Chứng khoán Tuần 05 – 09/03: Xả Ngân hàng, gom Bất động sản
Xu hướng đầu tư theo các tin đồn thâu tóm đã có dịp nở rộ trong thời gian gần đây, khiến lực cầu đột ngột xuất hiện ở nhiều mã Chứng khoán, Bất động sản.
I. THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM TUẦN 05/03 – 09/03/2012
Giao dịch: Thị trường quay đầu điều chỉnh. VN-Index tính tổng cộng cả tuần giảm 1.7% và đang ở mức 432.11 điểm, trong khi HNX-Index giảm nhẹ 0.22% đứng tại 71.56 điểm. Nhóm cổ phiếu chủ chốt thể hiện qua VS 100 giảm 3.16% đang ở mức 67.04 điểm và VN 30 giảm 3.28% đứng tại 487.03 điểm.
VS-Large Cap dẫn đầu danh sách giảm điểm với mức giảm 2.71%; tiếp theo là VS-Small Cap giảm 0.95% và VS-Micro Cap giảm 0.39%. Đi ngược xu hướng thị trường, VS-Mid Cap vẫn duy trì mức tăng nhẹ 0.79%.
Thanh khoản trên cả hai sàn tiếp tục gia tăng mạnh mẽ, với mức tăng 32.3% trên HOSE, và tăng 14% trên HNX so với tuần giao dịch trước.
Thị trường đã có tuần giao dịch nhiều cảm xúc khi bất ngờ bật tăng mạnh mẽ ngay trong phiên giao dịch đầu tuần, bất chấp những lo ngại về lượng hàng khủng trong tuần giao dịch trước đó về tới tài khoản.
Mặc dù vậy áp lực bán sau đó đã nhanh chóng lấn lướt trong những phiên giao dịch còn lại và kéo thị trường giảm điểm. Thống kê giao dịch cho thấy những nhóm nhà đầu tư lớn cũng đã gia tăng thoát hàng. Nguyên nhân khiên áp lực gia tăng mạnh có thể xuất phát từ:
(1) Thị trường liên tục tăng điểm ”nóng”, đặc biệt là sau phiên tăng ”điên cuồng” đầu tuần, đã thôi thục bên bán mạnh dạn chốt lời nhằm hiện thực hóa khoản lợi nhuận đã lên tới 15%-30%.
(2) Áp lực bán vẫn tăng mạnh bất chấp thông tin tích cực về khả năng rõ ràng là NHNN sẽ hạ lãi suất cơ bản cũng như trần lãi suất huy động với mức 1%. Chiến lược bán khi tin tốt xuất hiện đã được áp dụng.
(3) Giá xăng dầu điều chỉnh tăng với mức cao nhất lên đến hơn 10% đã tác động xấu lên tâm lý của toàn thị trường. Giới đầu tư e ngại các mặt hàng khác sẽ ”té nước theo mưa” làm lạm phát gia tăng trở lại.
Điểm tích cực là bên mua vẫn hết sức kiên trì giúp giao dịch thị trường diễn ra khá sôi động và hưng phấn. Bên bán cũng không hề có dấu hiệu hoảng loạn hay tháo chạy.
Điều này được thể hiện rõ nhất trong phiên giao dịch ngày 06/03 khi khối lượng giao dịch và dòng tiền đã lên mức kỷ lục trong lịch sử giao dịch chứng khoán Việt Nam. Thanh khoản về cuối tuần đã có phần yều dần đi, nhưng vẫn duy trì trên mức trung bình so với các phiên giao dịch gần đây.
Tuần qua, lực bán tập trung mạnh nhất ở nhóm cổ phiếu Ngân hàng; đặc biệt là các cổ phiếu dẫn dắt thị trường như STB, EIB, MBB, ACB và HBB. Trong đó, HBB đã giảm sàn trong phiên cuối tuần, một điều hiếm thấy trong thời gian gần đây. Việc bán mạnh cổ phiếu ngân hàng không quá khó hiểu khi mức sinh lời trong thời gian qua đã lên rất cao. Bên cạnh đó, yếu tố đầu cơ theo sóng ”M&A” ở nhóm cổ phiếu này không còn hấp dẫn đối với giới đầu cơ khi các thông tin chính thức dần xuất hiện.
Xu hướng đầu tư theo các tin đồn thâu tóm đã có dịp nở rộ trong thời gian gần đây, khiến lực cầu đột ngột xuất hiện ở nhiều mã Chứng khoán, Bất động sản.
Chúng tôi cũng nhận thấy xu hướng dòng tiền trở lại ”chiếu cố” vào nhóm cổ phiếu Bất động sản, đáng chú ý có SJS, NTL,VPH, KDH ... Nhìn chung, giới đầu tư đang kỳ vọng thị trường bất động sản sẽ ấm trở lại và các công ty trong ngành sẽ được hưởng lợi khi lãi suất giảm xuống. Cổ phiếu thu hút dòng tiền nhiều nhất đều là nhóm có thị giá thấp và giá trị tài sản dựa trên sổ sách cao. Ngoài ra, sự chú ý của một số quỹ đầu tư nhắm vào tài sản rẻ trong ngành bất động sản cũng là một chất xúc tác đáng kể.
