Thứ Ba, 28/02/2012 08:29

Doanh nghiệp thủy sản 2011: Trái chiều khi… “vượt cạn”

Trong khi nhiều doanh nghiệp thực hiện được kế hoạch dài hơi khi biến nguyên liệu và vùng nuôi thành lợi thế nhằm thu lãi lớn trong năm 2011 thì cũng không ít doanh nghiệp than “đói” vốn, thiếu nguyên liệu dẫn đến thua lỗ.

“Vượt cạn” thành công

Năm 2011, doanh nghiệp thủy sản gặp không ít khó khăn khi thiếu nguyên liệu, khát vốn và liên tục có những cảnh báo, thậm chí là nguy cơ mất những thị trường xuất khẩu lớn như Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada… Nhưng nhìn chung, doanh nghiệp ngành này vẫn đạt được lợi nhuận khả quan.

Tính riêng 21 doanh nghiệp ngành thủy sản đang niêm yết trên thị trường chứng khoán thì phần lớn đều đạt tăng trưởng mạnh so với năm 2010 và cán đích kế hoạch lợi nhuận năm.

Nổi bật nhất về tốc độ tăng lợi nhuận sau thuế là CTCP Gò Đàng (HOSE: AGD) với mức tăng gấp 3 lần cùng kỳ khi đạt 131 tỷ đồng. Theo đó, EPS lên tới 12,714 đồng. Sở dĩ công ty có sự tăng vọt trong năm 2011 là nhờ khai thác hiệu quả vùng nuôi cá tra nguyên liệu, đáp ứng được hơn 80% nguyên liệu sản xuất.

Tiếp theo là ông lớn Hùng Vương (HOSE: HVG) với mức lãi sau thuế tăng gần gấp đôi năm trước khi đạt 218 tỷ đồng. Theo HVG, năm 2011, giá xuất khẩu cá tăng mạnh so với năm 2010, giá xuất bình quân trong quý 4 là 3.1 USD/kg trong khi năm 2010 chỉ ở mức 2.03 USD/kg. Ngoài ra, nhờ USD lên giá so với VNĐ làm cho lợi nhuận gộp từ hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng 1.9 lần so năm 2010.

Một doanh nghiệp khác, dù không thuộc hàng top về tăng trưởng lợi nhuận nhưng cũng đáng được ghi nhận là Lâm Thuỷ Sản Bến Tre (HOSE: FBT). Đây là doanh nghiệp “vượt khó” thành công khi 2 năm liên tiếp trước đó (2009, 2010) báo lỗ nhưng sang năm 2011 lại lãi ròng gần 12 tỷ đồng, giúp công ty thoát khỏi nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc. Năm 2011, FBT thực hiện chính sách tiết giảm các loại chi phí tối đa, đặc biệt là chi phí bán hàng (gần 85%) và chi phí quản lý doanh nghiệp (51%).

Một loạt doanh nghiệp khác cũng có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận sau thuế mạnh như ACL (89%), VHC (70%), AGF (59%), TS4 (51%), AAM (38%)…

Điệp khúc thiếu vốn nên… lỗ

Trong khi phần lớn doanh nghiệp cùng ngành hồ hởi báo lãi lớn thì Basa (HOSE: BAS) và Thuỷ sản Cadovimex (HOSE: CAD) lại chìm trong thua lỗ và đang bị Sở GDCK TPHCM “treo” trên đầu “bản án” hủy niêm yết.

Tiên liệu trước được năm 2011 sẽ còn nhiều khó khăn, HĐQT BAS đặt kế hoạch lỗ 6 tỷ đồng, tuy nhiên, kết thúc năm, con số đó nhảy vọt lên âm 22.5 tỷ đồng.

Dù vay và nợ ngắn hạn giảm mạnh tới 72% so với năm 2010 nhưng BAS vẫn phải chi hơn 18 tỷ đồng cho lãi vay khiến hoạt động tài chính âm 6 tỷ đồng. Khả năng vay và nợ ngắn hạn của BAS giảm mạnh do công ty không tìm được nguồn vốn. Hồi tháng 5, vị Chủ tịch HĐQT BAS cũng đã “cảnh báo” rằng, nếu trong vòng 2 hoặc 3 tháng tới BAS không tìm được nguồn vốn thì HĐQT sẽ xin ý kiến cổ đông về việc phá sản.

