Kỳ vọng CTG
Là một trong những DN có kết quả kinh doanh tốt nhất trên TTCK năm 2011, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) của VietinBank (HOSE: CTG) vừa diễn ra lại ấp ủ trong nhà đầu tư (NĐT) những niềm hy vọng mới từ vị thế "ông lớn" và những kế hoạch kinh doanh ấn tượng.
Gia tăng lực hút "niềm tin"
Kết thúc năm tài chính 2011, hoạt động kinh doanh của VietinBank đều hoàn thành, thậm chí vượt cao so với chỉ tiêu mà ĐHĐCĐ đã đề ra. Tổng tài sản đạt 460.604 tỷ đồng, tăng 25% so với 2010, bằng 104% so với chỉ tiêu đề ra; đưa VietinBank trở thành Ngân hàng có quy mô tổng tài sản đứng thứ 2 toàn ngành.
Vượt lên trên bối cảnh huy động vốn khó khăn, VietinBank là một trong số ít các ngân hàng có mức tăng trưởng vốn lớn và kỳ hạn ổn định qua các kênh huy động khác nhau từ nhiều đối tượng khách hàng trong nước và quốc tế. Cụ thể huy động vốn của ngân hàng đạt 420.212 tỷ đồng, tăng 24% so với 2010.
Song hành với công tác huy động, nguồn vốn được sử dụng hiệu quả và tập trung cho vay các ngành kinh tế mũi nhọn, trọng điểm quốc gia, có tiềm năng phát triển bền vững như: các dự án điện, dầu khí, vệ tinh viễn thông, xi măng, thép, than và khoáng sản… Đây cũng là ngân hàng đi đầu trong việc triển khai nhiều chương trình tín dụng ưu đãi đối với các khu vực kinh tế được Chính phủ khuyến khích với cơ cấu khoảng hơn 30% tổng dư nợ. Riêng cho vay phi sản xuất hạn chế ở mức 8%. Kết quả là dư nợ cho vay và đầu tư đạt 430.116 tỷ đồng, tăng 23% so với 2010, bằng 103% kế hoạch. Vốn điều lệ đạt 20.230 tỷ đồng tăng 33% so với 2010. Lợi nhuận tăng 56% so với chỉ tiêu ĐHĐCĐ đề ra, trong khi nợ xấu của VietinBank chỉ chiếm 0,74% trong tổng dư nợ.
Danh mục đầu tư của VietinBank trong năm 2011 tiếp tục được điều chỉnh theo hướng gia tăng khả năng sinh lời, đảm bảo dự trữ thanh khoản trong hệ thống. Tính đến cuối năm 2011, quy mô hoạt động đầu tư của CTG đã đạt hơn 136.000 tỷ đồng, tăng 18,7% và chiếm 30% tổng tài sản. Đặc biệt, VietinBank vẫn giữ vững vị trí là ngân hàng cung ứng vốn lớn nhất trên thị trường liên ngân hàng, góp phần thực thi chính sách tiền tệ quốc gia cũng như góp phần ổn định và giữ an toàn hoạt động của toàn ngành. Theo đó đến thời điểm 31/12, VietinBank đã đầu tư trên thị trường liên ngân hàng 65.000 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động đầu tư trái phiếu, giấy tờ có giá năm 2011 là 67,3 tỷ đồng tăng 8,7% so với cuối năm 2010. Trong đó VietinBank luôn duy trì khối lượng lớn trái phiếu Chính phủ, vừa là nguồn dự trữ thứ cấp vừa góp phần đầu tư vốn vào các dự án lớn góp phần phát triển kinh tế năm 2011.
Kỳ vọng "ông lớn"
Con số cổ tức chi trả cho cổ đông năm 2011 là 20% đã là đáng mừng đối với NĐT, song xét trên thị giá hiện tại (25.200 đồng/CP ngày 25/2) mức cổ tức của VietinBank còn cao hơn khi ĐHĐCĐ quyết định chia cổ tức bằng cổ phiếu. Nhìn lại từ đầu năm đến nay, không ít NĐT đã "trúng quả" khi ôm mã CTG khi mức giá xuống thấp nhất ngày 3/1/2012 chỉ là 17.000 đồng/CP. Với các NĐT ôm từ giữa tháng 12/2011, mức lợi nhuận còn ấn tượng hơn bởi khi đó giá CTG giảm mạnh chỉ còn 16.100 đồng/CP (ngày 15/12/2011). Trong bối cảnh thị trường như hiện nay tốc độ tăng trưởng ấn tượng gần 50% trong vòng 2 tháng của CTG không chỉ là một sự bứt phá ngoạn mục mà còn thể hiện kỳ vọng lớn của NĐT.
Tại ĐHĐCĐ năm 2012, những kỳ vọng của NĐT sẽ càng được củng cố hơn theo tham vọng của "ông lớn". Mặc dù được coi là năm kinh doanh khó khăn hơn năm 2011, song VietinBank vẫn ra quyết tâm tăng trưởng tổng tài sản 19% đạt 550.000 tỷ đồng, so với 2011. Vốn điều lệ tăng 48% đạt 30.000 tỷ đồng so với 2011 trong đó tín dụng tăng trưởng 17%. Tổng dư nợ cho vay và đầu tư đạt 520.000 tỷ đồng, tăng 21% so với 2011 trong đó tín dụng tăng trưởng 17%. Tổng nguồn vốn huy động và vay đạt 500.000 tỷ đồng tăng 19% so với 2011. Lợi nhuận trước thuế dự kiến 9.000 tỷ đồng. Mặc dù, con số mà ĐHĐCĐ đề ra là mức chia cổ tức 16%, song Chủ tịch HĐQT Phạm Huy Hùng cho biết, sẽ cố gắng phấn đấu mức cổ tức 20% như năm 2011.
Thế phát triển của VietinBank càng bền chắc hơn khi VietinBank xác định năm 2012 là năm tái cấu trúc toàn diện theo hướng hiện đại hoá, nâng cao năng lực cạnh tranh. Theo đó, song song với các chiến lược huy động vốn VietinBank đẩy mạnh cơ cấu theo hướng tăng nguồn vốn trung và dài hạn, ổn định, hạn chế rủi ro lãi suất và thanh khoản. Hoạt động tín dụng được siết chặt nhằm tăng cường nợ xấu phát sinh. Cơ cấu đầu tư được đẩy mạnh với tốc độ tăng trưởng 30%. Tiếp tục đổi mới, nâng cấp công tác tổ chức, quản trị điều hành... Theo Chủ tịch HĐQT Phạm Huy Hùng, chiến lược tổng thể này được nhất quán từ tư duy đến hành động, từ kế hoạch ngân sách đến công tác truyền thông để nâng cao uy tín và đưa thương hiệu VietinBank ghi dấu trong lòng công chúng, góp phần đẩy mạnh hoạt động kinh doanh nâng cao thị phần hoạt động của VietinBank.
Cùng với Chiến lược tổng thể về Công nghệ thông tin đến năm 2015 hoàn thành, VietinBank sẽ có nền tảng vững chắc để nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh cạnh tranh trong nước ngày càng gia tăng và tiến tới hội nhập quốc tế.
Minh Ngọc
thời báo ngân hàng
|