SJS - Mùa đại hội căng thẳng
Tình hình kinh doanh sụt giảm cộng với những tranh chấp về vị trí lãnh đạo chính là yếu tố để có thể đưa ra dự báo về những căng thẳng trong kỳ ĐHCĐ năm 2012 của CTCP Đầu tư phát triển đô thị và KCN Sông Đà (HOSE: SJS) sẽ được tổ chức vào tháng 4 sắp tới.
“Đóng băng” theo bất động sản
SJS vừa công bố kết quả kinh doanh của công ty mẹ năm 2011. Trong đó doanh thu đạt 112,1 tỷ đồng (giảm 88,9% so với cùng kỳ); lợi nhuận âm 46,2 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức lãi của năm 2010 là 456 tỷ đồng (tương đương mức giảm 110%).
Nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm này do doanh thu từ bất động sản trong năm 2011 giảm mạnh. Nếu trong năm 2010, doanh thu từ bất động sản đạt 992,5 tỷ đồng và đóng góp 99% tổng doanh thu, thì doanh thu từ bất động sản trong năm 2011 giảm xuống chỉ còn 89,1 tỷ đồng (giảm 91% so với cùng kỳ) và đóng góp 73,5% tổng doanh thu.
Ngoài ra, gánh nặng tài chính cũng là yếu tố khiến SJS thua lỗ. Theo thống kê, chỉ riêng trong quý IV-2011, SJS phải bỏ ra hơn 57 tỷ đồng cho các chi phí tài chính.
Đến thời điểm hiện tại, SJS vẫn chưa công bố kết quả kinh doanh hợp nhất, nhưng theo dự báo của CTCK TPHCM, doanh thu hợp nhất 2011 của SJS ước đạt 109,7 tỷ đồng (giảm 89,2% so với cùng kỳ) và mức thua lỗ sẽ lên thành 68,9 tỷ đồng (giảm 115% so với cùng kỳ).
Đây là con số ước tính dựa trên kết quả kinh doanh quý III-2011 của SJS chỉ đạt 67,2 tỷ đồng (giảm 93,2% so với cùng kỳ năm trước), trong khi doanh thu quý IV sẽ không ghi nhận thêm doanh thu bất động sản.
Lẽ ra, SJS sẽ thoát lỗ trong năm 2011 do được ghi nhận con số doanh thu khoảng 700 tỷ đồng từ dự án Khu nhà ở Văn La-Văn Khê và Nam An Khánh, nhưng bị chậm trễ ở khâu xây dựng cơ sở hạ tầng. Sự chậm trễ trong việc hoàn thành phần cơ sở hạ tầng nói trên do SJS thiếu vốn trong bối cảnh doanh nghiệp này có dòng tiền yếu và tỷ lệ nợ cao.
Điều đáng nói là trong 2 năm qua, SJS đã không có thêm doanh thu mới mà chỉ đơn thuần ghi nhận doanh thu từ các dự dán đã khai thác từ những năm trước đó. Cụ thể, doanh thu bất động sản năm 2010 của công ty mẹ được ghi nhận từ doanh thu của các năm trước từ dự án Nam An Khánh, còn trong năm 2011 được ghi nhận từ doanh thu của các năm trước như Mỹ Đình, Mễ Trì và Trần Hưng Đạo.
Tương lai bỏ ngỏ
Hoạt động kinh doanh xuống thấp cũng chính là nguyên nhân dẫn đến một vấn để nổi cộm khác là sự tranh chấp ghế lãnh đạo giữa các thành viên điều hành cao cấp của SJS và Tập đoàn Sông Đà (hiện nắm 36% cổ phần của SJS). Vấn đề này đã nổi lên trong nửa cuối năm 2011 nhưng vẫn chưa có hướng giải quyết khiến cho các hoạt động đã khó nay càng khó hơn.
|
Phối cảnh dự án Nam An Khánh của SJS. |
Thay vì tập trung tìm giải pháp để thoát khỏi khó khăn thì lãnh đạo doanh nghiệp phải “vắt óc” tìm cách đối phó các cổ đông mẹ. Nếu cho rằng, SJS đang “đóng băng” từ đầu năm 2012 đến tháng 4 (thời điểm tổ chức ĐHCĐ) cũng không là điều thái quá.
Do đó, khả năng SJS hoàn thành kế hoạch năm 2012 không dễ dàng. Dự báo, doanh thu năm 2012 của SJS sẽ đạt 718,7 tỷ đồng và lợi nhuận thuần đạt 51,7 tỷ đồng (tăng trưởng 175%). Cũng như năm ngoái, ngoài những dự án đã kể trên SJS sẽ không ghi nhận thêm doanh thu từ các dự án mới trong năm 2012.
Thay vào đó, SJS sẽ tập trung hoàn thành cơ sở hạ tầng của các dự án những năm trước để có thể ghi nhận doanh thu lợi nhuận nhằm đáp ứng đủ nhu cầu vốn để thanh toán lãi và gốc vay.
Nếu đạt được kết quả này, EPS dự phóng năm 2012 đạt 522 đồng/CP. Tại mức giá trong phiên giao dịch cuối tuần trước là 23.600 đồng/CP, SJS có P/E dự phóng năm 2012 đạt 46x và P/B là 2,2x. Việc CP SJS có P/E quá cao cũng là bằng chứng cho thấy mức độ hiệu quả sử dụng tài sản của doanh nghiệp thấp.
Tuy nhiên, có một điều gần như chắc chắn là ĐHCĐ sắp tới của SJS sẽ không hề bình lặng như những năm trước. Những vấn đề đang tồn tại nhiều khả năng sẽ có dịp bùng phát ngay tại ĐHCĐ và kịch bản tốt đẹp hơn cho SJS sau cuộc họp này vẫn là câu hỏi chưa có lời giải nếu các bên tranh chấp không thật sự thành tâm vì doanh nghiệp.
Hải Hồ
SÀI GÒN ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH
|