Tổng công ty Sông Hồng mắc cạn vì... “nhà nghèo, đông con”
Với 36 công ty con, công ty liên kết và công ty đầu tư tài chính, Tổng công ty Sông Hồng đang rơi vào cảnh “nhà nghèo đông con”, nguy cơ mất cân đối tài chính lớn.
NĐT sẵn sàng trả mức giá 22.290 đồng/CP so với giá khởi điểm 14.000 đồng/CP khi Tổng CTCP Sông Hồng tiến hành IPO cuối năm 2009.
Nhưng kỳ vọng vào khoản đầu tư này chỉ còn lại mong manh khi giá cổ phiếu trên thị trường OTC hiện chỉ còn 5.000 - 6.000 đồng/CP, triển vọng lên sàn vẫn khá mờ mịt. Đặc biệt, Sông Hồng đang loay hoay thoái vốn khi “mắc cạn” với hàng loạt công ty con, công ty liên kết thua lỗ.
Với 36 công ty con, công ty liên kết và công ty đầu tư tài chính, Tổng công ty Sông Hồng đang rơi vào cảnh “nhà nghèo đông con”, nguy cơ mất cân đối tài chính lớn. Năm 2011, Sông Hồng đã tìm đủ mọi cách xoay xở bằng việc cơ cấu lại vốn góp tại Công ty Đầu tư và xây dựng Minh Phương, CTCP Công nghệ truyền thông Sông Hồng; thoái một phần vốn góp tại CTCP Sông Hồng Miền Trung. Bên cạnh đó, Tổng công ty thôi không tham gia góp vốn tại CTCP Đầu tư và xây dựng Bến Thành - Sông Hồng, CTCP Sông Hồng Cửu Long, CTCP Đầu tư và xây dựng cơ khí Sông Hồng, CTCP Tư vấn thiết kế và xây dựng Sông Hồng. Đặc biệt, thoái hết vốn tại CTCP Sông Hồng 27, CTCP Sông Hồng số 6.
Ngoài ra, Tổng công ty Sông Hồng xây dựng phương án thoái vốn tại CTCP Thép Sông Hồng và chuyển Trường trung cấp kỹ thuật nghiệp vụ Sông Hồng về Tập đoàn Công nghiệp Xây dựng Việt Nam hoặc Bộ Xây dựng quản lý. Sông Hồng sở hữu 85% cổ phần, tương đương 102 tỷ đồng tại CTCP Thép Sông Hồng (vốn điều lệ 120 tỷ đồng); sở hữu tại Trường trung cấp kỹ thuật nghiệp vụ Sông Hồng là 67,35 tỷ đồng. Chỉ 2 đơn vị này đã chiếm 109,37/270 tỷ đồng vốn điều lệ của Tổng công ty (Tổng công ty đang phải hỗ trợ tài chính cho Trường trung cấp kỹ thuật nghiệp vụ Sông Hồng hoạt động).
Tuy nhiên, thực tế việc thoái vốn chưa đạt như kế hoạch. Nhiều NĐT băn khoăn, Tổng công ty Sông Hồng sẽ thoái vốn đầu tư như thế nào khi năm 2011, CTCP Thép Sông Hồng lỗ 137,75 tỷ đồng, sản xuất chỉ đạt 65% công suất do không bán được hàng? Nối dài danh sách đơn vị làm ăn thua lỗ của Tổng công ty còn có: CTCP Sông Hồng số 6, CTCP Sông Hồng số 36, CTCP Sông Hồng Đà Nẵng, CTCP Xuất nhập khẩu và xây dựng Sông Hồng, CTCP Thép Sông Hồng...
Năm 2011, kết quả hoạt động của Tổng công ty Sông Hồng không như dự kiến, lợi nhuận/doanh thu chỉ đạt 0,5%, cụ thể là 23,13/4.404 tỷ đồng.
Bức tranh tài chính của Tổng công ty không mấy sáng sủa, triển vọng lên sàn chứng khoán tập trung vẫn khá mờ mịt. Vậy nhưng, Sông Hồng lại đang trình Tập đoàn Công nghiệp Xây dựng Việt Nam thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ 270 tỷ đồng lên 387,5 tỷ đồng. Trong khi đó, Dự án I1, I2, I3 Thành Công, Hà Nội - con “át chủ bài” thu hút các nhà đầu tư bởi triển vọng lợi nhuận “khủng” tại thời điểm IPO vào tháng 11/2009 thì Tổng công ty cũng chỉ sở hữu có 15% vốn. Năm 2012, kế hoạch lợi nhuận trước thuế của Tổng công ty là 18,5 tỷ đồng.
Trung Kiên
đầu tư chứng khoán
|