Việc tăng điểm của ngành Bất động sản cũng kéo theo sự tăng trở lại của ngành anh em Xây dựng.
Phiên giao dịch cuối tuần, VN-Index đã bất ngờ ”gượng dậy” thành công nhưng chủ yếu do nỗ lực từ nhóm cổ phiếu chủ chốt MSN, VIC, BVH và DPM. Không có được may mắn như VN-index, HNX-Index chỉ thu hẹp được đà giảm điểm về cuối phiên.
Nhà đầu tư nước ngoài: Khối ngoại tiếp tục bỏ tiền gom thêm cổ phiếu trong tuần qua. Điều này đã tác động tích cực lên tâm lý giao dịch của toàn thị trường và cho thấy sự tin tưởng về triển vọng của TTCK Việt Nam trong dài hạn.
Tuần qua, khối ngoại vẫn bán ròng trên HOSE với giá trị gần 11 tỷ đồng nhưng chủ yếu do tác động của giao dịch HAG. Nếu loại bỏ giao dịch tại mã cổ phiều này thì khối ngoại vẫn mua ròng gần 353 tỷ đồng.
Họ tập tập trung mua ròng mạnh nhất MSN và MBB với cùng 47.8 tỷ đồng. Như vậy, khối ngoại đã mua ròng 13 phiên liên tục tại hai cổ phiếu này với tổng cộng gần 1.2 triệu cổ phiếu MSN và 17 triệu cổ phiếu MBB. Lực mua ròng của khối ngoại cũng tiếp tục tập trung mạnh vào các mã bluechips khác như CTG, VCB và OGC.
Ở chiều ngược lại, họ bán ròng mạnh nhất HAG với hơn 12.1 triệu đơn vị tương ứng gần 364 tỷ đồng. Phần lớn của con số này là do Deutsche Bank bán thỏa thuận gần 12.6 triệu đơn vị trong phiên giao dịch 05/03.
Khối ngoại mở rộng mua ròng 51.4 tỷ đồng trên HNX trong tuần qua. Khối ngoại vẫn tập trung mua ròng mạnh nhất KLS với hơn 1.6 triệu cổ phiếu tương ứng 19.6 tỷ đồng. Trong khi đó, họ bán ròng mạnh nhất SCR với hơn 14.6 tỷ đồng.
Cổ phiếu đáng chú ý: Xu hướng giảm đã lan rộng trên thị trường khi có 15/24 ngành giảm điểm. Tuy nhiên, bất ngờ nhất là việc các nhóm ngành ”hot” vẫn duy trì được sự hấp dẫn.
Bất động sản bất ngờ gia tăng mạnh mẽ 4.52% và dẫn đầu danh sách các ngành tăng điểm. Xây dựng và Chứng khoán tăng 2.34% và 0.87%.
Với xu hướng xả hàng ở cổ phiếu Ngân hàng, không quá bất ngờ khi đây là ngành giảm điểm mạnh nhất với mức giảm 6.92%. Tiếp theo là SX Nông lâm ngư nghiệp giảm 6.27% và Khoáng sản giảm 5.11%.
MBB, EIB tiếp tục dẫn đầu về giao dịch trong tuần qua trên HOSE, đáng chú ý là sự xuất hiện của nhân tố mới SBS ở vị trí thứ ba, trong khi HBB vẫn tiếp tục ”vô đối” trên HNX.
Nhóm cổ phiếu tăng điểm tích cực trong tuần qua được phân thành 2 nhóm: Bất động sản bao gồm SJS tăng 24.45%, NTL tăng 21.66%, VPH tăng 21.43%; nhóm các CTCK gồm SBS tăng 21.05% trên HOSE; APS tăng 32.14%, VIG tăng 26.92% và SVS tăng 32.14% trên HNX.
Ngoài các yếu tố về triển vọng ngành như đề cập ở trên, dòng tiền trở lại các cổ phiếu Bất động sản còn nhờ sức hút riêng ở từng cổ phiếu.
SJS đã tăng mạnh liên tiếp trong thời gian gần đây. Tuần qua, SJS tiếp tục tăng mạnh với mức 24.45%. SJS tăng mạnh có thể do SJS được chấp thuận tiếp tục đầu tư Dự án Nam An Khánh.
Câu chuyên bên lề cũng đang giúp SJS trở nên nóng hơn, khi một nhà đầu tư cá nhân đã bất ngờ mua thêm 15.4 triệu cổ phiếu nâng tổng lượng nắm giữ lên hơn 15.7 triệu cổ phiếu, tương đương 15.79% vốn tại SJS.
NTL cũng tăng mạnh 21.66% trong tuần qua. Kết quả kinh doanh năm 2011 của NTL không như mong đợi, khi doanh thu chỉ đạt 271.6 tỷ đồng, bằng 1/5 so năm 2010. Lợi nhuận sau thuế chỉ bằng 13% năm trước và đạt hơn 76 tỷ đồng. Tuy vậy, NTL là một trong số ít các công ty có khoản tiền mặt dồi dào với hơn 370 tỷ đồng, trong khi nợ vay ngân hàng chỉ có 30.9 tỷ đồng.
Đây là lợi thế lớn không những giúp NTL có thể “sống sót” mà còn có thể “tậu’ thêm các dự án tiềm năng trong bối cảnh thị trường bất động sản đóng băng.
VPH tăng mạnh 21.43 % trong tuần qua. Việc VPH bất ngờ tái cơ cấu thành công khoản nợ ngắn hạn sang trung vài dài hạn giúp giảm bớt những lo lắng về thanh khoản của công ty này.
Các CTCK thu hút chú ý trở lại do được hưởng lợi trực tiếp từ sự phục hồi mạnh mẽ vừa qua cả ở khía cạnh chỉ số và thanh khoản – vốn được cộng hưởng thêm nhờ kéo dài thời gian giao dịch sang buổi chiều. Nhóm CTCK hàng đầu sẽ có cơ hội cải thiện doanh thu môi giới cũng như hoàn nhập các khoản dự phòng đầu tư tài chính trước đây. Bên cạnh đó, việc cổ phiếu các CTCK đang nằm vùng giá thấp cũng là yếu tố hấp dẫn đối với hoạt động M&A đang sôi động trong thời gian gần đây.
Ở chiều ngược lại, KTB là cổ phiếu sụt giảm đáng chú ý nhất trên HOSE với mức giảm 13.08%. Nằm trong nhóm ngành Khoáng sản, giá của KTB cũng đã được dòng tiền đầu cơ đẩy tăng đột biến trong thời gian qua; và không quá khó hiểu khi hoạt động chốt lời diễn ra mạnh mẽ trên cổ phiếu này.
Bên cạnh đó, việc anh của Chủ tịch HĐQT đăng ký bán toàn bộ 1.4 triệu cổ phiếu cũng có tác động không tích cực đến giao dịch của KTB.
Trên HNX, FLC là cổ phiếu giảm đáng chú ý nhất với mức giảm 14.01%. FLC đã tăng giá rất mạnh kể từ ngày niêm yết đầu tiên (05/10/2011) đến nay. Từ mức giá tham chiếu 12,500 đồng/cp, FLC hiện chốt tại mức 35,600 đồng (09/03/2012), mức giá cao nhất đạt được của FLC là 43,300 đồng (05/03/2012) tức đã tăng gần 3.46 lần. FLC trở thành cổ phiếu tăng mạnh nhất ngay cả trong bối cảnh thị trường sụt giảm. Điều này khiến cho áp lực chốt lời tăng mạnh ở cổ phiếu này là điều có thể hiểu được
FLC tăng mạnh có thể do việc sáp nhập FLC Land vào FLC, với tỷ lệ tương ứng 1:1.18. Việc sáp nhập sẽ tăng vốn điều lệ của FLC lên 771.8 tỷ đồng.
Điều này giúp kế hoạch kinh doanh năm 2012 của FLC được đặt ra hết sức hoành tráng. Trong đó, doanh thu dự kiến là 1,471 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 309 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 232 tỷ đồng và mức chi trả cổ tức dự kiến 15%.
Năm 2011, doanh thu của FLC đạt 131.8 tỷ đồng, gấp 4 lần năm 2010; lợi nhuận sau thuế 12.8 tỷ đồng, gấp 1.6 lần năm trước.
II. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN TUẦN QUA
Mùa báo cáo tài chính năm 2011 cũng như Đại hội đồng cổ đông thường niên của các doanh nghiệp đại chúng đã đến, Vietstock kính mời các nhà đầu tư và bạn đọc tham gia viết bài chia sẻ cùng cộng đồng về các đề tài sau:
- Những vấn đề nổi cộm, những con số đáng lưu ý trong kết quả kinh doanh trước và sau kiểm toán 2011 của doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp hay theo ngành
- Những bất cập, trăn trở của cổ đông, những vấn đề nóng hay góc khuất, câu chuyện vui buồn trong mùa Đại hội, về kết quả kinh doanh hay kế hoạch của doanh nghiệp
- Những khoảnh khắc hay gương lãnh đạo doanh nghiệp gây ấn tượng trong mùa Đại hội
Khuyến khích bài viết gửi kèm hình ảnh minh hoạ.
Những bài viết được đăng trên Vietstock.vn sẽ được trả nhuận bút.
Bài viết gửi về cho Ban Biên tập theo địa chỉ email sau:info@vietstock.vn.
Vui lòng gửi kèm thêm Họ tên – Địa chỉ - Số điện thoại – Email để chúng tôi tiện liên lạc và trao đổi. |
Phòng Nghiên cứu VIETSTOCK
FINFONET
|