Cả thế giới bất lực với giá xăng dầu
Trong bối cảnh sản lượng dầu và khí đốt ở Bắc Mỹ và các khu vực khác trên thế giới đang phục hồi, việc giữ cho giá dầu ở mức vừa phải sẽ có lợi cho tất cả các quốc gia. Mỹ và các nước tiêu thụ dầu hàng đầu khác nên khuyến khích Ả Rập Xê-út thể hiện vai trò của mình tích cực hơn.
Giá dầu mọi nơi đều... cao ngất ngưởng
Theo các quan chức cấp cao của Ả Rập Xê-út, giá xăng cao ngất ngưỡng chính là thứ duy nhất người dân Mỹ nghĩ tới Tổng thống Barack Obama tại các trạm xăng. Nhìn vào thực tế, giá xăng dầu hiện tại thật phi lý. Kể cả khi Iran tiếp tục bị áp đặt lệnh trừng phạt thì thế giới cũng không thể thiếu dầu đến vậy.
Một số nước xuất khẩu dầu tiềm năng khác có dư khả năng để lấp chỗ trống của Iran. Sản lượng dầu của Mỹ và Canada hiện tại và cả trong tương lai gần đều đang ở mức cao kỷ lục. Hơn nữa, sản lượng dầu tiềm năng của Ả Rập Xê-út có thể lên tới 12,5 triệu thùng/ngày, mức chưa từng có trước kia.
Thế nhưng những lo lắng về nguy cơ thiếu dầu vẫn còn dai dẳng. Mỹ và châu Âu đang tính đến một giải pháp bất thường và không mấy cần thiết là lấy dầu từ những kho dự trữ dầu chiến lược của mình để bình ổn thị trường.
Trong một động thái hiếm có, mới đây, ông Naimi, Bộ trưởng Dầu mỏ Ả Rập đã bảy tỏ sự thất vọng của mình trên tờ Financial Times rằng ông không thể hạ giá dầu, dù cho nguồn cung có dồi dào và có khả năng đáp ứng mọi nhu cầu của quốc gia này.
Có một mâu thuẫn kép trong trường hợp này: Quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới muốn hạ giá dầu, song lại không có khả năng làm được điều đó. Tuy nhiên, có một điểm rõ ràng rằng chìa khóa để giải quyết vấn đề này lại nằm ở chính nước này và phụ thuộc vào những thay đổi dứt khoát trong phương thức nước này bán dầu ra thị trường.
Tất nhiên mong muốn hạ giá dầu của Ả Rập Xê-út không phải là không có cơ sở. Giá dầu tăng cao không phải là mong muốn trong dài hạn của các nước xuất khẩu và cũng là tin xấu cho nền kinh tế toàn cầu.
|
Xăng dầu đắt đỏ sẽ tiêu diệt nhu cầu của các quốc gia phát triển cũng như đang phát triền. |
Thêm nữa, quốc gia dầu mỏ này cũng có nhiều lý do chính trị để hạn chế tăng giá dầu bởi lẽ giá dầu cao đồng nghĩa với việc khuyến khích một số nước nhập khẩu dầu tiếp tục nhập dầu từ Iran, như vậy Tehran sẽ được trợ giúp những khoản tài chính khổng lồ.
Trong bài báo ông Naimi chia sẻ, Ả Rập Xê-út sẵn sàng tăng mức sản lượng dầu vốn đã rất lớn của mình lên mức kỷ lục trong lịch sử 12,5 triệu thùng/ ngày và các kho chứa dầu ở nước ngoài của nước này đã đầy ắp.
Thế nhưng, các quốc gia trên thế giới vẫn đang lo ngại về việc quốc gia này liệu có thể bù đắp được toàn bộ lượng thiếu hụt không khi nguồn cung dầu từ Iran hoàn toàn biến mất khỏi thị trường. Ả Rập Xê-út có lẽ không muốn bị xem như đang chủ động làm suy yếu hoạt động xuất khẩu dầu của Iran nhưng những gì đang diễn ra có vẻ đúng như vậy.
Hạ nhiệt bằng cách nào?
Vậy tại sao giá dầu mỏ vẫn cao ngất ngưởng như vậy? Lý do gì khiến thị trường phản ứng dữ dội đến vậy?