Với CAD, công ty tiếp tục lỗ 305.8 tỷ đồng theo báo cáo tài chính năm 2011, đồng thời vốn chủ sở hữu tại thời điểm 31/12/2011 âm 165 tỷ đồng. Trước đó, công ty đã bị thua lỗ năm 2009 và 2010 lần lượt là 3.7 tỷ đồng và 14 tỷ đồng. Thiếu vốn cho thu mua, sản xuất, thiếu nguyên liệu khiến tình hình sản xuất kinh doanh của CAD giảm mạnh so với năm trước, các chỉ tiêu sản lượng chế biến, kim ngạch xuất khẩu, mua ngoài... đều đạt dưới mức trung bình của ngành. Bởi thế, lãi gộp của CAD đã âm 201 tỷ đồng trong năm 2011.

Đây cũng là doanh nghiệp gặp “vận đen” khi hợp tác với Công ty South China Seafood (Hoa Kỳ) nhưng lại bị doanh nghiệp này gần như xù nợ tới 4.7 triệu USD từ năm 2006 và vụ việc vẫn chưa ngã ngũ. Vì thế, CAD liên tục phải trích lập dự phòng nợ khó đòi và “còng lưng” trả lãi vay ngân hàng. Cụ thể, năm 2011, vay và nợ ngắn hạn của CAD ở mức 438 tỷ đồng, giảm 38% so với năm trước. Tuy nhiên, chi phí lãi vay chiếm tới 80 tỷ đồng khiến hoạt động tài chính âm 65.6 tỷ đồng.

Không thua lỗ trong năm qua nhưng chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế của CMX, VNH, NGC, ATA, và ICF giảm khá mạnh so năm 2010 và còn xa vời kế hoạch cả năm.

20% doanh nghiệp thuỷ sản sẽ đóng cửa

Điểm chung của các doanh nghiệp ngành thủy sản là hoạt động tài chính đa số đều âm, “góp” một phần trong đó là “nhờ” chi phí lãi vay, nổi lên trong số này có HVG, ATA, AVF, MPC…  

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), dự kiến năm 2012 sẽ có khoảng 20% doanh nghiệp ngành thủy sản sẽ phải đóng cửa do thiếu nguồn vốn đầu tư, thiếu nguyên liệu đúng chuẩn chế biến, chi phí đầu vào tăng cao, chất lượng con giống giảm sút. Đồng thời, do tình hình khó khăn về tài chính trên thế giới và các nước ngày càng siết chặt các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Như vậy, năm 2012 vẫn chưa hẳn là một năm “bớt lo” của doanh nghiệp ngành thủy sản. Bởi ngoài việc phải cạnh tranh cùng ngành, các doanh nghiệp còn phải cẩn trọng với những đơn hàng xuất khẩu. Nghĩa là thị trường xuất khẩu có thể bị thu hẹp bất cứ lúc nào nếu doanh nghiệp không đáp ứng được tiêu chuẩn.

Thanh Nụ (Vietstock)

Finfonet

Các tin tức khác

>   Doanh nghiệp bất động sản: Mối lo từ nợ vay (28/02/2012)

>   Từ chối cho “đại gia” nợ tiền cá vay 300 tỷ đồng (28/02/2012)

>   SJS và nhà đầu tư cùng mắc cạn với Dự án Nam An Khánh (27/02/2012)

>   Ngân hàng nhỏ vừa ước lợi nhuận... vừa run! (27/02/2012)

>   Tín dụng bất động sản nhìn từ VPH (27/02/2012)

>   DN đã thấm "trái đắng" đầu tư ngoài ngành (27/02/2012)

>   PVI vượt 8% kế hoạch lợi nhuận sau thuế (27/02/2012)

>   PLC đặt kế hoạch lãi trước thuế 352 tỷ đồng trong 2012 (27/02/2012)

>   KDC: 08/03 chốt quyền dự Đại hội và nhận cổ tức 12% (27/02/2012)

>   CTN: Năm 2012 phấn đấu tăng gấp đôi lợi nhuận sau thuế (27/02/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật