Đại hội đồng cổ đông thường niên 2012
DPM sẽ chi 2,503 tỷ đồng mua 51% vốn của PVN tại dự án Đạm Cà Mau
Chiều 27/04, ĐHĐCĐ thường niên 2012 của Tổng CTCP Phân bón & Hóa chất Dầu Khí (HOSE: DPM) đã thông qua việc mua 51% vốn của PVN tại dự án Đạm Cà Mau (tương đương 2,503 tỷ đồng) bằng nguồn vốn chủ sở hữu. DPM không cần phát hành cổ phiếu hay trái phiếu cho thương vụ này.
Hoàn thành 52% kế hoạch năm chỉ trong quý 1
Năm 2012, DPM đặt chỉ tiêu sản lượng sản xuất đạt 800,000 tấn đạm Phú Mỹ, sản xuất bao bì đạt mức 38 triệu bao; xuất nhập khẩu 200 ngàn tấn phân bón. Tổng doanh thu hợp nhất dự kiến 13,921 tỷ đồng, lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt là 2,000 tỷ đồng và 1,787 tỷ đồng. Cổ tức dự kiến 25% bằng tiền mặt.
Theo ông Cao Hoài Dương - Tổng giám đốc DPM, sở dĩ DPM đặt kế hoạch doanh thu cao mà lợi nhuận thấp do giá khí đầu vào tăng và năm ngoái thị trường cung bé hơn cầu, năm nay nguồn cung sẽ vượt cầu từ quý 2 khi nhà máy đạm Cà Mau và Ninh Bình chính thức hoạt động.
Trong quý 1, DPM cũng đã ký hợp đồng nguyên tắc với các doanh nghiệp nước ngoài và đã xuất khẩu được 44,000 tấn phân bón ra thị trường quốc tế. Dự báo xuất khẩu tăng tối thiểu 200,000 tấn trong năm nay.
Ngoài ra, chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế hợp nhất quý 1 cũng đạt 924 tỷ đồng, bằng 52% kế hoạch năm.
Ông Bùi Minh Tiến - Chủ tịch HĐQT giải thích, trong quý 4/2011 do điều kiện thời tiết nên hàng hóa chuyển sang quý 1 tiêu thụ nhiều hơn. Bên cạnh đó, theo kế hoạch trong quý 1, đạm Cà Mau và đạm Ninh Bình cho ra sản phẩm nhưng 2 dự án này chậm tiến độ nên khan hàng, khiến hàng hóa được đẩy giá lên cao khiến lợi nhuận DPM tăng mạnh.
Tuy nhiên, sau 6 tháng DPM sẽ có đánh giá lại hoạt động kinh doanh và nếu thuận lợi sẽ điều chỉnh tăng kế hoạch sát thực tế.
2,503 tỷ đồng mua đạm Cà Mau lợi hơn gửi ngân hàng
Đại hội cũng thông qua phương án mua lại 51% dự án nhà máy đạm Cà Mau do PVN làm chủ đầu tư.
Theo đó, PVN và DPM sẽ tổ chức thực hiện việc quản lý, vận hành, kinh doanh sản phẩm của nhà máy theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh, trong đó PVN ủy quyền cho DPM trực tiếp quản lý và điều hành hợp danh (không thành lập hợp danh mới).
Giá trị dự án theo thỏa thuận giữa DPM và PVN và căn cứ vào kết quả thẩm định giá của đơn vị thẩm định độc lập, tổng giá trị dự án không vượt quá 779 triệu USD.
Nhà máy đạm Cà Mau có công suất 800,000 tấn/năm, tương đương 2,350 tấn/ngày.
Nguồn khí nguyên liệu từ lô PM3-CAA, mỏ Cái Nước thuộc vùng biển Tây Nam Việt Nam.
Giá khí năm 2012 là 6.43 USD/MMBTU, mỗi năm tăng 2% giai đoạn 2012-2015.
|
Trường hợp giá trị dự án theo đàm phán và định giá thấp hơn 799 triệu USD, Đại hội ủy quyền cho HĐQT quyết định đầu tư và triển khai thực hiện. Trong trường hợp giá trị dự án vượt quá mức trên thì sẽ trình cổ đông theo quy định.
Tiến độ thanh toán đàm phán theo 2 đợt, năm 2012 thanh toán 75% và 2013 thanh toán phần còn lại.
Nếu với giá trị 779 triệu USD thì DPM dự kiến chuyển nhượng 51% vốn chủ sở hữu của PVN, tương đương 2,503 tỷ đồng. DPM sẽ cân đối cân bằng nguồn vốn chủ sở hữu hiện có, không phát hành cổ phiếu, trái phiếu. Đồng thời sẽ đàm phán với PVN để có tiến độ thanh toán phù hợp với việc thu xếp vốn.
Ông Tiến cho biết, trước mắt DPM sẽ mua 51%, còn nếu sau này có điều kiện có thể đề nghị mua thêm cổ phần tăng nắm giữ nhà máy. Trường hợp ĐHCĐ không thông qua phương án mua vốn nhà máy đạm Cà Mau thì PVN có thể giao phần vốn 61% ở DPM cho đạm Cà Mau quản lý.
Được biết, dự án Đạm Cà Mau được đầu tư bằng 30% vốn của PVN, còn 70% là vốn vay. DPM dự kiến mua 51% vốn chủ sở hữu của PVN, thì số tiền dự kiến bỏ ra là 2,503 tỷ đồng (theo tỷ giá 21,000 đồng/USD).
Ông Dương cho biết, nhà máy Đạm Cà Mau đã sản xuất sản phẩm thử nghiệm và đạt các chỉ tiêu về hoạt động, chất lượng và đã được bàn giao đầu tuần vừa rồi. Từ khi chạy thử đã cho ra được 50,000 - 60,000 tấn với giá rất tốt, giá thành 7,700 đồng/kg, đấu thầu 9,500 đồng/kg.
Với việc mua lại đạm Cà Mau, DPM sẽ đạt được các lợi ích cộng hưởng như nhanh chóng tăng năng lực sản xuất và cung ứng lên gấp đôi (1.6 triệu tấn ure/năm) và trở thành nhà cung cấp và sản phẩm phân ure hàng đầu ở Việt Nam và Đông Nam Á. Đồng thời loại bỏ được đối thủ cạnh tranh trực tiếp và mở rộng thị phần. Chủ động điều tiết hàng hóa giữa các vùng miền để tối đa hóa lợi nhuận…
Ngoài ra, ông Dương cũng đưa ra con số so sánh, nếu lấy 2,503 tỷ đồng gửi ngân hàng với lãi suất bình quân 10%/năm trong giai đoạn 10 năm thì việc mua đạm Cà Mau mang lại lợi nhuận lớn hơn. Cụ thể, nếu trong 2 năm đầu DPM không mua đạm Cà Mau thì lợi nhuận chỉ ở mức 50 tỷ/năm. Còn nếu mua 51% thì lợi nhuận từ sản xuất và bao tiêu đạm Cà Mau mang lại là 400 tỷ/năm.
Hiện nhà máy đạm Cà Mau đang vay 500 triệu USD, trong đó vay VDB 130 triệu USD, Vietinbank (CTG) là 150 triệu USD, và nhóm ngân hàng nước ngoài 220 triệu USD. Tất cả với lãi suất bình quân khoảng 16 triệu USD/năm. Nhà máy này sẽ khấu hao bình quân 36 triệu USD/năm. Lãi vay ngân hàng sẽ lấy từ chính lợi nhuận của nhà máy đạm Cà Mau.
Khi cổ đông thông qua phương án này, ban điều hành DPM cam kết sẽ không nhận thưởng nếu đạm Cà Mau không có lãi.
Thanh Nụ (Vietstock)
Finfonet
|