Đơn giản là Ả Rập Xê-út đang cố ý kiềm chế sử dụng sức mạnh thị trường của mình. Kết quả này cũng giống như sự vụ trước kia, vào thời điểm trước năm 1985 đó thị phần và doanh thu của Ả Rập Xê-út bị tụt dốc mạnh bởi chính sách đặt giá cao của OPEC. Những năm trước thời điểm này, sản lượng dầu của Ả Rập Xê-út đã sụt giảm từ mức cao kỷ lục 10,3 triệu thùng một ngày xuống còn có 3,6 triệu thùng cho nỗ lực bất thành đề bảo vệ mức giá do OPEC áp đặt. Kể từ đó, Ả Rập Xê-út không muốn gắn chặt với việc áp đặt giá cả cững nhắc nữa. Cuối cùng là Ả Rập Xê-út quyết định tuân theo giá cả thị trường.
Qua những bài phát biểu và tuyên bố trước báo giới, các quan chức nước này thể hiện cho các nước xuất và nhập khẩu dầu thấy ý định của mình và cố gắng lấy lòng thị trường, song quốc gia này cũng không hề chủ động trên thị trường mở.
Trên thực tế, Ả Rập Xê-út không cho phép nước khác mua bán lại dầu của mình hoặc bán dầu mà không có những quy định hạn chế về việc bán lại. Nước này chỉ bán cho những nước là người tiêu dùng cuối cùng như các quốc gia lọc dầu, tự xử lý dầu thô. Điều này đồng nghĩa với việc nguồn dầu có sẵn nhưng sẽ không bán nếu các nước lọc dầu không có nhu cầu.
Đáng lẽ, Ả Rập Xê-út không nên cư xử giống kiểu các ngân hàng trung ương thình thoảng lại tiến hành đấu giá trái phiếu chính phủ. Lãi suất, trong trường hợp này là giá dầu, được quyết định bởi kết quả đấu giá và các giao dịch trên thị trường thứ cấp. Suy cho đến cùng, Ả Rập Xê-út giống hệt như là ngân hàng dầu trung ương của thế giới.
Nếu Ả Rập Xê-út cho phép các nước khác giao dịch dầu thô của mình, tức là để cho những người mua dầu bán lại cho bên trung gian hoặc khách hàng tiêu thụ cuối khác thì nguồn cung dồi dào của nước này tự khắc sẽ làm giảm giá dầu.
Nhưng có vẻ quốc gia này lại sợ phải đóng vai trò chủ động trên thị trường lo sợ bị buộc tội "kiểm soát" giá dầu. Tuy vậy, thật sự là có rất nhiều khác biệt giữa một bên là "kiểm soát" và bên kia là việc không gây ảnh hưởng lên thị trường.
Trên thực tế, Ả Rập Xê-út không có khả năng "kiểm soát" giá dầu dù cho nước này có đảm nhận mọi vai trò chủ động trên thị trường mà chỉ là sự ảnh hưởng. Hình mẫu nhà độc quyền chèn ép khách hàng của OPEC đã ăn sâu tới mức Ả Rập Xê-út không muốn được xem là gây ảnh hưởng tới giá dầu.
Nước Mỹ và các nước tiêu thụ dầu hàng đầu khác nên khuyến khích Ả Rập Xê-út thể hiện vai trò của mình một cách tích cực hơn nữa. Thị trường dầu mỏ toàn cầu nếu được Ả Rập Xê-út sử dụng sức ảnh hưởng chính đáng của mình sẽ ít biến động hơn và thế cân bằng cung cầu vững chắc hơn. Và sẽ càng tốt hơn nếu Ả Rập Xê-út có thể điều hòa được giá cả thị trường.
Trong bối cảnh sản lượng dầu và khí đốt ở Bắc Mỹ và các khu vực khác trên thế giới đang phục hồi, việc giữ cho giá dầu ở mức vừa phải sẽ có lợi cho tất cả các quốc gia. Một mức giá quá thấp sẽ triệt tiêu sự mở rộng các nguồn cung mới, ngược lại mức giá quá cao cũng sẽ phá hủy sự phục hổi kinh tế vốn đã mong manh.
Mục tiêu giá của Ả Rập Xê-út nằm trong khoảng giao động quanh mức 100 USD/thùng cũng chính là mức giá có lợi cho các nước công nghiệp.
Ả Rập Xê-út nên được ủng hộ, thậm chí là đang bị thúc giục trở thành người quyết định giá chứ không chỉ là người tuân theo giá thị trường. Giá dầu nên được đưa ra thảo luận trong các cuộc họp của G-20 và các cuộc nhóm họp quốc tế khác giống như các vấn đề lãi suất và tỷ giá hối đoái.
Sẽ không có một thị trường vận hành hiệu quả chừng nào nước xuất khẩu dầu lớn nhất vẫn còn đứng bên lề. Đẩy Ả Rập Xê-út vào cuộc chơi sẽ không những tốt cho người dân Mỹ mà còn gây bất lợi cho những giáo sỹ Tehran.
BÍCH NGỌC (THEO FP)
diễn đàn kinh tế việt nam
|