Xuất khẩu vào Campuchia khởi sắc
Quan hệ thương mại Việt Nam - Campuchia được thiết lập từ lâu, nhưng chỉ thực sự khởi sắc trong hai năm gần đây.
Kết quả ngoài mong đợi
Năm 2010, kim ngạch xuất, nhập khẩu (XNK) hai nước đạt 1,78 tỷ USD tăng 33,6% so với năm 2009, trong đó, Việt Nam XK sang Campuchia 1,5 tỷ USD tăng 31,17%, NK 270 triệu USD tăng 66,9%.
Năm 2011, kim ngạch XNK Việt Nam và Campuchia đạt gần 2,8 tỷ USD, tăng 55% so với năm 2010. Trong đó, XK của Việt Nam sang Campuchia đạt 2,4 tỷ USD, tăng 53% và NK 400 triệu USD tăng 61%. XK Điện thoại và linh kiện đạt 38,6 triệu USD, tăng trưởng cao nhất: 381% so với năm 2010; dây điện và dây cáp điện tăng 96%, đạt 16 triệu USD, chất dẻo nguyên liệu tăng 83%, đạt 11 triệu USD; sản phẩm từ chất dẻo đạt 81,6 triệu USD, tăng 37%. Xăng dầu, đồ dùng gia đình, thực phẩm, bánh kẹo và sản phẩm từ ngũ cốc, phân bón, giống cây trồng, máy cày, máy gieo lúa, sắt thép, xi măng, nguyên phụ liệu may mặc, giày dép.... cũng hấp dẫn.
Campuchia là một số những thị trường mà Việt Nam xuất siêu ngày càng tăng. Con số đó của năm 2010 là 1,3 tỷ USD, năm 2011 là 2 tỷ USD, góp phần làm hạ nhiệt nhập siêu của cả nước.
Yếu tố thành công
Kinh tế của Campuchia phục hồi sau ảnh hưởng của suy thoái kinh tế và khủng hoảng tài chính toàn cầu, khiến sức dung lượng thị trường ngày càng lớn
Hàng Việt Nam ngày càng cải thiện về chất lượng và giá cả, trong khi yêu cầu về chất lượng và kỹ thuật phù hợp với trình độ sản xuất của Việt Nam. Người tiêu dùng Campuchia đang chuyển hướng sang dùng sản phẩm, hàng hóa Việt Nam thay hàng Thái Lan. Gần đây, kim ngạch nhập hàng Việt Nam đã ngang với Thái Lan, bởi hàng Việt Nam có giá cả tương đối rẻ, nhưng chất lượng lại tương đương với hàng Thái Lan và ổn định hơn hàng Trung Quốc.
Xúc tiến thương mại (XTTM) nhộn nhịp. Hội chợ triển lãm hàng Việt Nam tổ chức thường niên tại Campuchia. Lãnh đạo các cấp, ngành trong dịp thăm và làm việc tại Campuchia thường có các DN cùng đi, ký kết các văn kiện hợp tác, thiết lập các mối giao thương, tạo điều kiện để các DN hoạt động.
Nhằm giúp các DN Việt Nam hiểu rõ tiềm năng thị trường, định hướng phát triển, bền vững, Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại đa biên giai đoạn III (EU - Việt Nam MUTRAP III) đã tổ chức đối thoại trực tuyến về thị trường Campuchia trên Cổng thông tin Thị trường nước ngoài
Giao thông thuận lợi cho cả hai bên, qua 10 tỉnh biên giới Việt Nam và 9 tỉnh biên giới Campuchia; 10 cửa khẩu quốc tế, nhiều cửa khẩu chính và cửa khẩu phụ; đường mòn, địa hình tương đối bằng phẳng cùng với mạng lưới kênh rạch, cung đường thêm gần; từ TP.HCM đến Phnôm Pênh chỉ 230km.
Kết quả đó minh chứng tình hữu nghị Vịệt Nam - Campuchia ngày càng nồng ấm.
Giải pháp
Không ngừng nâng cao chất lượng hàng hoá, để giữ gìn và quảng bá thương hiệu Việt, cạnh tranh với các khách hàng khác có mặt tại thị trường này.
Nắm vững thủ tục quản lý XNK của bạn, hợp lý hoá hệ thông giao nhận, vận chuyển hàng hoá..
Hợp tác với các DN Campuchia, nhất là trong khâu thanh toán qua ngân hàng, trả tiền tại khu vực cửa khẩu, tránh rủi ro.
Đẩy mạnh XTTM trên nhiều cấp độ, đa phương thức. Nâng cao chất lượng, hiệu quả các Hội chợ triển lãm của Việt Nam tổ chức tại Campuchia. Liên kết với các DN Việt kiều tại Campucghia thâm nhập các kênh phân phối.
Tăng cường xây dựng cơ sở vật chất cho hoạt động thương mại. Trước mắt xây dựng hệ thống cầu đường ra các cửa khẩu, trong đó có đường cao tốc Cần Thơ – An Giang – Phnôm Pênh, các cầu Vàm Cống, Cao Lãnh; sân bay An Giang, cửa khẩu Tịnh Biên, Vĩnh Xương, Khánh Bình, nâng cấp cảng biển quốc tế Mỹ Thới...
Phối hợp, ngăn chặn buôn lậu, hàng cấm, hàng giả nhằm giữ gìn uy tín thương hiệu hàng hoá của hai quốc gia./.
Nguyễn Duy Nghĩa
Điện tử Việt Nam
|