Thứ Bảy, 25/02/2012 10:23

Nhìn thẳng vào vấn đề đất đai

Càng để vấn đề đất đai dây dưa như hiện nay, cả nước phải tiếp tục tiêu tốn một khối lượng thời gian và chi phí rất lớn để giải quyết những tranh chấp kéo dài triền miên, mà đáng lẽ ta có thể dành thời gian và tiền của ấy vào việc phát triển đất nước.

Trong những khiếu kiện về đất đai, chiếm 70 - 80% tổng số các khiếu kiện, cuối cùng rồi phần thiệt thòi vẫn thuộc về người dân, vì Luật Đất đai hiện tại đã được thiết kế với nhiều lỗ hổng khiến các viên chức nhà nước có cơ hội lạm dụng và tham nhũng. Lý do mấu chốt nhất là khái niệm “đất đai thuộc sở hữu toàn dân”, mà mỗi người dân thoạt nghe đều rất khoái, nhưng suy ra thì không có mình trong cái “toàn dân” ấy.

Nguyên nhân chính gây nên những bất ổn về đất đai

Tôi còn nhớ thuở làm đại biểu Quốc hội, sau khi thành công trong việc tạo sự kiện thực tế để trung ương có căn cứ ban hành chính sách “Khoán 100” một thời gian thì tiếp đến phải tham gia ý kiến xây dựng Luật Đất đai đầu tiên năm 1987. Mục tiêu chủ yếu lúc đó là để chặn đứng sự lạm quyền của các viên chức xã, huyện tự ý lấy đất khoán của nông dân đã đầu tư sửa sang thật tốt để giao lại cho người khác, buộc nông dân này nhận miếng đất khoán khác chưa được sửa sang gì. Sau hai ba lần bị thay đổi đất khoán, nông dân không ai còn muốn đầu tư vào mảnh đất khoán một vụ của mình cả. Sản lượng lúa cả nước không còn tăng nữa. Kết quả là Luật Đất đai 1987 ra đời với “Khoán 10” đã khiến sản lượng lúa năm 1989 tăng cao chưa từng thấy và VN bắt đầu xuất khẩu gạo từ quý 4/1989.

Bản thân tôi thấy Luật Đất đai 1987 chỉ là giải pháp tình thế chứ không phải là một giải pháp hợp đạo lý xã hội VN. Quả đúng như thế. Vì Luật Đất đai 1987 chưa phù hợp đạo lý nên phải được sửa lại lần 1 vào năm 1993, sửa đổi lần 2 năm 1998, sửa đổi lần 3 năm 2001, lần 4 năm 2003, lần 5 năm 2009, và năm 2012 Nhà nước đang chuẩn bị đưa ra Quốc hội sửa đổi lần 6. Những tốn kém sức người và kinh phí một cách lãng phí nếu lần sửa đổi này cũng lại đưa ra những điều khoản bằng những câu văn hoa mỹ nhưng vẫn chưa đi vào thực tế phù hợp xã hội VN, để tiếp tục tạo cơ hội cho lạm dụng và tham nhũng. Vì vậy, đã đến lúc xây dựng bộ luật mới về đất đai.

Những cuộc kiện cáo, khiếu nại, xô xát lẫn nhau vì đất đai từ khi hòa bình lặp lại đến giờ, phần lớn đều do khái niệm “đất đai thuộc sở hữu toàn dân”. Khi Quốc hội thảo luận dự án Luật Đất đai năm 1987, tôi đã nêu lên chính sách ruộng đất của nước ta từ thời Lê sơ, bắt đầu từ vua Lê Thái Tổ và kế đến là Lê Thánh Tông, được ghi trong Bộ luật Hồng Đức từ năm 1483 lưu truyền đến thế kỷ 18.

Từ cuối thế kỷ 15, Bộ luật Hồng Đức đã công nhận ba loại chủ sở hữu đất đai, đó là chính nhà vua, quan chức cai quản làng xã, và người tư nhân cá thể, hoàn toàn không có khái niệm “sở hữu toàn dân”.

Hiến pháp 1959 của nước VN Dân chủ Cộng hòa vẫn kế thừa đạo lý xã hội VN, đã thừa nhận “bảo hộ quyền sở hữu về ruộng đất và các tư liệu sản xuất khác của nông dân” (điều 14) và chỉ coi “đất hoang” mới thuộc sở hữu toàn dân (điều 12). Khi Quốc hội thảo luận xây dựng Hiến pháp 1980 và sau này Hiến pháp 1992 kế thừa thì đất đai được tuyên bố là tài sản thuộc sở hữu toàn dân, các ý kiến trái lại xem xét theo Hiến pháp 1959 đều không được chấp nhận.

