Thứ Tư, 15/02/2012 08:11

'Vật vã' tiêu thụ đường

Các nhà thương mại không mua vào, các nhà máy đường lại ồ ạt bán ra,… trong khi thị trường tiêu thụ trong nước đang ở mức thấp khiến giá đường liên tục sụt giảm trong thời gian gần đây.

Hiện giá đường RS trong nước đang ở mức 16.500 - 17.400 đồng/kg tại nhà máy, đã giảm hơn 2.000 đồng/kg so với cùng thời điểm năm ngoái.

Tìm mọi cách tháo hàng

Theo Bộ NN-PTNT, đến trung tuần tháng 1, toàn bộ 38 nhà máy đường của cả nước đã đi vào sản xuất. Lượng đường đã ép được từ đầu vụ đến nay đạt 461.100 tấn, tăng 48.000 tấn so với cùng kỳ năm trước. Tính đến ngày 15/1, lượng đường tồn kho ở mức 151.000 tấn, cao hơn khoảng 5.600 tấn so với cùng kỳ năm trước. Tại ĐBSCL, vùng mía nguyên liệu chỉ còn ở Trà Vinh, Sóc Trăng, một phần diện tích ở Bến Tre và Long An. Theo tính toán của Hiệp hội mía đường Việt Nam, đến cuối tháng 3 hoặc đầu tháng 4/2012, niên vụ mía đường 2011 - 2012 tại ĐBSCL sẽ kết thúc.

Lượng đường tồn kho trong vòng một tháng qua của các nhà máy đường ở khu vực này là rất lớn. Ông Trịnh Minh Châu, Giám đốc Công ty CP mía đường Sóc Trăng, cho biết, trước áp lực của lãi suất ngân hàng, lại rơi vào cao điểm sản xuất, lượng đường tồn nhiều nên nhiều nhà máy đã ồ ạt bán ra với giá thấp để xoay sở nguồn vốn trả tiền mua mía của nông dân. Ông Châu khẳng định, hiện các nhà máy đường đều tồn kho, giá bán đường tại một số nhà máy ở ĐBSCL chỉ là 16.500 - 16.700/kg.

Với giá bán hiện nay, nhiều nhà máy đường đang lỗ do giá thành sản xuất ở khu vực ĐBSCL cao hơn, hiện giá thành sản xuất 1kg đường ở mức 15.500 - 16.000 đồng (chưa thuế) chưa kể phí lưu kho, lãi suất ngân hàng… Hơn nữa, mỗi kg đường lưu kho mỗi tháng phải tốn thêm hơn 200 đồng, với diễn biến thị trường như hiện nay, doanh nghiệp trong nước tạm trữ không được hỗ trợ lãi suất thì rủi ro rất cao. “Một tháng mỗi kg đường dự trữ tăng thêm 240 - 250 đồng, 3 - 4 tháng mất cả ngàn đồng, mà chưa chắc đường tăng giá nên nhà máy đường sợ mới hạ giá để bán ra”, ông Châu cho hay.

So với lúc các nhà máy đường trong nước vào niên vụ mới, thì giá đường thế giới cũng đã giảm hơn 100 USD/tấn, hiện ở mức 600 USD/tấn. Không những thế, giá đường trong nước còn bị tác động mạnh do lượng đường nhập lậu từ biên giới Tây Nam hàng ngày vẫn được tuồn vào nội địa. Giá đường lậu bán quá thấp, khoảng 16.000 đồng/kg tại Châu Đốc (An Giang) khiến đường trong nước không thể cạnh tranh giá. Trong khi đó, theo ông Nguyễn Thành Long, Tổng giám đốc Công ty CP mía đường Cần Thơ (CASUCO) - Chủ tịch Hiệp hội mía đường Việt Nam, nguyên nhân khiến giá đường trong nước giảm liên tục trong thời gian gần đây, ngoài các lý do trên thì tác động chính là do các nhà thương mại không mua đường dự trữ. Kể cả những nhà chế biến dùng đường làm nguyên liệu, họ cũng không mua trước. Do vậy mà các nhà máy đường hiện nay đang “ôm hàng”, không chịu nổi lãi suất ngân hàng, rồi áp lực kho chứa, hạn mức tín dụng nên các tranh nhau bán ra. Mà  nhiều người tranh nhau đẩy ra trong khi thị trường “không ăn” thì giá tuột.

Tiếp tục kiến nghị xuất đường

Theo Hiệp hội mía đường Việt Nam, sản lượng đường của niên vụ  2011 - 2012 dự kiến trên 1,4 triệu tấn, tăng hơn 250.000 tấn so với niên vụ 2010 - 2011, niên vụ vừa rồi cả nước thừa 100.000 tấn. Đầu vụ 2011 - 2012 vẫn còn 100.000 tấn của vụ trước chuyển sang và 250.000 tấn vượt hơn năm ngoái là sức ép đầu ra rất nặng nề đối với doanh nghiệp mía đường hiện nay, nếu không được hỗ trợ.

Ông Nguyễn Thành Long cho biết trước Tết, Hiệp hội đã xin xuất khẩu 40.000 tấn, nhưng xuất khẩu chậm chạp nên chỉ được 15.000 tấn, còn 25.000 tấn mới xin gia hạn. Nhưng áp lực thừa quá lớn nên  mới đây, Hiệp hội mía đường cũng đã gửi văn bản đến Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT cho phép tiếp tục xuất khẩu 250.000 tấn trong niên vụ 2011- 2012.

Theo ông Long, xuất khẩu trong lúc thị trường thừa và nhập khi thiếu là điều hết sức bình thường. Hiện thị trường chủ yếu xuất sang Trung Quốc nên gặp nhiều khó khăn, thủ tục rườm rà, xuất khẩu chậm. Hiện nay, nhà máy đường nào còn sức chịu đựng thì tiếp tục sản xuất, còn không thì chạy cầm chừng. Một số nhà máy nằm trong diện lỗ. Ông Long cho rằng, phải đến hết tháng 5.2012, khi hết mua mía thì lúc đó nhà máy đường mới nhẹ đi một chút. Còn bây giờ mỗi ngày vẫn phải chi hàng tỷ đồng để mua mía của nông dân, phải mua với giá ổn định nhằm đảm bảo lợi nhuận cho người trồng mía. Còn ông Trịnh Minh Châu mong muốn được vay vốn tạm trữ để nhà máy hạn chế bán ra, khiến giá đường xuống thấp, đến khoảng tháng 8-9/2012, khi thị trường bình ổn hơn sẽ bán ra.

Trung Dân

đất việt

Các tin tức khác

>   Xuất khẩu lúa mì từ Australia dự kiến ở mức kỷ lục (15/02/2012)

>   Hiệp hội tiêu khuyến cáo doanh nghiệp cẩn thận (14/02/2012)

>   Đồng bằng sông Cửu Long xuất 290.000 tấn gạo (14/02/2012)

>   Khách hàng quốc tế chờ đợi Việt Nam thu hoạch hồ tiêu (14/02/2012)

>   Mức cộng giá cà phê Việt Nam sẽ giảm (14/02/2012)

>   Thị trường hạt điều còn lình xình trong quí 1 (14/02/2012)

>   Cao su kỳ hạn Tokyo cao hơn, mức tăng bị hạn chế (14/02/2012)

>   Lúa mì giảm mạnh nhất trong 4 tuần (14/02/2012)

>   Triển vọng sáng sủa cho ngành hạt tiêu (13/02/2012)

>   Cơ chế quản lý mía đường quá lạc hậu (13/02/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật