Chứng khoán Tuần 09 - 13/04: Xúc tác chính sách vĩ mô, thị trường bứt phá
Khối lượng giao dịch trên TTCK tăng vọt và có đến 21/24 nhóm ngành tăng điểm. Tâm điểm vẫn là Bất động sản, Ngân hàng, Xây dựng và các ngành có liên quan.
I. THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM TUẦN 09 – 13/04/2012
Giao dịch: VN-Index tính tổng cộng cả tuần tăng 3.37% và đang ở mức 462.52 điểm, HNX-Index tăng mạnh 4.94% đứng tại 78.38 điểm. VS 100 tăng 5.53% đang ở 75.01 điểm và VN 30 tăng 4.06% đứng tại 532.30 điểm.
VS-Mid Cap tăng điểm mạnh nhất với mức tăng 5.34%, tiếp theo là VS-Small Cap tăng 3.69%, VS-Large Cap tăng 2.34% và VS-Micro Cap tăng nhẹ nhất 1.57%.
Thanh khoản thị trường đã tăng trưởng mạnh mẽ trong tuần qua khi khối lượng giao dịch trung bình một phiên trên HOSE đạt 89.6 triệu đơn vị, tăng mạnh 57% so với tuần trước đó. Tương tự, khối lượng trên HNX cũng tăng 26% đạt 92.3 triệu đơn vị/phiên. Khối lượng giao dịch có xu hướng tăng mạnh về cuối tuần.
NHNN đã phát đi nhiều thông điệp điều hành vĩ mô quan trọng trong tuần qua như: Dự thảo sửa đổi Thông tư 13; và công bố hàng loạt động thái chính sách vào ngày 10/4 bao gồm: (1) Đồng loạt giảm 1% ở các lãi suất điều hành, (2) Loại mảng tín dụng bất động sản quan trọng ra khỏi “không khuyến khích” (3) Nhắc lại chủ trương cho phép tái cơ cấu các khoản nợ vay.
Các động thái chính sách này nhằm mục đích chính là để khơi thông dòng tín dụng vào bất động sản, kéo giảm kỳ vọng lãi suất và lạm phát, và qua đó kích thích tạo cầu trở lại cho nền kinh tế.
Trước những động thái chính sách tích cực, thị trường như ”nắng hạn gặp mưa” đã bứt phá tăng mạnh mẽ. Sự e dè trong giao dịch đã được thay thế bởi sự hưng phấn, dòng tiền rất dứt khoát khi chấp nhận mua ở mức giá cao và tâm lý giao dịch ổn định hơn sau chuỗi ngày giằng co.
Đợt nới lỏng tín dụng lần này sẽ tác động rất lớn lên nhóm ngành bất động sản và có thể nói các doanh nghiệp trong ngành đã chính thức được ”giải cứu”.
Điều này đã trở thành chất xúc tác quan trọng lên các cổ phiếu trong ngành và các ngành có liên quan như Xây dựng, SX Tôn thép. Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu Ngân hàng và Chứng khoán cũng được hưởng lợi rất lớn từ sự thay đổi chính sách này.
Đã có hiện tượng chốt lời mạnh trong các phiên giao dịch cuối tuần do lo ngại khi các chỉ số tiếp cận đỉnh trước đây. Giao dịch rung lắc mạnh, đặc biệt là diễn biến giao dịch trên HNX. Tuy nhiên, Bất động sản, Ngân hàng và Chứng khoán đã thay phiên nhau ”giữ lửa” cho thị trường.
Phiên giao dịch cuối tuần, áp lực này đã tăng mạnh hơn nhưng lực cầu tỏ ra tự tin mua vào, giao dịch vẫn rất tích cực, và các chỉ số thị trường chỉ giảm điểm nhẹ.
Nhà đầu tư nước ngoài: Khối ngoại đã trở lại mua ròng trên HOSE, nhưng giao dịch mua ròng khá dè dặt. Họ chỉ thực sự đẩy mạnh giao dịch mua ròng trong phiên cuối tuần, và đây cũng là yếu tố quan trọng giúp giới đầu tư giữ vững tâm lý trong phiên giao dịch này.
Tính tổng cộng, giá trị mua ròng tuần qua trên HOSE của khối ngoại hơn 241.8 tỷ đồng. Họ mua ròng mạnh nhất nhóm cổ phiếu ngân hàng như MBB với 91.7 tỷ đồng (tương ứng với 10.6 triệu đơn vị), VCB với 58.4 tỷ đồng (1.94 triệu đơn vị) và STB với 43.1 tỷ đồng (1.7 triệu đơn vị). Ngoài ra, họ còn mua ròng khá mạnh REE với 32.4 tỷ đồng, SAM với 23.6 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, khối ngoại bán ròng mạnh nhất VIC với 71.2 tỷ đồng, tiếp theo là HAG với 13 tỷ đồng.
Giá trị mua ròng của khối ngoại trên HNX đạt gần 41 tỷ đồng. Họ tiếp tục gom ròng mạnh nhất KLS với 30.6 tỷ đồng và DBC với 3.5 tỷ đồng; trong khi bán ròng mạnh nhất PGS với 3.6 tỷ đồng và NBC với 2.9 tỷ đồng.
