Chủ tịch PVI không ủng hộ Red River Holding tham gia HĐQT
Đó là thông điệp của ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT CTCP PVI trước nguy cơ các DN niêm yết bị thâu tóm một phần, hoặc toàn bộ hiện nay.
Trường hợp Ban lãnh đạo đương nhiệm CTCP Đá ốp lát cao cấp Vinaconex (Vicostone, mã CK: VCS) mất “tiếng nói” khi bị cổ đông ngoại là Quỹ đầu tư Red River Holding (RRH), nắm trên 36% quyền phủ quyết tại đại hội đang khiến không ít chủ DN có lượng cổ đông bên ngoài lớn lo ngại về khả năng mất quyền kiểm soát, điều hành. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT CTCP PVI (DN có lượng cổ đông ngoại nắm tới trên 40%) đã có cuộc trao đổi với ĐTCK về vấn đề này.
Đứng hàng đầu thị trường về tỷ lệ sở hữu của cổ đông ngoại, PVI có e ngại rơi vào trường hợp tương tự như VCS?
Bất cứ DN nào muốn phát triển đều phải quản trị chiến lược, trong đó bao gồm cả quản trị việc lựa chọn đối tác chiến lược. Để phát triển, tất yếu phải huy động vốn thành công. Nhìn chung, những DN khỏe thường thuận lợi hơn trong huy động vốn đầu tư nước ngoài.
DN Việt thường lo sợ mất quyền, nhưng thực ra, với cổ đông ngoại, điều họ quan tâm hơn cả là lợi ích họ được hưởng (thực chất là lợi nhuận), chứ không phải quyền lực. Nói nôm na là họ chỉ quan tâm đến việc khi bỏ vốn ra thì tiền của họ được sinh lời thế nào. Trừ khi DN hoạt động có vấn đề hay lãnh đạo DN chưa đủ “tầm”, thì họ mới phải can thiệp vào hệ thống để tổ chức, sắp xếp lại.
Như tại PVI chẳng hạn, do Ban điều hành mang lại hiệu quả theo đúng cam kết nên mối quan hệ hai bên khá ổn thỏa. Thậm chí, thành viên HĐQT là đại diện Quỹ đầu tư Oman (OIF) còn tin tưởng chúng tôi đến mức ủy quyền quyết định một số vấn đề.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là khi cổ đông lớn mua qua hình thức gom dần trên sàn (chứ không phải mua qua thỏa thuận chiến lược), hai bên sẽ không dễ thương lượng?
Có thể thấy, các DN Việt chỉ mới tham gia TTCK, phần lớn chỉ quan tâm đến quản trị kinh doanh để từ đó làm ra lợi nhuận, chứ chưa thực sự coi trọng việc quản trị doanh nghiệp. Ở góc độ hẹp, DN chưa thực sự quản trị được cơ cấu sở hữu cổ đông, không rõ tỷ lệ cổ đông như thế nào, để biết được ai đang là người có tiếng nói chi phối, tiếng nói quyết định theo luật định, cũng như biết được sự tương phản (nếu có) tại các nhóm cổ đông, để từ đó, ban lãnh đạo hỗ trợ các cổ đông cùng chung tay phát triển DN. Nếu tất cả cổ đông cùng chí hướng, DN sẽ thuận lợi trong quá trình phát triển và ngược lại sẽ gặp khó. Như vậy, muốn phát triển tốt, DN cần quản trị được cả “hơi thở” của cổ đông.
Muốn phát triển, DN cần quản trị được cả “hơi thở” của cổ đông. Thông điệp này nên được hiểu thế nào, thưa ông?
Ban lãnh đạo DN, bên cạnh việc tập trung vào sản xuất - kinh doanh, tạo ra lợi nhuận cho cổ đông, cũng cần phải biết cơ cấu cổ đông của mình biến động ra sao, chứ đừng bị động ngồi chờ đến khi có những người (cổ đông) có dụng ý xấu đột nhập vào nhà mà không biết. Tại PVI, với lượng cổ phiếu lưu hành ngoài thị trường khá lớn, trước và sau khi bán cổ phần cho NĐT chiến lược, Ban chuyên môn vẫn duy trì việc cập nhật danh sách cổ đông.
Với cổ đông ngoại, chúng tôi còn kiểm soát sát sao hơn để đảm bảo DN phát triển đúng định hướng, tránh vô tình để nhà đầu cơ chen vào làm giá cổ phiếu. Đó là lý do khiến giá cổ phiếu PVI luôn diễn biến ổn định. Chúng tôi coi trọng an ninh về sở hữu không khác nào phải giữ gìn an ninh quốc gia. Hiểu đơn giản thì DN cũng như một ngôi nhà, chỉ rộng cửa với những người có thiện chí.
An ninh về sở hữu cũng nằm trong phạm trù công tác quản trị, nhưng đang bị nhiều DN lơ là. Đó có phải bởi phần lớn DN Việt hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thông thường, nên năng lực quản trị còn hạn chế?
Chúng ta không nên phân biệt DN sản xuất hay tài chính. Đã tham gia vào “sân chơi niêm yết” thì đều phải hướng tới sự phát triển chuyên nghiệp, đều phải biết quản trị mình và đương nhiên cần phải tự trang bị những hiểu biết nhất định trong quản trị rủi ro. Quản trị sở hữu tốt đồng nghĩa với giữ mình tốt.
Và ở chiều ngược lại, cổ đông lớn, cần có thiện chí, tránh có hành động gây ngưng trệ sản xuất - kinh doanh của DN, gây thiệt hại cho chính mình, chẳng khác nào “gậy ông đập lưng ông”. Ban lãnh đạo DN cũng nên đứng ở vị trí của cổ đông lớn để lý giải mọi vấn đề. Nếu thấy họ có đẳng cấp thì cũng nên tạo điều kiện cho họ tham gia quản lý, điều hành.
Vậy tại sao cách đây 2 năm, Ban lãnh đạo PVI không đồng ý việc RRH tham gia HĐQT?
Câu chuyện này hoàn toàn khác. PVI tăng vốn đồng nghĩa với tỷ lệ sở hữu của RRH giảm. Muốn duy trì vị trí ở HĐQT, RRH buộc phải tăng tỷ lệ nắm giữ trong khi thị trường lúc đó không thuận lợi, nên RRH cũng không có ý định bỏ thêm vốn vào PVI. Còn về phần mình, trong chiến lược phát triển, chúng tôi lại muốn chọn cổ đông chiến lược là một nhà bảo hiểm ngoại có tầm cỡ thế giới. Thêm nữa, lúc bấy giờ, RRH cũng không có đóng góp nhiều giá trị gia tăng cho PVI.
Nghĩa là, nếu cổ đông lớn “đạt chuẩn”, PVI sẽ sẵn sàng đón nhận họ?
Thú thực, lâu nay, trong mối quan hệ với cổ đông chiến lược nước ngoài, PVI vẫn là người “ra đầu bài” và họ cũng đồng thuận. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn luôn tâm niệm nhà lãnh đạo giỏi phải là người mang lại nhiều nhất lợi ích cho cổ đông; một DN phát triển sẽ mang lại quyền lợi cho tất cả cổ đông, trong đó có cả ban điều hành. Nếu cổ đông lớn thuộc đẳng cấp hơn hẳn mình, lại có những bước đi phù hợp, giúp phát triển DN thì không có lý do gì để lãnh đạo DN từ chối họ.
Diệu Minh thực hiện
Đầu tư chứng khoán
|