LIX trả cổ tức 2012 ở mức 25% bằng tiền (04/04/2012)

>   TNA đặt chỉ tiêu 50 tỷ đồng lợi nhuận 2012 (04/04/2012)

>   SAM kỳ vọng bất động sản đóng góp 122 tỷ đồng lợi nhuận (04/04/2012)

>   PET dự kiến trả cổ tức năm 2011 với tỷ lệ 18% bằng tiền (04/04/2012)

>   TCO đặt chỉ tiêu lãi sau thuế 19 tỷ đồng, cổ tức lên 12% (04/04/2012)

>   S64 sẽ hủy niêm yết để sáp nhập vào SD6 (04/04/2012)

>   2.400 công nhân Bianfishco khốn đốn (04/04/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật