Lãi suất ngân hàng giảm, thị trường địa ốc "phập phồng"
Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước thông báo giảm 1 điểm phần trăm lãi suất huy động, nhiều doanh nghiệp bất động sản, trong đó có cả một số ngân hàng - ông chủ đích thực của nhiều dự án bất động sản đã công bố những kế hoạch kinh doanh mới.
Tại Hà Nội, Vingroup bắt tay với Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank) ký hợp đồng hợp tác hỗ trợ tín dụng cho khách hàng mua biệt thự tại Dự án Vincom Village (phường Sài Đồng, Quận Long Biên). Theo đó, khách mua biệt thự tại Vincom Village sẽ được MBBank tư vấn và hỗ trợ hoàn thiện thủ tục vay vốn nhanh gọn; thời hạn vay dài hạn phù hợp với năng lực tài chính của khách; số tiền cho vay tối đa đến 80% trị giá hợp đồng và tài sản bảo đảm chính là biệt thự tại Dự án. Đặc biệt, nhằm hỗ trợ tối đa cho khách hàng ký hợp đồng tín dụng với tại MBBank để mua biệt thự Vincom Village, Vingroup còn hỗ trợ lãi suất vay trong thời hạn 1 năm; trong đó, trong 6 tháng đầu tiên, khách hàng chỉ phải trả lãi suất ở mức 10%/năm và 6 tháng sau, khách hàng được hỗ trợ giảm 5% từ lãi suất của Ngân hàng.
Tại khu vực phía Nam, Công ty cổ phần Đức Khải và Ngân hàng TMCP Công thương (Vietinbank) Chi nhánh số 8 cũng vừa ký hợp đồng liên kết hỗ trợ vốn vay cho khách hàng mua sản phẩm tại Dự án The Era Town (phường Phú Mỹ, quận 7, TP.HCM). Theo đó, phía Vietinbank cam kết cho khách hàng của Đức Khải vay vốn để thanh toán tiền mua căn hộ The Era Town, hiện đã hoàn tất phần thô. Tỷ lệ được vay tối đa là 70% giá trị căn hộ dự án (tài sản thế chấp). Vietinbank cũng cam kết dành cho công ty này một khoản tín dụng lên tới 1.200 tỷ đồng để phục vụ việc triển khai Dự án.
Từ trung tuần tháng 4/2012, Công ty cổ phần Đầu tư tài chính Ninh Bắc, chủ đầu tư Dự án chung cư cao cấp FLC Landmark Tower (đường Lê Đức Thọ, Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội) cũng hỗ trợ khách hàng mua căn hộ tại Dự án tối đa 70% giá trị căn hộ tại MBBank với lãi suất ưu đãi (15 - 16%/năm), thời gian vay 10 - 20 năm. Tuy nhiên, theo chủ đầu tư Dự án, đến nay, chưa có khách hàng nào tham gia chương trình này.
Hai tuần trở lại đây, có một vài tín hiệu cho thấy giới đầu tư bắt đầu “đánh lên” thị trường đất nền khu vực phía Đông Hà Nội. Thông tin về việc tăng giá đất nền khu vực Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh…, sự thay đổi về cơ sở hạ tầng trong khu vực và phong thủy “tựa sông, hướng biển” đang là những cơ sở được giới đầu tư và truyền thông khai thác cho khu vực phía Đông Hà Nội. Tuy nhiên, không khó để thị trường nhận ra việc tạo “sóng” này phục vụ cho mục đích “thoát hàng” của giới đầu tư đã từng găm tiền vào đất nền trước đây, chứ chưa hẳn là một đợt phục hồi đúng nghĩa của thị trường bất động sản Hà Nội.
Trong lúc thị trường tuột dốc thảm hại suốt thời gian dài, kinh tế vĩ mô không có thay đổi đột biến “bỗng dưng” xuất hiện thông tin về việc tăng giá bất động sản ở khu vực nào đó, giới đầu tư đã có quá nhiều kinh nghiệm để kiểm định những thông tin dạng này.
Theo ông Nguyễn Văn Kha, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phát triển đô thị Từ Liêm (NTL), tín hiệu từ chính sách tiền tệ của Chính phủ đối với bất động sản phần nào nới lỏng hơn trong thời gian gần đây. Giải pháp dần hạ lãi suất, hỗ trợ cho vay cho hầu hết các đối tượng trong lĩnh vực bất động sản đã có những tín hiệu tích cực cho thị trường địa ốc, vốn dĩ đã mất thanh khoản khá trầm trọng trong thời gian dài vừa qua.
Động thái của Ngân hàng Nhà nước sẽ tác động tịch cực vào tâm lý của khách hàng, đánh vào dòng tiền huy động trong dân, bởi khi hạ lãi suất huy động xuống 12%/năm sẽ tác động ngay đến sự so sánh giữa gửi tiền vào ngân hàng, hay đổ tiền vào bất động sản của người dùng. Tuy nhiên, vấn đề của doanh nghiệp bất động sản hiện nay là khôi phục lại tâm lý khách hàng để giải quyết hàng tồn, chứ không phải là đi vay ngân hàng để đầu tư tiếp, bởi trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp càng vay đầu tư, thì càng chất thêm gánh nặng khó khăn.
Hà Quang
đầu tư
|