Cổ phiếu đáng chú ý: Số ngành tăng điểm chiếm ưu thế với 21/24 ngành. SX Tôn thép bất ngờ tăng điểm mạnh nhất với 11.03%, tiếp theo là Xây dựng tăng 9.31%. Động thái ”gom hàng” ở các nhóm cổ phiếu này xuất phát từ việc ngành Bất động sản đã chính thức được giải cứu. Bất động sản cũng tăng khá tốt với mức tăng 6.57%; đà tăng của ngành này đã bị kìm hãm trong tuần qua do sự sụt giảm của VIC.
Các ngành nóng khác cũng có tuần tăng điểm khá tốt khi Chứng khoán tăng 5.17%, Khai khoáng tăng 3.85% và Ngân hàng tăng 3.82%.
Dược phẩm là ngành giảm điểm mạnh nhất trong tuần với mức giảm 0.81%, tiếp theo là Chứng chỉ quỹ giảm 0.28%.
Nhóm cổ phiếu giao dịch tích cực trong tuần qua có SAM tăng 23.44%, CSM tăng 26.43%, PTC tăng 25.47% (trên HOSE), và HUT tăng 23.47%, PVV 35.09% (trên HNX).
SAM đã tăng mạnh 23.44% với 5 phiên trần liên tiếp. Việc tăng trần liên tục của SAM có thể xuất phát từ thông tin ĐHCĐ diễn ra ngày 05/04 khi:
(1) Nguồn vốn tài trợ các dự án bất động sản của SAM không dùng vốn vay ngân hàng và nguồn tiền hiện nay vẫn khá ổn định.
(2) Lợi nhuận quý 1 của SAM có thể tăng đột biến do chuyển nhượng thành công dự án Điện Biên Phủ. Đây là dự án cao ốc văn phòng và căn hộ với tổng diện tích 2,238 m2.
(3) Thông tin ngành bất động sản được giải cứu, càng kích thích đà tăng giá mạnh của cổ phiếu này.
CSM tăng mạnh nhất sàn HOSE với mức tăng 26.43%. CSM tăng mạnh nhiều khả năng xuất phát từ thông tin lợi nhuận quý 1 tăng khủng. Tuy chưa được xác thực nhưng kế hoạch lợi nhuận năm 2012 là 88 tỷ đồng, tăng 2.24 lần so với kết quả năm 2011, cũng đủ thu hút giới đầu tư. Bên cạnh đó, hiện CSM cũng đang tiến hành đầu tư và tìm đối tác cho các dự án bất động sản của mình.
PTC tăng 25.47%. Yếu tố vĩ mô đã thúc đẩy mạnh dòng tiền chảy vào cổ phiếu này trong tuần qua. Bên cạnh đó, kết quả hoạt động năm 2011 của PTC cũng tương đối khả quan khi doanh thu thuần năm 2011 đạt 274.8 tỷ đồng, tăng 12% so năm 2010, lợi nhuận sau thuế đạt gần 5.7 tỷ đồng, gấp 5.3 lần so năm trước. Dù vậy, nếu so với kế hoạch 19.5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế thì PTC chỉ hoàn thành 29%.
HUT và PVV tăng mạnh với mức tăng 23.47% và 35.09%. Thông tin xoay quanh hai cổ phiếu này trong tuần không có nhiều thay đổi; do đó nhiều khả năng xuất phát từ xu thế đầu tư vào nhóm cổ phiếu xây dựng.
Bên cạnh đó, HUT có kế hoạch năm 2012 khá ấn tượng với doanh thu dự kiến 1,500 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 130 tỷ đồng, tỷ lệ cổ tức dự kiến 15%. Nhiều khả năng lợi nhuận quý 1 cũng có sự đột biến do sự đóng góp của 2 dự án Vân Cảnh và Vân Phương.
Ở phía giảm điểm chỉ có VOS giảm 5.13% là nổi bật nhất trên cả hai sàn.
Với 3 phiên giảm sàn, 1 phiên tăng trần và đứng giá, VOS đã mất 5.13% trong tuần qua. Tính tới thời điểm hiện tại, VOS vẫn chưa công bố kết quả kinh doanh quý 4/2011. Điều này có lẽ khiến cổ đông của công ty lo lắng và bán ra cổ phiếu này.
Hoạt động của VOS trong 9 tháng đầu năm 2011 cũng không mấy sáng sủa khi lỗ 45.7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2010 lời 97.1 tỷ đồng (lợi nhuận năm 2010 chủ yếu đến từ hoạt động thanh lý tàu).
Các thông tin gần đây cho thấy, VOS đã thanh lý thêm tàu Đại Việt thu về khoản lãi trên 200 tỷ đồng trong tháng 12, trước đó VOS cũng đã bán tàu hàng khô Vĩnh Long nhằm giảm bớt số lỗ trong quý 3/2011.
II. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN TUẦN QUA
Phòng Nghiên cứu VIETSTOCK
FINFONET
|