Hạ giá gas, người tiêu dùng vẫn chưa được lợi nhiều
Hơn một tuần sau khi tăng giá mỗi bình gas 42.000 đồng, một số công ty gas phải giảm giá 10.000 – 12.000 đồng để đẩy hàng, vì doanh số tháng này sụt giảm thê thảm, trong khi giá gas thế giới đang có xu hướng giảm.
Cho đến thời điểm này, hầu hết các nhãn hiệu gas trên thị trường đã giảm giá theo PetroVietnam gas và Saigon Petro. Ngay cả các thương hiệu gas ngoại như Total, Elf… cũng giảm giá để hỗ trợ người tiêu dùng. Tuy nhiên, theo nhiều đại lý gas, mặc dù lý do của hầu hết công ty gas đưa ra là giảm giá để hỗ trợ người tiêu dùng, song thực chất là nhằm đẩy hàng tồn.
Đẩy hàng hay hỗ trợ người tiêu dùng?
Theo ông Đỗ Trung Thành, phó phòng kinh doanh gas, công ty TNHH một thành viên dầu khí TP.HCM (Saigon Petro), hiện doanh số tháng 2 của doanh nghiệp này giảm thê thảm, có tổng đại lý nhập hàng giảm đến 50%. Mặc dù chưa được nửa tháng 2, song theo nhận định của ông Thành, đây cũng là một điều đáng để doanh nghiệp kinh doanh gas lưu ý sau khi giá gas tăng mạnh hồi đầu tháng. Ông Thành cho biết thêm, nguyên nhân của việc sụt giảm doanh số trong thời gian từ đầu tháng 2 tới nay là các tổng đại lý ôm hàng quá nhiều vào quãng thời gian cuối tháng trước, khi họ biết giá gas sẽ tăng cao trong tháng này. Ngoài ra, giá gas thế giới mấy ngày qua đang có xu hướng giảm nên các tổng đại lý nhập hàng cầm chừng.
Không chỉ tổng đại lý e ngại mà các đại lý bán lẻ cũng giảm số lượng hàng nhập trong thời gian từ đầu tháng đến nay. Bà Trần Ngọc Cúc, chủ đại lý gas Phương (đường Hồ Học Lãm, phường An Lạc, quận Bình Tân, TP.HCM) cho biết, doanh số từ đầu tháng 2 đến nay của đại lý giảm đáng kể. Từ đầu tháng đến nay, mỗi ngày đại lý này bán trung bình khoảng 30 bình gas, có ngày chỉ được hơn mười bình, giảm hơn 50% so với trước đây. “Với giá gas như hiện nay, đại lý như chúng tôi chỉ dám nhập hàng nhỏ giọt để cầm hơi. Lãi không bao nhiêu mà giá giảm đột ngột là chết”, bà Cúc than thở.
Ông Lê Phúc Đại, tổng giám đốc công ty cổ phần năng lượng Đại Việt (Vinagas) nhận xét: “Một số doanh nghiệp tụt doanh số vào thời điểm đầu tháng là do tốc độ ra hàng không đồng đều, khiến tổng đại lý no hàng. Việc giảm giá để đẩy hàng là chuyện dễ hiểu khi mà giá gas thế giới đang có xu hướng giảm”, ông Đại nhận định.
Tuỳ “lòng tốt” của đại lý
Từ đợt giảm giá gas lần này cho thấy, mặc dù các công ty gas đều có mức giảm gần giống nhau, tuy nhiên cách thức thực hiện thì khác nhau, khiến thị trường đã rối càng thêm loạn. Trong khi Saigon Petro thông báo giảm giá 10.000 đồng/bình 12kg để hỗ trợ người tiêu dùng, song doanh nghiệp này chỉ giảm tới khâu tổng đại lý. Còn tổng đại lý giảm cho đại lý bao nhiêu thì tuỳ và Saigon Petro không cần biết (!?). Điều này đã gây nên tình trạng giá gas SP mỗi nơi một khác. Bà Cúc cho biết, chiều 9.2, bà được tổng đại lý của Saigon Petro thông báo qua điện thoại, từ ngày 10.2, gas SP sẽ giảm 6.000 đồng/bình 12kg, thấp hơn thông báo của Saigon Petro 4.000 đồng/bình 12kg. Sau khi biết thông tin của Saigon Petro, bà thắc mắc với tổng đại lý thì lại được giảm 10.000 đồng/bình 12kg. Với tình trạng này, chắc chắn giá gas của Saigon Petro sẽ không đồng nhất bởi mức lợi nhuận của đại lý ở các khu vực sẽ khác nhau.
Tương tự, Thủ Đức gas lại giảm giá cho đại lý 8.000 đồng/bình 12kg từ ngày 8.2. Với việc giảm này, thực chất các đại lý cũng sẽ giảm cho người tiêu dùng nhằm cạnh tranh vì giá gas hiện quá cao khiến sức tiêu thụ giảm. Tuy nhiên, với việc giảm giá cho đại lý mà không quy định đại lý giảm bao nhiêu cho người tiêu dùng, tình trạng loạn giá cũng sẽ diễn ra đối với Thủ Đức gas. Thực chất, thời gian qua, theo nhiều đại lý, Thủ Đức gas luôn là cơ sở dẫn đầu về bán hàng kèm quà khuyến mãi. Ông Chu Văn Đức, giám đốc Thủ Đức gas cho biết, doanh nghiệp này phân phối sản phẩm đến tận đại lý chứ không qua tổng đại lý. Điều này có lợi cho người tiêu dùng vì giá sẽ rẻ hơn. Tuy nhiên, nếu không được quản lý chặt chẽ, việc chạy đua quà khuyến mãi để hút khách của các đại lý có thể khiến sản phẩm của Thủ Đức gas bị giả hoặc bị gian lận trọng lượng.
Theo ông Lê Phúc Đại, giảm giá cho người tiêu dùng hay tăng chiết khấu cho đại lý, các doanh nghiệp gas nên có cách làm thống nhất. Mỗi người làm một kiểu sẽ gây nên tình trạng rối loạn thị trường, tạo cơ hội cho những đối tượng gian lận đục nước béo cò. Để giải quyết vấn đề này, theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp kinh doanh gas đầu mối nên cân đối lại mức lợi nhuận của đại lý để giá gas hạ nhiệt. Thực tế, nhiều doanh nghiệp như MT gas, Saigon Petro hay Thủ Đức gas… đã nghĩ đến một hệ thống đại lý của riêng mình nhằm quản lý chất lượng sản phẩm, đồng thời hạ giá thành và chăm sóc khách hàng tốt hơn. Tuy nhiên, để thực hiện hoá việc này không dễ bởi vướng quy định không được mở đại lý gas mới trên địa bàn TP.HCM của cơ quan chức năng. “Nếu doanh nghiệp có hệ thống đại lý bán lẻ của riêng mình, chắc chắn thị trường gas sẽ vào nề nếp hơn và giá có thể hạ được ít nhất 10%”, ông Đức nhận định.
Ca Hảo
Sài Gòn Tiếp thị
|