Giá cao, gas dội hàng!
Mức tiêu thụ của nhiều hãng gas đã giảm 30%- 40% trong 2 tháng qua và khả năng sẽ còn tiếp tục giảm do giá gas quá cao.
Chưa bao giờ giá gas tăng cao như hiện nay khiến người tiêu dùng đang quay lưng với mặt hàng này. Nhiều gia đình đã chuyển sang sử dụng bếp điện hoặc các loại chất đốt khác. Bằng chứng là sức tiêu thụ gas đang giảm rất mạnh, các hãng gas lớn cũng lo lắng.
Đồng loạt ế dài
Một số bà nội trợ cho biết từ khi giá gas tăng cao, gia đình họ đã chuyển sang sử dụng bếp điện. Để tiết kiệm điện, nhiều gia đình sử dụng bếp quang (còn gọi là bếp hồng ngoại), vừa sạch sẽ, an toàn lại tiết kiệm hơn dùng gas...
Do nhiều người chuyển sang sử dụng các loại chất đốt khác nên sức tiêu thụ gas đang giảm mạnh. Ông Hào, chủ một cửa hàng gas tại quận 3- TPHCM, nói mức tiêu thụ giảm mạnh từ tháng 1 khi giá gas tăng 32.000 đồng/bình, lên 382.000 - 397.000 đồng/bình 12 kg. Sang tháng 2, giá tiếp tục tăng thêm 42.000 đồng/bình đã đẩy giá bán lẻ lên 425.000 - 464.000 đồng/bình làm cho mức tiêu thụ gas giảm thê thảm, lên đến 50%. Ông Hà Đình Sang, Phó Giám đốc DNTN Đại Quang Minh (nhà phân phối gas tại TPHCM), cũng thừa nhận giá gas tăng quá cao nên mức tiêu thụ của doanh nghiệp trong tháng 2 này đã giảm thêm đến 20%- 30%.
Tình hình cũng đang diễn ra tại các doanh nghiệp (DN) đầu mối. Ông Đỗ Trung Thành, Phó Phòng Kinh doanh gas Saigon Petro, cho biết sản lượng tiêu thụ của Saigon Petro đã giảm đến 40%. Còn theo ông Lê Phúc Đại, Giám đốc Công ty CP Đại Việt (Vinagas), trong tháng 1, mức tiêu thụ của đơn vị giảm từ 10%- 15%, sang tháng 2 tiếp tục giảm thêm 20%- 30%...
Tồn kho, chi phí “leo thang”
Ông Nguyễn Quang Trung, Tổng Giám đốc Công ty CP MT gas, cho biết: Do sức tiêu thụ kém nên nhiều DN kinh doanh gas không dám nhập hàng nhiều mà chỉ “bán đến đâu, mua đến đó” để tránh rủi ro và chờ thuế nhập khẩu gas có thể giảm.
Cũng do kỳ vọng thuế sẽ giảm nên các DN mất cơ hội mua được hàng giá thấp hồi đầu tháng 2 khi giá gas giảm khoảng 30 USD/tấn (còn khoảng 1.000 USD/tấn), hiện nay giá gas thế giới đã lên đến 1.060 USD/tấn. Như vậy, mỗi tấn gas mua vào thời điểm này sẽ phải chi thêm 65 USD (mỗi bình gas 12 kg sẽ phải cộng thêm 16.000 đồng). Theo các công ty kinh doanh gas, nếu giá gas thế giới tiếp tục giữ ở mức này thì đầu tháng 3 tới, giá bán lẻ trong nước sẽ tiếp tục tăng thêm từ 8.000 - 10.000 đồng/bình 12 kg.
Theo tính toán của giới kinh doanh gas, tuy không dám trữ hàng nhiều nhưng do sức tiêu thụ giảm mạnh nên lượng hàng tồn kho của các DN cũng không nhỏ khiến chi phí kinh doanh tăng cao. Chẳng hạn một DN tồn kho khoảng 3.000 tấn gas/tháng (tương ứng 60 tỉ đồng tiền vốn), nếu tính theo lãi suất 22% thì DN phải trả lãi 1 tỉ đồng (chưa kể chi phí thuê kho, phí quản lý…).
Ông Đỗ Trung Thành cho biết: Hiệp hội Gas Việt Nam đã có văn bản đề nghị cơ quan chức năng điều chỉnh thuế nhập khẩu mặt hàng gas từ 5% xuống còn 2% như trước đây để giảm bớt gánh nặng tăng giá. Theo ông Thành, nếu thuế nhập khẩu gas giảm còn 2% thì mỗi bình gas 12 kg sẽ có cơ hội giảm khoảng 10.000 đồng/bình.
Nguyễn Hải
người lao động
|