Hà Nội: Hàng trăm dự án “đắp chiếu” chờ phê duyệt
Trả lời câu hỏi của phóng viên ĐTCK về tiến độ triển khai các dự án bị tạm dừng sau khi Quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được công bố, đa số các chủ đầu tư đều cho biết, dự án của họ vẫn đang trong thời gian chờ phê duyệt lại.
Kẻ cười, người… tiếp tục đợi
Sáng 9/2, Phó giám đốc CTCP Tuần Châu Hà Nội Phạm Văn Chang gọi điện cho phóng viên ĐTCK “khoe”, ngày 8/2, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định số 720/QĐ-UBND, phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu du lịch, vui chơi giải trí, đô thị sinh thái Tuần Châu Hà Nội tại xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, TP. Hà Nội.
Ông Chang cho biết, dự án có diện tích khoảng 198,64 héc-ta, nằm tại khu vực di tích lịch sử Chùa Thầy. Điều đáng nói là dự án này đã được khởi công xây dựng từ năm 2008, nhưng sau đó, do phải điều chỉnh quy hoạch vì có sân Golf không nằm trong quy hoạch sân Golf do Chính phủ phê duyệt. Chủ đầu tư đã xây dựng lại quy hoạch thành khu du lịch sinh thái và vui chơi giải trí đa chức năng kết hợp khu trung tâm dịch vụ, thương mại...
“Chúng tôi đã hoàn thiện và trình quy hoạch chi tiết 1/500 của dự án này từ tháng 11/2011, đến tháng 12/2011 thì tổ chức thuyết trình trước các cơ quan chức năng của TP. Hà Nội, nhưng đến giờ mới được phê duyệt”, ông Chang nói và cho biết, ngay sau khi được phê duyệt dự án, Công ty sẽ khẩn trương tiến hành triển khai dự án trong tháng 2 này.
Không may mắn như CTCP Tuần Châu Hà Nội, đại diện một doanh nghiệp họ dầu khí có dự án nằm trên địa bàn huyện Hoài Đức cho biết, hồ sơ xin phê duyệt dự án đã gửi đến các cơ quan chức năng của TP. Hà Nội từ cuối năm 2011, nhưng đến nay vẫn phải… tiếp tục chờ. Tình trạng này không chỉ diễn ra với một vài doanh nghiệp, mà theo tìm hiểu của ĐTCK, có ở hàng trăm dự án khác.
Chờ phê duyệt lại
Ngay sau khi Quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 7/2011, Bộ Xây dựng cho biết, trên tinh thần đồ án, sẽ có tới 750 dự án bị đình hoãn để xem xét liệu có phù hợp với Quy hoạch hay không. Đây là con số không nhỏ nói lên tính chất "chồng chéo trong quy hoạch” của các nhà quản lý.
Theo lý giải của lãnh đạo Bộ Xây dựng, đây là những dự án trước đây trên địa bàn Hà Nội và tỉnh Hà Tây cũ. Trong số 750 dự án nói trên, dù không phải tất cả 100% dự án sẽ bị đình hoãn, thu hồi khi bản Quy hoạch chung Hà Nội được phê duyệt, nhưng theo dự đoán của các nhà quản lý, sẽ có hàng trăm dự án trong số đó bị chuyển đổi sang mục đích khác, nếu không nói là sẽ bị "triệt tiêu”.
Trong khi các chủ đầu tư đang nơm nớp lo sợ cho số phận dự án của mình thì các cơ quan chức năng của TP. Hà Nội vẫn đang “đủng đỉnh” xây dựng các quy hoạch phân khu. Ông Vũ Tuấn Định, Phó giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc (QHKT) Hà Nội cho biết, thành phố đang khẩn trương triển khai 17/35 quy hoạch phân khu, tập trung tại các quận nội thành và từ vành đai 4 trở vào.
Cũng theo ông Định, về cơ bản, quy hoạch phân khu trong đồ án Quy hoạch chung thủ đô Hà Nội không bị hạn chế bởi quy mô và địa giới hành chính của từng quận, huyện, mà căn cứ vào tính chất đô thị, địa hình... Sau khi quy hoạch phân khu được thông qua, sẽ đưa ra quy hoạch chi tiết 1/500.
“Nếu dự án nào đã được phê duyệt quy hoạch 1/500 mà phù hợp với quy hoạch phân khu đã được phê duyệt thì cứ việc triển khai, không cần xin phê duyệt lại”, ông Định nói.
Tuy nhiên, trao đổi với ĐTCK, các chủ đầu tư dự án đều cho rằng, “chắc chắn phải chờ phê duyệt lại quy hoạch thì mới dám triển khai dự án”.
Theo tìm hiểu của ĐTCK, đơn vị tư vấn là Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội đang cùng với các quận, huyện hoàn tất quy hoạch phân khu. 17 quy hoạch phân khu sẽ thuộc các quận, huyện như Từ Liêm, Hoài Đức, Quốc Oai, Đan Phượng, Hà Đông, Thanh Trì, Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh. Quy hoạch phân khu sẽ gắn liền với quá trình rà soát cụ thể các dự án. Cho đến thời điểm này, Viện mới hoàn thành 5/17 quy hoạch chi tiết phân khu đô thị.
Việc tạm đình chỉ hàng loạt dự án sau khi Quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt đã khiến thị trường bất động sản chao đảo và hệ lụy của nó là sự lãng phí về tiền của khi các chủ đầu tư đã bỏ tiền vào đó phải ngậm ngùi nhìn dự án bị đình hoãn.
Minh Nhật
đầu tư chứng khoán
|