Giải mã ẩn số dòng tiền
Tính đến phiên ngày 30.3, chỉ số VN-Index đã tăng 26% so với phiên giao dịch đầu năm 2012, đạt 441 điểm trong khi HNX-Index đạt hơn 72 điểm, tăng 27%.
Đây là những mức tăng khá ấn tượng sau một thời gian dài thị trường chứng khoán xuống thấp. Và đây cũng là lần đầu tiên kể từ con sóng tăng của tháng 12.2010, nhà đầu tư mới được chứng kiến dòng tiền ồ ạt chảy vào thị trường (có phiên vượt lên trên 3.000 tỉ đồng trên cả 2 sàn).
Bị kiểm soát, giá cổ phiếu vẫn tăng
Một số người cho rằng việc lãi suất huy động đang được giảm dần (hiện là 13%) đã giúp thị trường chứng khoán hút một lượng tiền từ kênh gửi tiết kiệm, nhưng không đáng kể. Một số khác lại nói, do các kênh đầu tư khác như vàng, ngoại tệ trở nên kém hấp dẫn, nên tiền đã chảy vào chứng khoán. Tuy nhiên, so với chứng khoán, độ rủi ro của các kênh này thấp hơn nhiều và kênh đầu tư vàng vẫn được nhiều người lựa chọn do họ có thói quen tiết kiệm bằng vàng. Vậy vì sao lại có đợt sóng tăng này? Phải chăng các doanh nghiệp niêm yết đã làm ăn tốt trở lại?
Đầu tháng 3.2012, nhà đầu tư không khỏi giật mình khi Sàn Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đưa 2 mã chứng khoán SCC (Công ty Cổ phần Xi măng Sông Đà) và SVS (Công ty Chứng khoán Sao Việt) vào diện kiểm soát do lợi nhuận sau thuế trên báo cáo tài chính có kiểm toán 2 năm gần nhất của 2 công ty này đều âm. Còn trên Sàn Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE), mã MCV (Công ty Cổ phần Cavico Việt Nam Khai thác mỏ và Xây dựng) cũng bị cảnh cáo do liên tục vi phạm các quy định về công bố thông tin. Trước đó, cũng đã có một số mã bị đưa vào diện kiểm soát do công ty làm ăn thua lỗ như VTA, BAS, VKP, VSP, SHC, VSG, TLC... Đó chỉ là phần nổi của tảng băng vì nhiều doanh nghiệp niêm yết chưa công bố kết quả kinh doanh.
Tính đến ngày 16.3, mới chỉ có hơn 60 doanh nghiệp trên sàn HoSE và gần 40 doanh nghiệp trên sàn HNX nộp báo cáo kiểm toán trong tổng số khoảng 700 doanh nghiệp niêm yết. Và tình trạng chênh lệch báo cáo tài chính trước và sau kiểm toán vẫn còn tồn tại dai dẳng. Trong đó, một số doanh nghiệp có lãi tăng mạnh sau kiểm toán như CIG (Công ty Cổ phần COMA18) với lợi nhuận sau thuế năm 2011 tăng 86,25%; TBC (Thủy điện Thác Bà) với lợi nhuận sau thuế tăng gấp 2,7 lần; DHC (Đông Hải Bến Tre) với lợi nhuận ròng tăng 158%. Nhưng đó chỉ là những trường hợp hiếm hoi trong mùa báo cáo tài chính năm nay.
Trong khi đó, số công ty có lợi nhuận giảm mạnh sau kiểm toán thì khá nhiều. VIS (Công ty Cổ phần Thép Việt Ý), chẳng hạn, có lợi nhuận sau kiểm toán rơi từ 110 tỉ đồng xuống còn 27,2 tỉ đồng sau khi phải đưa 111 tỉ đồng vào khoản trích lập dự phòng; DPR (Cao su Đồng Phú) giảm 46,27 tỉ đồng; CII (Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM) từ lãi trở thành lỗ... Rõ ràng, bức tranh tài chính của các công ty niêm yết không mấy sáng sủa.
Điều lạ là ở chỗ mặc dù làm ăn thua lỗ hoặc lợi nhuận sau kiểm toán giảm mạnh nhưng thời gian qua, vẫn có không ít mã cổ phiếu đua nhau tăng giá, thậm chí tăng trần. MCV, chẳng hạn, dù bị đưa vào diện kiểm soát nhưng vẫn có tới trên 10 phiên tăng trần.
Khấp khởi mừng dòng tiền ngoại
Mặc dù vậy, nếu quan sát kỹ diễn biến giao dịch của thị trường chứng khoán Việt Nam trong những tháng đầu năm 2012 có thể nhận thấy các thông tin kinh tế vĩ mô đã hỗ trợ cho thị trường. Đó là thông điệp của Chính phủ về việc phát triển thị trường chứng khoán một cách bền vững. Điều này đã giúp cho tâm lý nhà đầu tư dần ổn định trở lại. Ngoài ra, lực cầu ào ạt vào chứng khoán (một phần do lo ngại bị đối thủ cạnh tranh thâu tóm, nhiều cổ đông nội bộ, cổ đông lớn đăng ký mua vào cổ phiếu) đã xoa dịu tâm lý sợ rủi ro của nhà đầu tư. Điều này cũng đã hút dòng tiền mới đi vào thị trường.
Bên cạnh dòng tiền của các tổ chức kinh doanh và nhà đầu tư trong nước thì cuộc leo dốc của chứng khoán Việt Nam trong 2 tháng qua còn mang đậm dấu ấn dòng tiền đến từ các nhà đầu tư nước ngoài. Gần đây, nhà đầu tư trong nước đang râm ran chuyện vốn ngoại chảy mạnh vào thị trường và vô hình trung đã kích hoạt dòng vốn đầu tư trong nước khởi động trở lại. Trên các diễn đàn về chứng khoán, nhiều tổ chức đầu tư lớn như HSBC, Công ty Chứng khoán TP.HCM, VinaCapital... đều cho rằng từ đầu năm đến nay, đã có ít nhất 500 triệu USD vốn ngoại đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
Có thể thấy, từ sau Tết Nhâm Thìn tính đến phiên 26.3, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng trên 2.000 tỉ đồng trên sàn HoSE. Riêng tháng 2.2012, khối ngoại đã mua ròng 1.366 tỉ đồng. Đây là lần đầu tiên kể từ hơn 1 năm qua, họ đã mua ròng trên 1.000 tỉ đồng trong 1 tháng.
Thực ra, yếu tố hỗ trợ thị trường không nằm ở con số 500 triệu USD, mà chính là ở sự gia tăng giá trị giải ngân khá đều đặn của dòng vốn này trong thời gian gần đây. Tuy bức tranh kinh tế chưa có điểm nhấn rõ nét nhưng viễn cảnh trong tương lai sẽ sáng sủa hơn khi lạm phát đang có xu hướng hạ nhiệt, thị trường tài sản trong nước bắt đầu hấp dẫn... Có lẽ các nhà đầu tư nước ngoài đã nhìn thấy một thị trường chứng khoán Việt Nam có nhiều tiềm năng hơn so với các thị trường khác. Và đặc biệt là khi giá cổ phiếu của nhiều công ty Việt Nam đã trở nên quá rẻ.
Mai Thư
nhịp cầu đầu tư
|