Đại cổ đông "trình diễn xiếc" mùa đại hội
Trong những mùa ĐHCĐ gần đây, khá nhiều đại hội phát sinh các sự cố bất ngờ với cổ đông nhỏ. Nhiều trong số các bất ngờ này có thể là "màn xiếc" của các cổ đông lớn.
Thách thức trong lần triệu tập đầu tiên
Mùa ĐHCĐ năm ngoái ghi nhận số lượng kỷ lục các DN niêm yết thất bại trong lần triệu tập ĐHCĐ đầu tiên. Đa phần các đại hội bị cổ đông ngoảnh mặt do DN có kết quả kinh doanh tồi tệ kéo dài hay quản trị yếu kém như CTCP Nhựa Tân Hóa (VKP), CTCP Container Phía Nam (VSG).
Cá biệt có những DN vẫn hoạt động tốt như CTCP Đồ hộp Hạ Long (CAN), đại hội vẫn không thể diễn ra do người đại diện phần vốn Nhà nước không đi họp. Thậm chí, có ĐHCĐ như của CTCP Vận tải biển và BĐS Việt Hải (VSP) đủ điều kiện tiến hành nhưng không thông qua được nhiều tờ trình quan trọng, do đại diện phần vốn góp của Vinashin cho biết, không nhận được tài liệu đại hội.
CTCP Cơ điện lạnh (REE) đã tạo một bước đột phá lớn trong công tác tổ chức đại hội năm ngoái khi địa điểm chính được tổ chức tại hội trường lớn E-town (TP. HCM) kết nối “video conference” với đầu cầu Hà Nội. Khi chưa có một giải pháp toàn diện tháo gỡ cho công tác tổ chức thì phương pháp của REE là một gợi ý cho các DN đã từng gặp sự cố về triệu tập ĐHCĐ.
Đã thành truyền thống, một số DN niêm yết như CTCK HSC (HCM), CTCP Kinh Đô (KDC), CTCP Ánh Dương Việt Nam (VNS)… kết thúc đại hội với một món quà nhỏ cho các cổ đông. Ấn tượng đẹp không chỉ được lưu giữ, mà đôi khi biến thành động lực để một số NĐT “lướt sóng” thực hiện nghĩa vụ cổ đông.
Năm ngoái, trong phiên đóng góp ý kiến tại ĐHCĐ của CTCP Hữu Liên Á Châu (HLA) có NĐT nêu ý kiến, nếu Công ty theo gương các DN niêm yết khác trao một phần quà nhỏ thì đại hội đã không phải triệu tập đến lần thứ 2. Suy cho cùng, giải pháp này nếu giúp DN thu hút đủ 65% số cổ đông tới họp còn tiết kiệm chi phí hơn so với việc triệu tập ĐHCĐ lần 2, lần 3.
Vấn đề cổ đông lớn
Theo quy định hiện tại, chậm nhất trước 7 ngày tiến hành đại hội, DN phải công bố các tài liệu họp. Đã thực hiện điều này, nhưng giống ĐHCĐ 2010 của VSP, ĐHCĐ của CTCP Điện tử Tân Bình (VTB) không thông qua được kế hoạch tăng vốn, ĐHCĐ của CTCP Kho vận Miền Nam (STG) không thông qua được kế hoạch sản xuất - kinh doanh năm 2011.
Bất ngờ diễn ra tại đại hội khi các cổ đông lớn, trong đó có cả cổ đông Nhà nước, cương quyết nói không với một số tờ trình với lý do: quãng thời gian ít ỏi tại đại hội không đủ để cổ đông nghiên cứu tài liệu và đưa ra ý kiến.
Để đạt được sự đồng thuận cao nhất ngay cả khi đã cẩn trọng gửi thư mời và tài liệu đại hội, nhiều DN hiện nay vẫn tổ chức ĐHCĐ trù bị với sự tham dự của người đại diện phần vốn Nhà nước, các quỹ đầu tư không tham gia trực tiếp vào hoạt động điều hành DN.
Quyền phủ quyết của cổ đông lớn là “chiêu bài” đã được các nhóm cổ đông lớn sử dụng triệt để, điển hình như các cuộc “thay máu” lãnh đạo hoặc âm thầm hoặc công khai như tại Descon, Fideco… trước đây. Giới chuyên môn nhìn nhận, các cổ đông lớn sẽ tiếp tục tạo nên “sóng ngầm” trong mùa ĐHCĐ năm nay, với những cuộc đối đầu không khoan nhượng, nhằm phân chia lại quyền lực tại các DN niêm yết, đặc biệt khi giá cổ phiếu thấp như hiện nay.
Cổ đông lớn làm xiếc
Trên góc độ lãnh đạo DN, việc triệu tập và tổ chức ĐHCĐ lần 1 và thông qua được các tờ trình được xem là thành công. Với các cổ đông lớn, đó là việc áp đặt được các quyết định trên nền tảng lợi ích nhóm theo nguyên tắc đối vốn. Trái lại, các cổ đông nhỏ đông đảo, thường chất vấn nhiều nhưng chỉ tập trung trong một số vấn đề quen thuộc như: lợi nhuận, cổ tức, lương thưởng HĐQT..., tạo ra ảnh hưởng mờ nhạt dựa trên các tờ trình được công bố 7 ngày trước đại hội.
Nhưng theo quan sát của ĐTCK, khả năng thực thi của quy định “7 ngày” nói trên đang bị thử thách. Đơn cử như tại ĐHCĐ của CTCK Phương Đông (ORS) mới đây, nội dung hủy niêm yết được một cổ đông khởi xướng trong đại hội. Ngay khi nội dung này còn đang được thảo luận, phiếu biểu quyết có dấu đỏ đã được phân phát nhanh chóng và kết quả cuối cùng, có tới trên 80% cổ phần đồng thuận, dù đa phần cổ đông nhỏ có mặt lên tiếng phản đối. Đề xuất huỷ niêm yết trong trường hợp này có là “vô tình”?
Đối phó với quy định về yêu cầu công bố các tài liệu trước đại hội, gần đây, một số DN niêm yết đã khéo léo sắp xếp để các nội dung nhạy cảm hay quan trọng xuất hiện vào giờ chót tại đại hội, dù thực tế đã được các nhóm cổ đông lớn thống nhất ở hậu trường. Màn “xiếc” mới này trở nên nghiêm trọng hơn với các NĐT nhỏ, khi mà nhiều quyết định hủy niêm yết có thể bất thình lình xuất hiện trong mùa đại hội sắp tới.
Khi tính minh bạch đang bị thử thách thì các NĐT nhỏ chỉ có cách tự bảo vệ: cẩn trọng với các cổ phiếu giá bèo xuất phát điểm là công ty gia đình, hay có cơ cấu cổ đông quá tập trung.
Giang Thanh
đầu tư chứng
|