Thứ Sáu, 03/02/2012 18:50

Tương lai ảm đạm của nền kinh tế Bỉ

Năm mới 2012 vừa bắt đầu, nhưng nước Bỉ đã liên tiếp đón nhận những tin tức không mấy tốt lành: Nền kinh tế Bỉ lại chính thức rơi vào đợt suy giảm lần hai; Bỉ là chính phủ đầu tiên trong Liên minh châu Âu (EU) bị buộc phải có hành động khẩn cấp để điều chỉnh ngân sách tài khóa 2012, nếu không sẽ phải nộp phạt hàng trăm triệu euro; và một số thay đổi tác động đến cuộc sống hàng ngày của người dân nước này như một loạt các loại thuế, giá vé các phương tiện công cộng, cùng với giá bia và thuốc lá sẽ tăng.

Tất cả những điều này cũng đang tác động tới tâm lý của người dân Bỉ và trong tháng đầu tiên của năM, lòng tin của giới tiêu dùng tại Bỉ đã giảm xuống mức thấp nhất trong 2 năm rưỡi qua. Sự bất mãn của họ với các biện pháp thắt lưng buộc bụng của chính phủ khiến các phúc lợi xã hội bị cắt giảm được thể hiện qua những cuộc bãi công do các nghiệp đoàn lớn tại Bỉ khởi xướng. Chỉ trong vòng 1 tháng đã diễn ra hai cuộc đình công lớn, khiến giao thông và các ngành dịch vụ tại Bỉ hầu như tê liệt. Thậm chí, cuộc tổng đình công vào đúng ngày diễn ra một hội nghị thượng đỉnh quan trọng của EU, ngày 30/1 vừa qua, còn là cuộc tổng bãi công lớn nhất tại Bỉ trong vòng 19 năm qua.

Ngày 1/2, Ngân hàng trung ương Bỉ công bố những số liệu chính thức đã được điều chỉnh cho thấy, Bỉ là nước thành viên đầu tiên của khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) rơi vào tình trạng suy giảm kinh tế trong quý IV/2011, với mức giảm 0,2% tổng sản lượng quốc nội (GDP). Trong quý III cùng năm, mức suy giảm GDP của Bỉ là 0,1%. Với hai quý liên tiếp có mức tăng trưởng âm, Bỉ đã đứng vào hàng ngũ của Bồ Đào Nha và Hy Lạp vì có ít nhất 2 quý liên tiếp GDP sụt giảm.

Mức giảm 0,2% GDP của Bỉ diễn ra đúng vào thời kỳ 3 tháng cuối năm có nhiều biến động cả về chính trị và kinh tế: chỉ định được một chính phủ mới sau 18 tháng bế tắc chính trị, quốc hữu hóa ngân hàng Dexia Bank Belgium và bị hạ mức xếp hạng tín dụng từ mức xếp hạng “vàng” AAA+.

Các nhà kinh tế cho rằng, cuộc khủng hoảng nợ của Eurozone là nhân tố chính đằng sau những chỉ số ảm đạm này của Vương quốc Bỉ. Peter Vanden Houte, nhà kinh tế của ngân hàng ING nhận xét: “Điều này không nhất thiết chỉ liên quan tới Bỉ. Tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu và đặc biệt trong Eurozone đang tác động tới Bỉ theo cách Bỉ là một nước xuất khẩu.

Mức tăng trưởng kinh tế của Bỉ được dự đóan đạt 1,9% trong cả năm 2011, song giờ đây những số liệu về mức tăng trưởng dương trong 2 quý đầu năm 2011 dường như đã phần nào bị thổi phồng. Trên thực tế, việc nền kinh tế Bỉ rơi vào tình trạng suy giảm không có gì đáng ngạc nhiên vì Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cảnh báo về điều này. IMF cũng không mấy lạc quan về triển vọng nền kinh tế của Bỉ trong năm nay với mức dự đoán tăng trưởng 0%, thậm chí còn dự báo một sự hồi phục hạn chế trong năm 2013.

Mối lo ngại về một cuộc suy thoái kinh tế ở Bỉ được cho là còn quá sớm. Trong tuần qua, chính phủ Bỉ đã gấp rút tìm cách cắt giảm hơn 1 tỷ euro chi tiêu công trong năm 2012 nếu không vi phạm những quy định tài chính mới của EU nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng nợ ở Eurozone.

Ủy ban châu Âu đặt thời hạn cho chính phủ Bỉ phải có được một ngân sách 2012 đã cắt giảm từ 1,2 đến 2 tỷ euro chậm nhất vào sáng 30/1, hoặc sẽ phải nộp một khỏan phạt hàng trăm triệu euro. Đây là lần đầu tiên một chính phủ thành viên EU bị buộc phải điều chỉnh gấp ngân sách để tránh một khoản phạt lớn do vi phạm các nguyên tắc ngân sách của EU, theo một cơ chế các biện pháp trừng phạt bán tự động được thông qua hồi tháng 12/2011 để ngăn chặn việc phải dùng đến biện pháp cứu trợ trong tương lai.

Tuy nhiên, hãy cùng chờ xem điều gì sẽ tới với đất nước được coi là “Trái tim châu Âu” – nơi đóng trụ sở chính của EU và NATO khi mà Vua Bỉ Albert II trong buổi tiếp tân đầu Năm mới đã khẳng định với các bộ trưởng trong chính phủ rằng: “Khủng hoảng kinh tế là một cơ hội”.

Thái Vân (P/v TTXVN tại Bỉ)

Báo tin tức

Các tin tức khác

>   USD hồi phục so với đồng euro ở thị trường châu Á (03/02/2012)

>   Sự trỗi dậy của E7 làm thay đổi kinh tế toàn cầu (03/02/2012)

>   Ai thiệt hại nặng nếu Bồ Đào Nha vỡ nợ? (03/02/2012)

>   Đàm phán giảm nợ công cho Hy Lạp gặp khó khăn (03/02/2012)

>   Ngân hàng Barclays của Anh cắt giảm 30% lương (03/02/2012)

>   Malaysia và Thái Lan hợp tác quản lý thanh khoản (03/02/2012)

>   Eurozone đối phó với tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục (03/02/2012)

>   Thâm hụt ngân sách của Mỹ đã vượt quá giới hạn (03/02/2012)

>   Sony lỗ năm thứ 4 liên tiếp, Hitachi giảm lợi nhuận (02/02/2012)

>   Qualcomm thông báo doanh thu đạt mức kỷ lục (02/02/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật