Cổ phiếu ngành thép: Nỗ lực thoát hiểm
Trong bối cảnh thị trường tiêu thụ vẫn duy trì xu hướng giảm như hiện nay thì mức tăng trưởng dự báo khoảng 4% trong năm 2012 của các doanh nghiệp thép dù thấp nhưng cũng không dễ đạt được.
Lượng tiêu thụ thấp kỷ lục
Năm 2012, bất động sản - nguồn tiêu thụ chính của ngành thép - tiếp tục rơi vào trạng thái trầm lắng. Trong bối cảnh này, nhu cầu tiêu thụ thép trong những tháng đầu năm 2012 tiếp tục giảm mạnh so với thời điểm cuối năm 2011 cũng như so với cùng kỳ.
Cụ thể, sản lượng thép tiêu thụ trong tháng 1-2012 chỉ đạt 234.000 tấn, giảm 43% so với tháng 12-2011. Đây được xem là mức tiêu thụ thấp nhất từ 3 năm trở lại đây.
Vào tháng 2, sản lượng thép tiêu thụ đạt 380.000 tấn, tuy có tăng 56% so với tháng 1 nhưng giảm 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng tháng 3, sản lượng thép tiêu thụ tăng mạnh lên mức 521.000 tấn, (tăng 37% so với tháng 2) nhờ các công ty thương mại và đại lý tăng lượng mua vào để dự trữ cho mùa xây dựng sắp tới.
Như vậy, sản lượng thép tiêu thụ trong 3 tháng đầu năm 2012 chỉ có thể đạt hơn 1,1 triệu tấn (giảm 12% so với năm 2011). Chính vì vậy, theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, nếu tình hình thị trường thép còn tiếp tục ảm đạm như hiện nay mức tăng trưởng dự kiến 4% trong năm 2012 của ngành thép khó có thể đạt được.
Do sức tiêu thụ của thị trường thép rất yếu nên lượng thép tồn kho hiện đang ở mức cao với 350.000 tấn thép thành phẩm và 560.000 tấn phôi. Tuy nhiên, do các doanh nghiệp thép vẫn còn phải nhập khẩu đến 80% sắt thép phế liệu, 30% phôi, 100% thép cuộn cán nóng, gần 100% than cốc… nên vẫn còn phụ thuộc phần lớn vào giá nguyên liệu trên thị trường thế giới.
Thêm vào đó, giá nguyên vật liệu, điện, xăng, dầu đều tăng cao đã làm cho chi phí sản xuất tăng mạnh, buộc các doanh nghiệp thép phải giữ giá thép thành phẩm ở mức cao.
Lợi nhuận sụt giảm
Nhìn chung lợi nhuận của các doanh nghiệp trong năm qua đều không mấy khả quan, ngay cả những doanh nghiệp hàng đầu. Thí dụ, CTCP Thép Pomina (POM) kết thúc năm 2011 không hoàn thành kế hoạch kinh doanh. Dù có sự tăng trưởng nhẹ về doanh thu nhờ vào doanh thu xuất khẩu tăng mạnh (tăng 146%) nhưng lợi nhuận của POM đã bị giảm mạnh so với cùng kỳ 2010.
Cụ thể, POM đạt 11.995 tỷ đồng doanh thu (tăng 7%) nhưng lợi nhuận chỉ đạt 405 tỷ đồng (giảm 39% và chỉ đạt 66% kế hoạch).
Tương tự, lợi nhuận của CTCP Thép Việt Ý (VIS) bị sụt giảm mạnh trong năm 2011 dù doanh thu tăng. Theo thống kê, doanh thu của VIS đạt 3.950 tỷ đồng (tăng 27%) nhưng lợi nhuận chỉ có 35 tỷ đồng (giảm 76%). Nguyên nhân là chi phí lãi vay tăng mạnh (từ 33 tỷ đồng trong năm 2010 lên 68 tỷ đồng trong năm 2011) và do VIS trích lập dự phòng đầu tư dài hạn 111 tỷ đồng. Khoản trích lập này xuất phát từ khoản lỗ 275 tỷ đồng của CTCP Luyện thép Sông Đà (SDS) mà VIS đang nắm giữ 43% sở hữu.
Trong niên độ tài chính 2010-2011, CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) đã đặt ra kế hoạch kinh doanh với 3 phương án khác nhau nhưng khi thực hiện chỉ đạt được phương án có các chỉ tiêu sản lượng tiêu thụ, doanh thu và lợi nhuận. Cụ thể, HSG đạt sản lượng tiêu thụ 381.999 tấn (tăng 45%), doanh thu đạt 8.166 tỷ đồng (tăng 67%) và lợi nhuận sau thuế đạt 160 tỷ đồng (giảm 24%).
Nguyên nhân do tác động tiêu cực của các yếu tố khách quan như giá nguyên, nhiên liệu đều tăng mạnh cộng với tỷ giá ngoại tệ tăng đã làm cho chi phí sản xuất tăng, trong khi nhu cầu tiêu thụ thép giảm mạnh nên giá bán không thể tăng tương ứng với chi phí sản xuất. Ngoài ra, do lãi suất cho vay ở mức cao và thị trường chứng khoán suy giảm trong năm 2011 khiến phương án phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu không thực hiện được.
Với kết quả kinh doanh còn khiêm tốn hơn trong những tháng đầu năm 2012, dự báo khả quan hơn cho các doanh nghiệp thép không nhiều. Tuy nhiên, thị phần của các doanh nghiệp thép lớn có thương hiệu tốt, công nghệ sản xuất tiên tiến, chủ động được nguồn nguyên liệu, quản trị tốt, hệ thống phân phối có khả năng sẽ được mở rộng do thị phần của các doanh nghiệp nhỏ bị thu hẹp trong bối cảnh thị trường thép vẫn còn nhiều khó khăn và kéo dài như hiện nay.
Hải Hồ
sài gòn đầu tư tài chính
|