Đằng sau việc thôi chức của Chủ tịch EVN
Dư luận đang rất chờ đợi kết quả kiểm điểm trách nhiệm nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn điện lực VN (EVN) - ông Đào Văn Hưng. Với hàng chục nghìn tỉ đồng tiền nợ và thất thoát vốn nhà nước do thua lỗ trong quá trình lãnh đạo EVN, ông Hưng cần chịu những kỷ luật thích đáng hơn việc chỉ bị thôi chức, điều chuyển sang Bộ Công thương.
Ông Đào Văn Hưng (ảnh) từng làm Tổng giám đốc Tổng công ty (TCT) điện lực VN nhiều năm, trước khi được Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm chức Chủ tịch HĐQT EVN tháng 10.2007 và tái bổ nhiệm chức Chủ tịch HĐTV đầu năm 2011 khi EVN chuyển đổi mô hình hoạt động.
Thông tin về việc ông Hưng khó giữ được chức Chủ tịch EVN đã được chính người trong ngành râm ran đồn đoán cách đây vài tháng. Nhất là sau những số liệu “choáng” được Kiểm toán Nhà nước (KTNN) công bố trong báo cáo kiểm toán tài chính EVN năm 2010 về mức thua lỗ nặng nề do hàng loạt quyết định đầu tư viễn thông, chứng khoán... thiếu hiệu quả của HĐQT mà ông Hưng là người đứng đầu.
“Sa lầy” vào viễn thông, chứng khoán...
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 4.2, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam thông báo, một trong những nguyên nhân Thủ tướng cho ông Hưng thôi chức do để xảy ra thua lỗ trong kết quả sản xuất kinh doanh tại Công ty thông tin viễn thông điện lực (EVN Telecom).
EVN Telecom (do công ty mẹ - Tập đoàn EVN đầu tư 100% vốn) ra đời năm 1995, chính thức bước vào thị trường viễn thông năm 2007. Tính đến 31.12.2010, công ty mẹ đã rót 2.442 tỉ đồng, chiếm 4,88% vốn đầu tư, nhưng chỉ riêng năm 2010, EVN Telecom bị lỗ tới 1.057,7 tỉ đồng.
Đáng chú ý, số lỗ này đã được HĐQT “phù phép” để nhỏ hơn số lỗ thực tế nhờ việc gạt toàn bộ chi phí thiết bị đầu cuối sang các TCT điện lực. Cụ thể, theo Nghị quyết số 153 của HĐQT, chi phí thiết bị đầu cuối chờ phân bổ từ năm 2006 - 2008 không kết chuyển vào chi phí hoạt động kinh doanh EVN Telecom mà điều chuyển cho các TCT điện lực phân bổ 1.026 tỉ đồng. Theo đó, EVN Telecom phát hành hóa đơn ghi nợ cho các TCT điện lực, các TCT này nhận nợ đồng thời hạch toán giảm nợ phải trả, tăng vốn đầu tư của EVN tại đơn vị. KTNN kết luận, thực chất điều chuyển chi phí thiết bị đầu cuối 1.026 tỉ đồng là việc chuyển lỗ từ trách nhiệm của EVN Telecom sang các TCT điện lực.
Treo nợ gần 14.000 tỉ đồng
Theo KTNN, EVN hoạt động chủ yếu bằng nguồn vốn vay và vốn chiếm dụng (79,3%), tỷ lệ nợ phải trả cao gấp 4,22 lần nguồn vốn chủ sở hữu, vượt quá mức giới hạn theo quy định của Chính phủ (không quá 3 lần). Tỷ suất lợi nhuận/giá trị đầu tư của EVN rất thấp, chỉ đạt 1,08%. KTNN kết luận, tình hình tài chính của EVN khó khăn, không đảm bảo độ an toàn.
Năm 2010, EVN lỗ 10.162 tỉ đồng, năm 2011 dù số lỗ không lớn như dự kiến ban đầu (hơn 11.000 tỉ đồng), nhưng tập đoàn này cũng lỗ 3.500 tỉ đồng. Tính đến tháng 1.2012, EVN vẫn còn treo lại khoản nợ rất lớn gần 14.000 tỉ đồng chưa có khả năng thanh toán với Tập đoàn dầu khí VN và 1.500 tỉ đồng với Tập đoàn than khoáng sản VN. |
Thực tế, EVN Telecom từng có những lợi thế rất lớn về mạng lưới kinh doanh, hệ thống cáp quang trên biển... nhưng do nhiều quyết định đầu tư sai lầm và khó hiểu nên chỉ trong vài năm đã khiến EVN Telecom rơi vào cảnh thua lỗ. Sử dụng mạng CDMA nhưng EVN không đẩy mạnh được doanh thu do tốc độ phát triển thuê bao thực rất chậm, thuê bao rời mạng liên tục tăng. Dịch vụ 3G gần như “chết yểu” sau khi đi vào hoạt động do số khách phát sinh quá thấp, không tăng.
Ngoài ra, trong hơn 3 năm làm Chủ tịch EVN, ông Hưng và các lãnh đạo của EVN đã rót 2.108,8 tỉ đồng (tương đương 3,27% vốn chủ sở hữu) vào các lĩnh vực nóng như BĐS, bảo hiểm, ngân hàng, tài chính, nhưng do giá trị cổ phiếu giảm sút mạnh, hiệu quả đầu tư vào các đơn vị trên có xu hướng giảm thấp. Cụ thể, EVN là cổ đông chiến lược của Ngân hàng An Bình (ABBank), Công ty cổ phần chứng khoán Hà Thành và hàng loạt công ty BĐS liên kết khác như BĐS điện lực Sài Gòn Vina, Điện lực miền Trung... Trong đó, theo báo cáo tài chính, lỗ lũy kế của Công ty chứng khoán Hà Thành tính đến 30.6.2011 là hơn 111 tỉ đồng (trên 150 tỉ đồng vốn điều lệ). Chứng khoán Hà Thành hiện đang nằm trong top 10 công ty yếu kém nhất và thuộc diện bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước kiểm soát đặc biệt.
Còn những ai liên đới trách nhiệm?
Trước đó, tháng 10.2011, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến Thủ tướng về việc xử lý kết quả thanh tra tài chính tại EVN. Yêu cầu Bộ Công thương phối hợp Bộ Tài chính ngoài kiểm tra giá điện, phải đánh giá các khoản đầu tư ngoài ngành của EVN, đặc biệt là đầu tư vào các lĩnh vực nhạy cảm như chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm và các khoản đầu tư vào EVN. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công thương chỉ đạo EVN kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan đến những vi phạm.
Sau 4 tháng, tới ngày 3.2.2012, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định cho thôi chức với ông Đào Văn Hưng. Quyết định này được dư luận đồng tình ủng hộ, bởi khi tập đoàn nhà nước với hàng loạt lợi thế lại thua lỗ nặng nề, hoạt động thiếu hiệu quả, thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm chính.
Tuy nhiên, sau quyết định này, có hai điều người dân đang rất quan tâm. Thứ nhất, chức Chủ tịch HĐTV của EVN sẽ được giao cho ai, người ngoài hay người “trong cuộc” của EVN? Hiện tại, vị trí quyền Chủ tịch HĐTV EVN được tạm thời giao cho ông Phạm Lê Thanh - Tổng giám đốc tập đoàn. Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Nam Hải, ghế chủ tịch chính thức được giao cho ai vẫn đang xem xét.
Thứ hai, ngoài ông Đào Văn Hưng, sẽ có những lãnh đạo nào của EVN phải liên đới trách nhiệm? Theo Bộ Công thương, ông Đào Văn Hưng đang được tiến hành kiểm điểm trách nhiệm tại EVN trước khi Ban Cán sự Đảng Bộ Công thương tiến hành kiểm điểm. Nhưng rõ ràng, theo yêu cầu của Thủ tướng, tập thể và cá nhân liên quan đến vi phạm phải bị kiểm điểm trách nhiệm. Nghĩa là ngoài ông Đào Văn Hưng, EVN và Bộ Công thương cũng cần xem xét, kiểm điểm trách nhiệm liên đới của những cá nhân trong bộ máy lãnh đạo cùng thời ông Hưng, để “đúng người, đúng tội”.
|
Ông Hưng bị thôi chức do điều hành yếu, trong đó có thua lỗ nặng nề của EVN Telecom - (nguồn ảnh: EVN Telecom) |
Tăng giá điện để bù lỗ
Với lý do thua lỗ, EVN liên tục đòi tăng giá điện để bù lỗ. Năm 2011, giá điện tăng hai lần với mức tăng 20,28% so với năm 2010. Năm 2010, giá điện quy định tăng 6,8% nhưng mức giá tăng trong thực tế lên tới 9% so với năm 2009. Trong khi đó, thu nhập bình quân của EVN thuộc loại khủng trong khối các tập đoàn, TCT nhà nước. Năm 2010, thu nhập bình quân toàn công ty mẹ EVN bao gồm cả tiền thưởng vận hành an toàn điện năm 2010 là 13,7 triệu đồng/tháng. Riêng khối văn phòng công ty mẹ có mức lương gần 30 triệu đồng. |
Mai Hà
THANH NIÊN
|