Thứ Sáu, 16/03/2012 09:25

Doanh nghiệp FDI niêm yết có thuộc diện “chuyển giá”?

Thị trường đang nóng với thông tin từ Tổng cục thuế về hiện tượng 50% doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) liên tục kê khai lỗ để tránh thuế thu nhập doanh nghiệp. Liệu các doanh nghiệp niêm yết có rơi vào trường hợp này?

Hiện tại, có 8 doanh nghiệp họ FDI niêm yết trên cả hai sàn, trong đó có 1 doanh nghiệp đã bị “trảm” và sang UPCoM hồi tháng 8/2011do lỗ 3 năm liên tiếp là FPC. Còn lại các doanh nghiệp CYC, TCR, TKU, IFS, RIC, TYA, EVE, KMR ít nhiều cũng có kết quả thua lỗ tính theo quý hay theo năm.

Theo thống kê của Vietstock, trong năm 2011, chỉ có TYA, EVE, TCR có kết quả kinh doanh tăng trưởng khả quan, còn lại RIC, KMR, TKU, IFS đều giảm mạnh. Riêng CYC đã khắc phục được mức lỗ 464 triệu đồng của cùng kỳ để có lãi trong năm nay.

Sức hút của doanh nghiệp niêm yết FDI với giới đầu tư của ngày xưa đã không còn, thay vào đó, thậm chí họ còn thất vọng với hoạt động của công ty. Bởi theo thống kê, có tới 7/8 doanh nghiệp có giá cổ phiếu dưới mệnh giá, chỉ mỗi EVE vẫn giữ được mức trên 20,000 đồng.

Chịu xu hướng chung của thị trường là lý do được các doanh nghiệp đưa ra cho việc giảm giá chứng khoán, tuy nhiên không ít ý kiến cho rằng công ty cần xem lại hiệu quả kinh doanh. Các chuyên gia cho rằng nhiều doanh nghiệp FDI nhập khẩu nguyên liệu đầu vào cho sản xuất từ chính các công ty mẹ ở nước ngoài với giá cao hơn nhiều so với giá thực tế. Điều này khiến cho các công ty rơi vào cảnh thua lỗ bởi giá đầu vào cao, giá đầu ra thấp, trong khi công ty mẹ ở nước ngoài thu lợi nhuận lớn.

KQKD 2011 và giá đóng cửa ngày 09/03 của 8 doanh nghiệp FDI niêm yết

Trong khi tổng tài sản của các doanh nghiệp hàng năm đều tăng thì lợi nhuận mang lại vẫn chỉ ở mức “lẹt đẹt”. Đầu tiên phải kể đến là TKU, chỉ tiêu ROA từ năm 2009 đến nay theo hướng giảm mạnh, thậm chí năm 2011 âm 3.31%. Điều đáng nói là tổng tài sản của doanh nghiệp này hàng năm vẫn sàn sàn từ mức 687 đến 651 tỷ đồng. Trong khi năm 2009 ROA đạt tới 10.75% thì năm 2011 rớt thảm hại do lỗ ròng tới 21 tỷ đồng. Đây là năm thứ hai TKU lỗ kể từ năm 2008 với mức lỗ 8.2 tỷ đồng.

Tiếp theo là CYC với chỉ tiêu ROA không ngoi lên nổi con số 1%, thậm chí năm 2010 âm 0.14%. Hậu quả mà cổ đông của doanh nghiệp này phải gánh chịu là bị tạm ngừng giao dịch hồi tháng 6/2011 do lỗ 2 năm liên tiếp.

Đáng chú ý, năm 2010, đơn vị kiểm toán đã có khá nhiều ý kiến về việc CYC thực hiện điều chỉnh hồi tố phần chiết khấu bán hàng năm 2009 gần 4 tỷ đồng là chưa có đầy đủ bằng chứng cho khoản này. Đồng thời, khoản tiền thưởng cho nhân viên nước ngoài gần 2 tỷ đồng trong các năm 2008 và 2009 là chưa phù hợp. Liệu đây có phải là một trong những “thủ thuật” doanh nghiệp làm lập lờ các khoản chi để “che mắt” nhà đầu tư?

Trong số các doanh nghiệp FDI niêm yết, có lẽ IFS là doanh nghiệp khá tiếng tăm với vụ kiện Ngân hàng ANZ, công ty Kirin (Nhật Bản) mua lại 57% cổ phần, hay thậm chí là doanh nghiệp được HOSE nhắc nhở chậm nộp BCTC nhiều nhất trên sàn trong năm qua.

Đặc biệt, trong báo cáo kiểm toán 2009, đơn vị kiểm toán phải cho rằng không chắc chắn về khả năng hoạt động liên tục của IFS khi tổng nợ ngắn hạn đã vượt tổng tài sản ngắn hạn tới 15.7 triệu USD, tương đương 282 tỷ đồng.

Nhờ năm 2010 bất ngờ có lãi hơn 7 tỷ đồng nên chỉ tiêu ROA của IFS không phải là một số âm. Trong khi 3 năm là 2008, 2009, 2011 doanh nghiệp này đều “ghi nhận” những mức lỗ lần lượt là 262 tỷ đồng, 25.8 tỷ đồng và 56.7 tỷ đồng.

Từ tháng 5/2011, IFS đã có ý định hủy niêm yết nhưng đến nay điều đó vẫn chưa thành hiện thực khi công ty vừa gia hạn sẽ thực hiện việc rời sàn trong năm nay.

EVE hiện là doanh nghiệp FDI duy nhất có “lý lịch” khá trong sáng kể từ khi niêm yết. Tốc độ tăng tổng tài sản gắn liền với tăng trưởng lợi nhuận qua các năm. Đặc biệt năm 2009 doanh nghiệp này có mức ROA đạt 20.5%. Do bị ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, chỉ tiêu này dù có giảm nhưng vẫn đạt mức quán quân của nhóm FDI.

Ngoài ra, cũng đáng ngợi khen TYA khi năm 2009 chỉ lãi vỏn vẹn 2.7 tỷ đồng, thì các năm tiếp theo con số này vượt lên mức 23 tỷ đồng và 36 tỷ đồng. Theo đó, ROA cũng vượt từ mức 0.45% lên 5.34%.

Hoạt động kinh doanh của nhóm doanh nghiệp này vẫn đang là một ẩn số đối với nhà đầu tư, hy vọng cổ đông sáng lập và cơ quan quản lý sẽ có những phương cách để hình ảnh các doanh nghiệp này được cải thiện hơn.

Minh An (Vietstock)

Finfonet

Các tin tức khác

>   ACB đặt kết hoạch lãi 5,500 tỷ đồng và thành lập công ty vàng (15/03/2012)

>   Chứng khoán Dầu khí đóng cửa một loạt chi nhánh (15/03/2012)

>   SNG vẫn duy trì chỉ tiêu lợi nhuận và cổ tức như năm 2011 (15/03/2012)

>   SHN khởi kiện BETA Bộ Quốc Phòng ra tòa (15/03/2012)

>   HDO dự kiến sáp nhập DHL (15/03/2012)

>   LCG đặt kế hoạch 102 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (15/03/2012)

>   PGS, S91: Chốt quyền dự ĐHĐCĐ thường niên 2012 (15/03/2012)

>   Dự án của XMC, V21 vào “tầm ngắm” thanh tra Bộ Xây dựng (15/03/2012)

>   TCL: Thoái vốn góp hợp doanh Bến B7 tại Cảng Cát Lái (15/03/2012)

>   HAG: Đánh giá của Fitch là không hợp lý (15/03/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật