Thứ Năm, 22/03/2012 13:17

CNG: Đau đầu giảm rủi ro

Dù có được tất cả những điều kiện thuận lợi để phát triển nhưng CTCP CNG Việt Nam (CNG) vẫn phải “chịu trận” với những rủi ro bất khả kháng. Đây chính là những vấn đề được các cổ đông đem ra chất vấn tại ĐHCĐ sắp tới của CNG.

Triển vọng sáng sủa

CNG được thành lập năm 2007 với mục tiêu trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất và phân phối khí nén thiên nhiên (CNG) tại Việt Nam. Trên thị trường hiện nay, CNG cùng với CTCP Kinh doanh khí hóa lỏng Miền Nam (PGS) là 2 doanh nghiệp độc quyền trong sản xuất và phân phối khí CNG tại thị trường trong nước.

Khí CNG được dự báo sẽ là nguồn năng lượng phục vụ sản xuất và làm nhiên liệu cho các phương tiện vận tải trong tương lai với những ưu điểm nổi bật, như lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính thấp hơn nhiều so với xăng, dầu diezel hay LPG (khí hóa lỏng), giá thành sản xuất thấp và là loại nhiên liệu an toàn.

Hơn nữa, cùng một năng lượng tỏa ra nhưng chi phí sử dụng CNG thấp hơn nhiều so với xăng, diezel và LPG.

Chính vì vậy, nhu cầu khí CNG tăng nhanh trong các lĩnh vực sản xuất cần nhiều năng lượng như thép, gốm sứ, sản xuất thực phẩm. Đặc biệt, sản phẩm khí CNG còn được dùng làm nhiên liệu cho các phương tiện giao thông vận tải (chủ yếu là xe buýt)

Triển vọng phát triển trong tương lai của CNG được đánh giá rất khả quan khi doanh nghiệp đang triển khai hàng loạt dự án mở rộng phạm vi cung cấp khí CNG tại Đông Nam bộ và các tỉnh miền Bắc. Bên cạnh đó, sự ổn định của nguồn cung nguyên liệu và chỉ phải nộp thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp (10%) từ 2012-2016, có thể giúp CNG duy trì được kết quả kinh doanh tốt và tiếp tục đầu tư mở rộng năng lực sản xuất. Với các điều kiện hết sức thuận lợi này, dù mới thành lập từ năm 2007 nhưng CNG đã đạt kết quả kinh doanh rất tốt.

Theo số liệu thống kê của CTCK Việt Thành, ngoại trừ năm 2008 lỗ sau thuế gần 4,5 tỷ đồng, giai đoạn 2009-2011 CNG đều kinh doanh có lãi với mức tăng trưởng doanh thu thuần rất cao: năm 2009 tăng 862%, năm 2010 tăng 277% và năm 2011 tăng 156% so với cùng kỳ. Về lợi nhuận sau thuế, năm 2010 tăng 761%, còn năm 2011 tăng 93,79%. Như vậy sau gần 5 năm hoạt động, tổng tài sản của CNG tăng xấp xỉ 7 lần và lợi nhuận sau thuế tăng gần 16 lần.

Những rủi ro bất khả kháng

Với đặc thù là doanh nghiệp sản xuất sản phẩm khí nên CNG sẽ đối mặt với những rủi ro khách quan. Có thể kể đến đầu tiên là rủi ro về giá nguyên vật liệu. Bởi nhu cầu khí thiên nhiên tăng cao trong những năm tới, trong khi sản lượng sản xuất của Tổng CTCP Khí Việt Nam (PVGas) không đủ cung ứng cho thị trường, nên dự kiến PVGas sẽ gia tăng giá bán khí do phải nhập khẩu khí thiên nhiên (nhiều khả năng từ Indonesia bằng đường ống).

Việc phụ thuộc vào nguồn khí này có thể khiến CNG gia tăng chi phí nguyên liệu đầu vào, trong khi giá đầu ra có thể không tăng bằng giá đầu vào do doanh nghiệp đang trong quá trình mở rộng mạng lưới khách hàng.

Hiện tại, sản phẩm của CNG được cung cấp cho khách hàng tại các khu công nghiệp ở các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, TPHCM. Thế nhưng khách hàng có thể ngưng sử dụng khí CNG do nguyên nhân khách quan như suy thoái, thay đổi chiến lược sử dụng nhiên liệu, sẽ làm giảm sản lượng tiêu thụ của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, hầu hết các phương tiện vận tải hiện nay đều sử dụng xăng hoặc diezel làm nhiên liệu. Do đó, nếu muốn chuyển sang sử dụng CNG cần thời gian để đầu tư và thử nghiệm. CNG còn phải đối mặt với rủi ro bất khả kháng như cháy nổ. Nếu nguy cơ này xảy ra có thể khiến cho doanh nghiệp phải ngừng sản xuất trong thời gian dài, ảnh hưởng đến doanh thu và gia tăng chi phí cho công ty. Đây là rủi ro mà khả năng xảy ra đối với CNG cao hơn các doanh nghiệp khác do đặc thù của sản phẩm dễ gây cháy nổ.

Ngoài những vấn đề trên, CNG còn phải trả lời trước các cổ đông và NĐT trong mùa ĐHCĐ năm 2012 các vấn đề nóng không kém như rủi ro về nợ và vay tỷ giá. Tính đến thời điểm cuối năm 2011, CNG có tổng nợ vay khoảng 174 tỷ đồng và khoản nợ nằm trong hạn mức tín dụng 5,5 triệu USD mà Tổng CTCP Tài chính dầu khí (PVF) cung cấp.

HẢI HỒ

sài gòn đầu tư tài chính

Các tin tức khác

>   “Sốc” với ước lợi nhuận quý 1 của CSM (22/03/2012)

>   VFMVF4: Đại hội thông qua chủ trương chuyển đổi sang quỹ mở (22/03/2012)

>   Thêm một vụ sáp nhập tại ĐHĐCĐ thường niên (22/03/2012)

>   Xác định công ty Bình An nợ thêm 200 tỉ đồng (22/03/2012)

>   HMC dự kiến lãi 55 tỷ đồng và cổ tức 17% năm 2012 (22/03/2012)

>   TH1 lo ngại với tình hình XNK năm 2012 (22/03/2012)

>   Hủy phát hành, TCL tính thanh lý hợp đồng với Chứng khoán Thăng Long (22/03/2012)

>   VCB đặt kế hoạch lãi ròng 4,929 tỷ đồng, nợ xấu dưới 2.8% (22/03/2012)

>   Xem xét quyền phân phối thuốc của MKP (22/03/2012)

>   CTS: Năm 2012 sẽ đẩy mạnh tự doanh và môi giới (22/03/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật