WGC: Nhu cầu vàng toàn cầu đạt kỷ lục trên 200 tỷ USD
(Vietstock) – Nhu cầu vàng toàn cầu chạm mức cao mọi thời đại trên 200 tỷ USD trong năm 2011 khi nhu cầu của châu Âu, Ấn Độ và Trung Quốc tăng vọt.
* WGC: Trung Quốc có thể trở thành thị trường vàng lớn nhất thế giới 2012
Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), tổng nhu cầu vàng trên toàn thế giới tăng lên 4,067 tấn, trị giá khoảng 206 tỷ USD, đánh dấu lần đầu tiên nhu cầu vàng vượt mốc 200 tỷ USD.
Đức và Thụy Sỹ là hai nước có nhu cầu vàng nhiều nhất tại châu Âu do sự leo thang của cuộc khủng hoảng nợ và lực mua vào tài sản trú ẩn an toàn của nhà đầu tư.
Dù nhu cầu vàng trên thị trường trang sức cũng khá khả quan nhưng nhu cầu vàng trên thị trường đầu tư còn cao hơn với mức tăng 5% so với năm 2010 lên 1,640.7 tấn.
Ấn Độ tiếp tục là nước bán được nhiều vàng nhất bất chấp sự suy yếu gần đây của đồng rupi với khoảng 500 tấn vàng trang sức được bán ra trong năm 2011. Trong khi đó, tổng nhu cầu vàng của nước này giảm 7% xuống 933.4 tấn.
Đáng chú ý, nhu cầu vàng của Trung Quốc tăng vọt 20% lên 769.8 tấn và khiến WGC dự báo rằng Trung Quốc sẽ là quốc gia mua vàng nhiều nhất trên thế giới trong năm tới.
Các ngân hàng trung ương cũng tăng cường mua vào vàng từ mức 77 tấn trong năm 2010 lên 440 tấn trong năm 2011 do mối lo lắng ngày càng sâu sắc về nguy cơ suy thoái kép toàn cầu.
Ông Marcus Grubb, Giám đốc Đầu tư của WGC cho biết trong thông báo: “Có hai nhân tố chính dẫn đến kết quả trên, một là sự tăng trưởng của châu Á và niềm lạc quan và hai là nhu cầu bảo vệ tài sản của người phương Tây trước những bất ổn”.
Ông cho biết thêm riêng tại châu Á, sự gia tăng của nhu cầu vàng tại Trung Quốc đã thúc đẩy số liệu chung và xu hướng sẽ tiếp tục kéo dài trong năm tới. Theo ông, nhiều khả năng lần đầu tiên Trung Quốc sẽ trở thành thị trường vàng lớn nhất thế giới trong năm 2012.
Được biết, giá vàng lập kỷ lục tại mức 1,920.30 USD/oz vào tháng 9/2011 do nỗi lo sợ về sự lây lan của cuộc khủng hoảng nợ Eurozone. Tính cả năm, kim loại quý tăng 10%, đánh dấu năm tăng giá thứ 11 liên tiếp.
Phước Phạm (Theo CNBC)
|