Chứng khoán Mỹ sẽ tiếp tục tiến xa sau 3 năm phục hồi
Xu hướng giá lên của chứng khoán Mỹ chính thức bước sang năm thứ tư trong tuần này. Dù ba chỉ số chính đã tăng điểm ấn tượng so với đáy xác lập cách đây ba năm nhưng thị trường vẫn còn cơ hội tiến xa. Ông James Stack, Chủ tịch InvesTech Research, cho biết trong suốt 16 thị trường giá lên kể từ năm 1932, chỉ có 7 lần thị trường đạt được 4 năm tăng điểm liên tiếp.
* S&P 500 vượt 1,400 điểm lần đầu tiên từ cuộc khủng hoảng tín dụng năm 2008
|
Trong suốt 16 thị trường giá lên kể từ năm 1932, chỉ có 7 lần thị trường đạt được 4 năm tăng điểm liên tiếp. |
Sau khi chạm mức thấp nhất trong 12 năm vào tháng 3/2009, chứng khoán Mỹ bắt đầu phục hồi nhờ các gói kích thích nhưng giới chuyên gia cho rằng động lực cho đà tăng điểm hiện nay của thị trường chính là các yếu tố cơ bản khả quan, đặc biệt là lợi nhuận doanh nghiệp và định giá thấp.
Gary Thayer, Trưởng nhóm chiến lược vĩ mô của Wells Fargo Advisors cho biết mức phục hồi 100% sau 3 năm là một sự dịch chuyển rất mạnh vì trong vòng 65 năm qua, đà tăng bình quân của thị trường chỉ là 7%. Tuy nhiên, xu hướng giá lên hiện tại của thị trường bắt đầu từ các mức rất thấp và vẫn chưa trở lại các mức đỉnh trước khi xảy ra suy thoái.
Cụ thể, dù S&P 500 đang giao dịch ở các mức cao nhất kể từ tháng 6/2008 nhưng chỉ số này vẫn còn thấp hơn 14% so với mức cao mọi thời đại trên 1,500 điểm xác lập vào tháng 10/2007.
Bên cạnh đó, ông Thayer cho biết định giá của S&P 500 vẫn còn dưới mức trung bình. Theo ông, nếu định giá tăng lên trên mức trung bình và thị trường cũng đạt được đà phục hồi tương tự thì xu hướng giá lên có thể bị đe dọa.
Dù dự báo S&P 500 sẽ không thể sớm xác lập các mức đỉnh mới nhưng giới phân tích vẫn đưa ra các dự báo khá lạc quan.
Doug Cote, Trưởng nhóm chiến lược thị trường của ING Investment Management cho rằng: “Thị trường có thể tiếp tục tiến xa hơn nữa. Hiện chúng ta đã có được các biện pháp giải quyết khủng hoảng nợ châu Âu khá hiệu quả và có thể chú trọng đến sức mạnh tiềm ẩn của các yếu tố cơ bản”.
Theo ông, động lực thúc đẩy lớn nhất đối với thị trường chứng khoán chính là lợi nhuận doanh nghiệp lạc quan. Trong năm 2011, các doanh nghiệp S&P 500 đã đạt được mức lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay. Dù tốc độ tăng trưởng được dự báo có thể chậm lại trong thời gian tới nhưng lợi nhuận sẽ tiếp tục ở các mức cao kỷ lục.
Ông Cote cho rằng thị trường có thể tiếp tục đi xa hơn nữa trước khi bắt kịp với các yếu tố cơ bản. Theo đó, ông thích đầu tư vào nhóm cổ phiếu tiêu dùng thiết yếu vì cho rằng thị trường lao động sẽ tiếp tục cải thiện đáng kể với việc tỷ lệ thất nghiệp tháng 2 rớt xuống dưới 8% từ mức 8.3% trong tháng 2.
Dù vậy, không phải chuyên gia nào cũng lạc quan như Thayer và Cote.
Ông Bill Strazzullo từ Bell Curve Trading đang khuyến nghị khách hàng của mình nên giữ thái độ thận trọng. Ông nói: “Chúng tôi cũng đưa ra dự báo tương tự như tháng 4 năm ngoái, thời điểm thị trường đang ở các mức cao nhiều năm, vì tỷ lệ rủi ro/lợi nhuận không hợp lý. Hiện chúng ta đang trở lại các mức này”.
Dù vậy, ông cho rằng đà phục hồi vẫn chưa kết thúc nhưng có thể đang ở trong đợt tăng cuối cùng. Ông nói: “Đây là thời điểm bắt đầu cắt giảm đầu tư vào cổ phiếu”.
Strazzullo khuyến nghị khách hàng mua vào cổ phiếu của các công ty tiêu dùng cơ bản, dược phẩm và tiện ích. Đây chính là nhóm cổ phiếu phòng thủ thường đem lại lợi nhuận ổn định, cổ tức và tỷ suất sinh lời ngay cả trong giai đoạn bất ổn.
Ông nhận định: “Tình hình đã cải thiện trong vòng 6 tháng qua nhưng vẫn còn rất nhiều vấn đề phải vượt qua. Kinh tế Mỹ vẫn đang tăng trưởng với tốc độ khiêm tốn dù đã nhận được các gói kích thích trị giá hàng ngàn tỷ USD. Châu Âu đang suy thoái và bất ổn Trung Đông vẫn còn là một trở ngại lớn”.
Phước Phạm (Vietstock)
Finfonet
|