Doanh nghiệp lãi lớn nhờ lợi thế ngành nghề
Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh: Những kết quả khả quan của doanh nghiệp có phần tác động từ cơ chế chính sách
Kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, hàng loạt doanh nghiệp (DN) lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động để tồn tại hoặc phải tuyên bố phá sản. Tuy nhiên, cũng không ít DN lại đang phất lên.
Vượt trội cùng kỳ
Theo báo cáo kết quả kinh doanh của các DN niêm yết trên sàn chứng khoán cũng có nhiều DN lãi lớn trong các tháng đầu năm. Đơn cử như Tổng Công ty CP Phân bón và Hóa chất Dầu khí (DPM), một trong những đơn vị vừa thông báo kết quả kinh doanh quý I/2012. Theo đó, doanh thu thuần của DPM đạt 2.613 tỉ đồng, tăng 71,5% so với cùng kỳ, lãi gộp tăng 57%, đạt 1.145 tỉ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 961,26 tỉ đồng, bằng 52% kế hoạch năm, tăng gần 70% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kết quả kinh doanh của DPM cho thấy công ty hoàn toàn không có chi phí lãi vay. Phần dư nợ phải trả cuối quý I/2012 là 1.254,5 tỉ đồng hầu hết là khoản tín dụng của người bán, công ty gần như không có dư nợ vay ngân hàng (NH).
Tương tự, Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk - VNM) có doanh thu đạt trên 5.876 tỉ đồng, tăng gần 30% so cùng kỳ, lợi nhuận gộp đạt gần 1.800 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế là 1.270 tỉ đồng... Giải trình kết quả lợi nhuận tăng mạnh, đại diện Vinamilk cho biết chi phí tài chính quý I/2012 giảm là do hoàn nhập dự phòng đầu tư tài chính ngắn và dài hạn...
|
Quý I/2012, nhiều ngân hàng tiếp tục lãi khá lớn. |
Bên cạnh các DN lớn, có tiềm lực vững mạnh và lợi thế kinh doanh riêng đạt lợi nhuận lớn thì nhiều NH cũng có kết quả kinh doanh ấn tượng không kém. NH TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank - CTG) có lợi nhuận sau thuế quý I/2012 đạt 1.394,63 tỉ đồng, tăng 60% so cùng kỳ năm 2011.
VietinBank lãi lớn là nhờ trích lập dự phòng rủi ro tín dụng giảm mạnh hơn 100% so cùng kỳ. NH TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - EIB) lợi nhuận từ thu nhập lãi thuần tăng trưởng 43,29%, đạt 1.468,38 tỉ đồng; lợi nhuận sau thuế NH mẹ đạt 751,53 tỉ đồng, tăng 17,43% so với cùng kỳ năm 2011...
Cũng nổi bật không kém là NH TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - STB) với lợi nhuận tăng hơn 70% so cùng kỳ (trên 1.000 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế; lợi nhuận sau thuế là 756 tỉ đồng, tăng 67% so cùng kỳ)...
Nhờ cơ chế, tính đặc thù
Theo các chuyên gia kinh tế, nhiều DN có được lợi nhuận lớn ngay trong bối cảnh kinh tế đang rất khó khăn như hiện nay, ngoài nỗ lực của các DN còn có yếu tố nhờ ngành nghề kinh doanh đặc thù, có lợi từ chính sách.
Tại đại hội cổ đông của DPM vừa diễn ra mới đây, nhiều cổ đông chất vấn về giá bán phân bón của DPM và Đạm Cà Mau thì lãnh đạo DPM cho biết: Giá bán do công ty tự quyết định, không bị điều hành bởi Chính phủ.
Trên thị trường phân đạm hiện nay chỉ có DPM chiếm thị phần cao (gần 70%). Chính vì vậy, DPM đang gần như ở thế kinh doanh độc quyền nên việc chi phối giá là điều khó tránh khỏi. Còn người dân khu vực ĐBSCL thì luôn phập phồng, lo sợ vì cứ đến mùa vụ thì giá phân đạm lại tăng vùn vụt...
Đặt vấn đề về lợi nhuận của các NH, tổng giám đốc một NH thương mại lớn đã thừa nhận: “Thời buổi kinh tế khó khăn mà NH công bố lãi lớn thì ngại lắm”. Đó cũng là lý do mà các NH lớn, nằm trong tốp đầu thường không công bố sớm mà nhìn xem các NH bạn ứng phó ra sao.
TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ quốc gia, từng nhận xét: Kết quả kinh doanh của các NH tác động bởi cách điều hành của chính NH đó và cũng do ảnh hưởng bởi thời cuộc. Nhiều DN hiện nay than thở khi có quy định trần lãi suất huy động giảm, lập tức các NH giảm ngay lãi suất huy động nhưng lãi suất cho vay thì cứ từ từ giảm khiến người đi vay thêm khổ...
Theo TS - chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh: Không nên “vơ đũa cả nắm” để nói lợi nhuận của các DN hiện nay đều “có vấn đề”. Bởi thực tế, trong khó khăn thì có DN tuột dốc nhưng cũng có DN chớp được cơ hội để đi lên... Tuy nhiên, có một thực tế là những kết quả này có phần tác động từ cơ chế chính sách. Vì vậy, cũng cần có sự xem xét điều tiết để hài hòa lợi ích và nền kinh tế phát triển đồng bộ.
Lợi nhuận khả quan của những tập đoàn, tổng công ty hay các NH trong quý I/2012 vừa công bố không đồng nghĩa với việc nền kinh tế đã ổn định, DN đã bớt khó khăn. Lợi nhuận của các đơn vị này có phần đến từ “cơ hội” có tính độc quyền và đặc thù.
TS Lê Đạt Chí (Trưởng Bộ môn Đầu tư Tài chính Trường ĐH Kinh tế TPHCM) |
Sơn Nhung
NGƯỜI LAO ĐỘNG
|