Khái niệm “đất đai thuộc sở hữu toàn dân” trong Luật Đất đai 1987-2009 đã tạo kẽ hở cho tham nhũng, lạm dụng chiếm hữu đất đai của dân. Hàng trăm nông trường, lâm trường đã được thiết lập trên đất công nhưng cũng không ít nông trường xây dựng trên đất của dân, gây nên tranh chấp cho đến ngày nay. Nhiều nông trường và lâm trường làm ăn thua lỗ, gây tổn phí cho ngân sách quốc gia, đã bị bỏ hoang. Nhiều DN tư nhân thấy thế, bèn đến xin khai thác, bỏ vốn đầu tư lập thành trang trại sản xuất cây trồng vật nuôi, biến đất bỏ hoang cỏ ngập đến đầu thành nông trang hiện đại. Đến lúc đó chủ trang trại bị dọa là đất trang trại của họ sắp bị tịch thu vì Luật Đất đai không cho cá nhân tích tụ ruộng đất quá 3 héc ta trong khi phần lớn trang trại tư nhân ít nhất 10-100 héc ta, thậm chí có trang trại cao su lên đến 650 héc ta. Ngày 25/7/1999, chúng tôi cùng một số cơ quan báo chí khu vực phía Nam đã hội thảo bàn về vai trò của trang trại trong phát triển nông nghiệp VN vừa sản xuất hàng hóa cho xã hội, vừa tham gia công cuộc xóa đói giảm nghèo bằng cách đầu tư, sử dụng và quản lý đất đai hữu hiệu. Sau đó Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, rồi Bộ trưởng Lê Huy Ngọ vào Nam, đi xác định vị trí kinh tế của hình thức trang trại, đã chấp nhận cho ra đời một chính sách mới ngoại lệ với Luật Đất đai là các cá nhân có quyền mướn thêm đất ngoài phần đất định mức đã được giao để đầu tư xây dựng trang trại, đất của trang trại được Nhà nước bảo hộ, không bị tịch thu hoặc quốc hữu hóa. Nhờ thế phong trào trang trại như nở hoa.

Từ ngữ không phản ánh đúng bản chất

Nhưng những người “chủ trang trại” cũng như những người “chủ ruộng vườn” vẫn chưa hết lòng đầu tư cho phần đất được Nhà nước giao vì họ vẫn thấp thỏm sợ một ngày không ngờ sẽ bị tước đi mọi đầu tư của mình trên khu đất này. Họ sợ khái niệm “đất đai thuộc sở hữu toàn dân”.

Ở miền Nam, ở một số địa phương nơi những người Nam tiến bước chân đến khai hoang lập nghiệp như ở vùng Sài Gòn, và các tỉnh xung quanh Đồng Nai, Bình Phước, Bình Dương, Long An, Tiền Giang... người chủ đất đã trối trăn cho con cháu phải chôn mình ngay trên đất hương hỏa để giữ đất tổ tiên, chứ đừng chôn nơi nghĩa địa. Sự gắn bó với đất đai của tổ tiên mãnh liệt như thế, cho nên khi Nhà nước tước đi quyền sở hữu đất đai của nông dân, thì trong xã hội, nhất là ở miền Nam, đã ngấm ngầm một sự bất bình.

Người dân phải giao dịch với nhau bằng những cụm từ không phản ánh đúng bản chất giao dịch, thí dụ thay vì coi sổ đỏ “Quyền sử dụng đất” thì dùng nó như “Bằng khoán đất” đem đi thế chấp khi mượn tiền của một cá nhân hay của ngân hàng; mua bán đất thì cũng đem sổ đỏ “Quyền sử dụng đất” giao cho người mua, gọi là chuyển quyền sử dụng đất. Kiểu giao dịch qua sổ đỏ như thế này gây nhiều trở ngại đối với đầu tư nước ngoài.

Tuy vậy, vì muốn thu hút đầu tư nước ngoài nên chúng ta đã có những quy định thiếu công bằng. Người nước ngoài không bị khống chế diện tích trong khi người VN phải theo luật không được tích tụ trên 3 héc ta/người. Thời gian thuê đất của người nước ngoài có thể đến 50 năm.

Tuy nhiên, trong thực tế vì nhu cầu phát triển, những người nông dân có tay nghề quản lý kinh doanh giỏi đều không chịu bó tay với luật. Từ tiền lãi thu về sau mỗi vụ lúa, họ mua đất thêm bằng cách dàn xếp với mỗi chủ sổ đỏ đứng tên giùm mình. Và phần lớn những người chủ sổ đỏ của mảnh đất 1-2 hécta sau khi bán đất cho chủ mới, được thu dụng làm công cho chủ mới, không bận tâm lo tiền cày cấy, mua giống, mua thuốc, mua phân, bơm nước. Mọi thứ “nát óc” cho 1-2 hécta trước đây đều có ông chủ mới lo một cách chu toàn cho cả đồn điền lớn của họ.

Tính ra những người chủ đất nhỏ khi làm công cho chủ đồn điền lớn đều được hưởng lợi đầy đủ hơn khi tự mình lo sản xuất như trước kia. Hiện nay trên ĐBSCL đã có hàng trăm đại gia đồn điền lúa điển hình thành công lớn như anh Sáu Đức (Nguyễn Lợi Đức) ở Lương An Trà, Tri Tôn, An Giang; anh Hùng và chị Hạnh (Lê Thị Hạnh) ở Thoại Sơn, An Giang... Anh Ba Hạo (Đỗ Hữu Hạo) ở Hòn Đất, Kiên Giang, có 55 héc ta chuyên trồng khoai lang xuất khẩu sang Nhật Bản. Các đại gia sản xuất lúa có trong tay vài trăm hécta đất nhưng không muốn công bố rộng rãi, vì họ không biết số phận ra sao khi năm 2013 sắp đến Nhà nước sẽ thu hồi đất lại chăng? Chắc chắn nếu Luật Đất đai sửa đổi tới đây không thay đổi gì về hạn điền và sở hữu tư nhân về đất đai, Nhà nước đến hạn thu hồi lại đất vào năm 2013 sẽ có một sự khủng hoảng lớn sẽ xảy ra, sản xuất lúa chắc chắn sẽ bị chững lại!

Mâu thuẫn chính sách: Hạn điền và cơ cấu kinh tế

Đảng và Nhà nước nhận thức được rằng sự phát triển của các quốc gia tiên tiến đều tiến theo hướng chuyển đổi cơ cấu kinh tế giảm dần tỉ lệ khu vực nông nghiệp để chuyển sang khu vực công nghiệp và dịch vụ. Do đó chiến lược của VN cũng phải như thế. Ngày nay ở các nước tiên tiến khu vực nông nghiệp chỉ còn khoảng 10% lao động, thậm chí ở Hà Lan chỉ còn 2,5% lao động. Khi khu vực công nghiệp và dịch vụ phát triển, họ sẽ thu hút lao động vào các khu vực ấy. Dĩ nhiên Luật Đất đai của họ cũng phải theo hướng ấy, tức là không còn hạn điền nữa. Trong khi đó, Luật Đất đai của ta bắt buộc người lao động VN phải dàn đều mỗi người 3 hécta đất khắp nước thì làm sao thu nhỏ lại được tỉ lệ 75% lao động nông nghiệp hiện nay?

Hai vấn đề mấu chốt của Luật Đất đai cần sửa đổi ngay: bỏ hạn điền 3 héc ta” và công nhận “sở hữu tư nhân” về đất đai.

Hai vấn đề mấu chốt của Luật Đất đai cần sửa đổi ngay: bỏ “hạn điền 3 hécta” và công nhận “sở hữu tư nhân” về đất đai. Cái được lớn nhất là các viên chức địa phương và trung ương sẽ ít có cơ hội tham nhũng, lạm dụng chức quyền đối với vấn đề đất đai của nhân dân. Nhà nước vẫn có thể sòng phẳng với nhân dân khi cần trưng dụng đất đai cho các mục tiêu quốc phòng, làm đường sá, xây công trình công cộng, xây dựng đô thị, xây khu công nghiệp... Khi phải trưng dụng đất của dân đang canh tác, Nhà nước sẽ sử dụng phần đất công của mình để tạo lập một vùng canh tác mới có đủ cấu trúc hạ tầng để đổi lại cho nông dân như kiểu thành lập những đồn điền dầu cọ FELDA của Malaysia.

Nhưng bù lại chúng ta sẽ được nhiều cái lợi. Thứ nhất là yên lòng nhân dân, làm dân tin tưởng vào sự sáng suốt của Đảng, Nhà nước và Quốc hội; phát triển sản xuất sẽ tăng gấp nhiều lần vì có sự đầu tư thật sự vào đất của mỗi hộ gia đình, và tiến tới thực hiện thành công chiến lược phát triển kinh tế đất nước. Thứ hai là, Nhà nước từ trung ương xuống đến địa phương sẽ không còn phải tốn công sức để xử các khiếu kiện về đất đai, dành thời giờ để lo sản xuất, phát triển kinh tế đất nước.

GS Võ Tòng Xuân

Diễn đàn doanh nghiệp

Các tin tức khác

>   Cửa ra cho bất động sản: Túm ông “trọc đầu” (24/02/2012)

>   Becamex IDC xây hơn 64.700 căn hộ nhà ở xã hội tại Bình Dương (24/02/2012)

>   Liên tục khất giao căn hộ chung cư (23/02/2012)

>   Bất động sản: Cơ hội - nguồn vốn sẽ đến từ đâu? (23/02/2012)

>   Thị trường BĐS đóng băng: Hệ quả phát triển lệch (23/02/2012)

>   Dự án bất động sản đã trượt giá hơn 50% (23/02/2012)

>   3 năm nữa mới hấp thụ hết 38.500 căn hộ tồn đọng (22/02/2012)

>   Căn hộ đế vương khó tìm thượng đế (22/02/2012)

>   Hàng loạt khu đô thị mới, khu dân cư bị bỏ hoang (22/02/2012)

>   Thời khan tiền, DN BĐS tìm vốn cách nào? (22/02/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật