Đòi nợ cổ tức PTL và SIC: Cơ hội mong manh
Khi nợ lại cổ tức bằng tiền, đa số doanh nghiệp đều ở thế chẳng đặng đừng. Vì thế, dù làm cách gì thì nhà đầu tư cũng khó ép doanh nghiệp sớm trả cổ tức.
Điệp khúc hẹn
Trong một phản ánh đến Báo ĐTCK cách đây không lâu, nhà đầu tư Hồ Thị Nga cho biết, bà thực sự bất ngờ khi CTCP Đầu tư hạ tầng và đô thị Dầu khí (Petroland - PTL) thông báo sẽ dời thời hạn thanh toán cổ tức bằng tiền tới ngày 20/6/2012.
Trước đó, sau khi có nghị quyết HĐQT thông qua việc tạm ứng cổ tức năm 2011, ngày 9/12/2011, PTL đã tiến hành chốt danh sách cổ đông và dự kiến ngày 10/2/2012 trả cổ tức. PTL khiến nhiều cổ đông vui mừng, bởi trong bối cảnh giao dịch thua lỗ, có thêm cổ tức bằng tiền dù chỉ ở mức 4% cũng là niềm an ủi. Thậm chí, như bà Nga, việc quyết định mua cổ phiếu PTL cũng chủ yếu để hưởng cổ tức.
Vì thế, khi PTL quyết định thay đổi lịch trả cổ tức chỉ trước ngày hẹn trả 3 ngày, bà Nga cảm thấy rất bức xúc, nhất là khi thời gian hoãn hơn 4 tháng. “Ai sẽ trả lãi suất cho việc chờ đợi này của chúng tôi?”, bà Nga đặt vấn đề.
Thống kê sơ bộ cho thấy, hiện có 25 doanh nghiệp không đủ khả năng chi trả cổ tức bằng tiền như đã hẹn. Thậm chí, CTCP Đầu tư phát triển Sông Đà (SIC) còn điều chỉnh ngày thanh toán cổ tức năm 2010 bằng tiền với tỷ lệ 10% đến 4 lần. Lần đầu tiên, SIC hứa trả cổ tức vào ngày 13/4/2011. Sau đó, SIC gia hạn đến ngày 13/6/2011. Tiếp đến, SIC quyết định chuyển ngày thanh toán cổ tức sang 13/9/2011. Ngày hẹn gần kề, SIC lùi tiếp sang 26/12/2011. Lần này, SIC cho biết, 30/3/2012 sẽ là ngày thanh toán cổ tức.
SIC nêu lý do chưa thu xếp được nguồn tiền để giải thích cho “điệp khúc” hẹn của mình. Đây cũng là lý do phổ biến của các doanh nghiệp khác khi quyết định lùi ngày trả cổ tức.
Theo các chuyên gia, xem xét kỹ báo cáo tài chính có thể biết được doanh nghiệp nào sắp rơi vào tình trạng cạn vốn, không đủ khả năng trả cổ tức đúng hẹn. Tuy nhiên, vì giới đầu tư thường nhìn vào con số lợi nhuận nên đã không phát hiện ra.
Khó hy vọng
Trên thực tế, hầu như tất cả các doanh nghiệp trễ hẹn trả cổ tức đều rơi vào tình trạng khô cạn nguồn tiền tại thời điểm định trả cổ tức. Chẳng hạn, theo BCTC quý IV/2011 của PTL, dù Công ty có lãi 49,2 tỷ đồng trong năm 2011, nhưng dòng tiền từ hoạt động kinh doanh và từ hoạt động tài chính đều âm nặng, với mức âm tổng cộng 615 tỷ đồng. Điều này cho thấy, về danh nghĩa thì PTL có lãi, nhưng tiền đã không ở lại trong túi doanh nghiệp. Thậm chí, nếu PTL không có nguồn tiền dồi dào từ năm 2010 để lại, dùng chi trả cho các hoạt động liên quan đến đầu tư và thanh toán, thì tình hình tại PTL có thể tồi tệ hơn. Tại thời điểm 31/12/2011, tiền và các khoản tương đương tiền của PTL chỉ còn 21 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức 544,5 tỷ đồng đầu năm.
PTL cho biết, Công ty phải có được nguồn tiền từ khách hàng chuyển trả thì mới có thể trả cổ tức cho cổ đông. Đây không phải là cách nói trốn tránh, mà là sự thật. Trong bối cảnh bất động sản khó bán buôn, khoản phải thu là nguồn tiền được hy vọng hơn cả.
Nhưng BCTC quý IV/2011 của PTL cho thấy, Công ty chỉ thu về 16,2 tỷ đồng từ khách hàng, vẫn còn 481,2 tỷ đồng khách hàng nợ lại. Trong khi đó, PTL phải tính toán với bài toán chi phí, lãi vay và vốn đầu tư cho dự án. Trong bối cảnh như vậy, cổ tức của cổ đông khó hy vọng được thanh toán sớm.
Đó là lý do vì sao ông Phạm Thứ Triệu, chuyên gia độc lập cho rằng, khi đặt trông đợi vào doanh nghiệp trả cổ tức đúng hẹn, nhà đầu tư cần tính đến khả năng trả cổ tức của doanh nghiệp. Đó là phải xem doanh nghiệp có nguồn tiền để trả hay không. Kể cả khi doanh nghiệp có tiền, nhà đầu tư cũng phải phân tích các yếu tố như khoản phải thu, khoản phải trả của doanh nghiệp. Nếu khoản phải thu lớn, chứng tỏ tiền của doanh nghiệp bị phụ thuộc. Đặt giả thiết khách hàng cố tình chiếm dụng vốn, tiền của doanh nghiệp sẽ càng rủi ro. Rủi ro lớn hơn nếu doanh nghiệp có nợ nhiều. Khi doanh nghiệp nợ nhiều, theo các quy định của pháp luật, doanh nghiệp phải ưu tiên trả nợ và trả lãi vay trước rồi mới tính chuyện trả cổ tức.
Do đó, không phải con số lãi lỗ từ doanh nghiệp, mà chính dòng tiền, với những khoản phải thu, phải trả mới là vấn đề mà nhà đầu tư cần quan tâm khi chọn mua cổ phiếu với mong muốn nhận cổ tức.
Ngọc Thủy
ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN
|