Đã đến lúc cần có sàn vàng quốc gia
Hiện nay giá vàng trong nước vẫn cao hơn giá vàng thế giới trên 2 triệu đồng/lượng.
Đầu tháng 9-2011, khoảng cách này nhích dần lên 3 triệu đồng/lượng rồi đến 4 triệu đồng/lượng. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phải “cắt cơn” bằng cách tung ra giải pháp “5+1” (năm ngân hàng và một doanh nghiệp) bán vàng bình ổn ra thị trường. Ngay sau đó khoảng cách giá vàng được rút ngắn nhưng đến nay, mỗi ngày nó lại nhích lên khá nhiều. Để giải quyết vấn đề này, sau khi Nghị định 24 được ban hành, nhiều chuyên gia cho rằng nên sớm lập sàn vàng quốc gia.
|
TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, nói: Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình từng cho hay trung bình một năm có đến 20-40 tấn vàng được buôn lậu vào Việt Nam. Vậy chúng ta phải tìm cách tránh thất thoát một lượng ngoại tệ lớn. “Đây là thời điểm để thành lập sàn vàng áp dụng cơ chế thị trường. Có sàn vàng, khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới mới liên thông nhau. Sàn vàng cũng sẽ giúp ngăn chặn được tình trạng đầu cơ”. Tuy vậy, ông Doanh cũng lưu ý: Ngày trước khi mở sàn vàng, ta quy định tỉ lệ ký quỹ quá thấp (7%-8% nhưng được mua 100%) nên tình trạng loạn đầu cơ xảy ra. Vì vậy nên tăng tỉ lệ ký quỹ - chẳng hạn có thể lên tới 60%-80%.
Theo ông Trần Thanh Hải, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Kinh doanh và Đầu tư Vàng Việt Nam (VGB), việc thành lập sàn vàng sẽ giải quyết được nhiều vấn đề. Thứ nhất, trước đây chúng ta nghĩ rằng sàn vàng có tác động tiêu cực đến tỉ giá, thật ra chỉ khi nào cho nhập vàng vật chất thì mới tác động đến USD, còn khi mua vàng trên sàn chắc chắn không phải dùng nhiều USD để nhập khẩu. Thế nên yếu tố tỉ giá được loại bỏ. Thứ hai, sàn vàng sẽ làm ổn định hơn thị trường vàng. “Rủi ro trong kinh doanh là chuyện bình thường. Với chứng khoán cũng vậy thôi, có người tán gia bại sản nhưng cũng có người lại rất giàu có vì nó”. Ông Hải cho rằng gốc của vấn đề là cho mở sàn vàng nhưng tăng cường quản lý. “Sàn vàng trước đây đóng cửa vì chúng ta thiếu kinh nghiệm, công cụ kỹ thuật, tỉ lệ ký quỹ chưa được điều chỉnh hợp lý. Vì thế, tình trạng “cháy” tài khoản qua đêm khiến khách hàng gặp rủi ro cao. Cụ thể, khi muốn mua một lượng vàng, thay vì đóng 100% số tiền, khách hàng chỉ đóng 7% mà thôi. Nếu giá vàng biến động mạnh đêm hôm ấy, khách hàng có thể mất hết. Một bài học ở Sàn giao dịch hàng hóa (CME) ở Chicago, lúc vàng biến động mạnh, họ tăng tỉ lệ ký quỹ lên cao (20%-30%). Nhà đầu tư ký quỹ cao sẽ ít bị rủi ro hơn. Ở Mỹ có tháng điều chỉnh tỉ lệ ký quỹ tới hai lần là bình thường”. Cũng theo ông Trần Thanh Hải, sàn vàng định hình thói quen mua vàng tích trữ trên sàn. Người dân muốn mua vàng thì mua trên sàn. Số vàng ấy không mất đi, mà khi giá vàng lên cao, họ không chỉ đảm bảo được nhu cầu tích trữ mà còn tăng được giá trị... Lâu dần người dân sẽ hình thành thói quen không chú trọng vàng vật chất nữa, lượng vàng này sẽ giảm đi…
Tất nhiên, khi chuyển qua một loại hình kinh doanh mới - mở sàn vàng thì sẽ nảy sinh những vấn đề mới nhưng nói như ông Lý Xuân Hải, Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB: “Hầu hết các nước đều đã làm như vậy, thế giới làm được thì chúng ta sẽ làm được”.
Yên Trang
Pháp luật TPHCM
|