Vùng đỉnh chứng khoán sắp hiện ra?
Vùng đỉnh ngắn hạn đang dần hiện ra. Bất cứ thời điểm nào lực cầu biến mất cũng lập tức kéo theo một làn sóng bán tháo không cần kềm chế. Phải chăng đó chính là tính cách xốc nổi của một thị trường còn ở tuổi thiếu niên?
Lại mua đuổi: botay.com!
Khi đến cả Nhật báo Phố Wall cũng phải tỏ ý cổ vũ cho TTCK Việt Nam thì có thể hiểu là thị trường này đang có một bước chuyển mình thật sự. Đây cũng là lần đầu tiên sau nhiều tháng "im lặng", tờ nhật báo uy tín nhất của Mỹ về chứng khoán đã gián tiếp xác nhận triển vọng lạc quan cho TTCK ở một quốc gia thuộc vùng trũng nhất trên thế giới đang nổi lên sau khi đã suýt "chết đuối" trong năm 2011.
Không ngạc nhiên khi sau giai đoạn lấy đà từ trước Tết và vào vài tuần lễ sau tết, hai chỉ số chứng khoán VNI và HNX một lần nữa tăng tốc. Như một dự báo gần đây của chúng tôi, trong sóng tăng "thứ cấp" này, HNX sẽ có nhiều cơ hội để trở nên "bình đẳng giới" so với VNI. Chinh phục hết mốc này đến mốc khác, giờ đây HNX đang vượt hẳn qua mốc 70 điểm và hướng thẳng đến mốc 80 điểm.
Vào những ngày đầu tháng 3/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký một loạt văn bản quan trọng liên quan đến thị trường tín dụng và tài chính. Về phía ngân hàng, đề án tái cấu trúc ngân hàng đã chính thức được phê duyệt. Không quá xa cách, Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2020 cũng chính thức Thủ tướng thông qua. Nhưng quan trọng nhất có lẽ chính là Chỉ thị 08 về quản lý và thúc đẩy TTCK, trong đó cũng tương tự như Chỉ thị 2196 đối với thị trường bất động sản, Chỉ thị 08 nhắc lại yêu cầu giảm lãi suất về mức hợp lý đối với Ngân hàng nhà nước.
Một lần nữa, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ lại xuất hiện. Cái nhìn không mấy băn khoăn về khả năng tăng điểm của TTCK từ vị bộ trưởng này khiến người ta liên tưởng lại tiếng cồng khai trương sàn tại phiên giao dịch chứng khoán đầu tiên sau Tết, do chính ông thực hiện. Giờ đây, hành động đó được hiểu là tượng trưng cho sự may mắn lớn lao đối với các nhà đầu tư khát nước.
Những nhận định lạc quan của Dragon Capital, Asean Investment Management hay Manulife Asset Management về ánh sáng của TTCK Việt Nam trong năm 2012 đã tỏ ra có cơ sở từ những văn bản pháp lý vừa được Thủ tướng ký. Nhưng điều đáng nói hơn là trong bối cảnh thị trường còn quá u ám vào những ngày đầu năm 2012 và vẫn chìm trong hoài nghi vào thời gian sau tết Nhâm Thìn, giới quan sát nước ngoài đã đi tiên phong trong đánh giá lạc quan về thị trường. Chỉ sau khi thị trường tăng mạnh và tăng liên tục, đa số giới phân tích của các công ty chứng khoán và nhà phân tích độc lập trong nước mới "mua đuổi" các nhận định của nước ngoài.
Xốc nổi của tuổi thiếu niên!
Nhưng bất cứ cuộc vui nào cũng phải có lúc kết thúc. Cho dù TTCK lặp lại "quy luật" phản ứng trước phục hồi của nền kinh tế từ 3-6 tháng, nhưng không có nghĩa là mọi chuyện sẽ diễn ra một cách suôn sẻ như năm 2009. Cần chú ý là trong lần xuất hiện gần đây nhất, ông Huệ đã nói bóng gió về độ rủi ro không tránh khỏi của TTCK. Thậm chí, ông còn ví thị trường này chỉ tương ứng với lứa tuổi học lớp 6 của con gái ông.
Điều đó có ý nghĩa gì? Hiểu đơn giản, dù hoàn toàn đồng ý với chính sách phục hồi TTCK, nhưng bộ trưởng Huệ cũng gián tiếp khuyến nghị các nhà đầu tư nhỏ lẻ về một thái độ cẩn trọng cần thiết - thái độ mà trong thời gian gần đây có vẻ đã bị lãng quên quá nhanh trước sức hút ghê gớm từ "dòng tiền nóng" đối với thị trường này.
Nếu lấy mốc mục tiêu của chỉ số VNI là 480 điểm và của HNX là 80 điểm, thì khi đạt được các mục tiêu này, chỉ số tại hai sàn giao dịch sẽ tăng được khoảng 40% so với đáy được thiết lập vào ngày 10/1/2012. Mức tăng như thế tuy chưa bằng tỷ lệ 68% của TTCK Síp, nhưng cũng gần ngang ngửa với tỷ lệ phục hồi ban đầu của TTCK Hy Lạp.
Tuy nhiên, TTCK Hy Lạp sau phục hồi đã chỉ điều chỉnh khá nhẹ nhàng. Còn với TTCK Việt Nam, vốn được đặc thù bởi tính chất đầu cơ đánh lên cũng như đánh xuống không theo bất kỳ một "khung tiêu chuẩn" nào, cơ chế điều chỉnh giảm sau khi tăng của nó có thể sẽ dữ dội hơn nhiều.
Đó cũng là một đặc thù của đồ thị TTCK trong năm nay mà chúng tôi đã đề cập trong bài nhận định gần đây. Thị trường có thể tăng vọt đến 40%, nhưng ngay sau đó cũng có thể giảm lại đến 20%. Nếu khả năng này xảy ra, thực tế hiện nay sẽ khác rất nhiều với những khoảng điều chỉnh giảm chỉ từ 7-10% trong các năm 2006 và 2009.
Còn trước mắt, khó có hy vọng cho VNI "được" cho vượt qua mốc 500 điểm, và HNX vượt qua vùng điểm 80. Vùng đỉnh ngắn hạn đang dần hiện ra. Tại những khu vực này, gần như chắc chắn sẽ diễn ra cái mà các công ty chứng khoán thường gọi là "nhịp điều chỉnh". Nhưng với tâm lý đám đông hay có thể gọi trắng là tâm lý bầy đàn của nhà đầu tư nhỏ lẻ Việt Nam, bất cứ thời điểm nào lực cầu biến mất cũng lập tức kéo theo một làn sóng bán tháo không cần kềm chế.
"Nhịp điều chỉnh" sẽ chỉ diễn tiến đến lúc trên các diễn đàn chứng khoán lại vọng lên tiếng kêu than của nhà đầu tư, khi đó thị trường mới tiếp tục được "phục hồi".
Phải chăng đó chính là tính cách xốc nổi của một thị trường mới ở độ tuổi thiếu niên mà tính ra thì cũng chỉ học hết lớp Sáu?
Việt Thắng
DIỄN đàn kinh tế việt nam
|