Thứ Hai, 20/02/2012 22:35

Chính phủ sẽ tăng cường chống gian lận chuyển giá

Việt Nam sẽ tăng cường kiểm soát giá của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài  nhằm chống thất thu về thuế và đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp nội địa.

Các doanh nghiệp FDI sẽ phải kê khai giá.

Theo lãnh đạo Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính, cơ quan này đang kiến nghị bổ xung cơ chế thoả thuận trước về phương pháp xác định giá (APA) với Quốc hội nhằm chống các doanh nghiệp FDI chuyển giá.

Theo cơ chế APA, các doanh nghiệp đa quốc gia đang hoạt động ở Việt Nam sẽ phải chủ động đề xuất biện pháp tính giá, hoặc mức giá khi tiến hành mua, bán giữa các thành viên trong tập đoàn trước khi khai nộp thuế với các cơ quan thuế ở Việt Nam.

Về phần mình, cơ quan thuế sẽ tự mình, hoặc phối hợp với các cơ quan thuế nước ngoài có ký kết Hiệp định tránh đánh thuế hai lần với Việt Nam để giám sát danh mục giá các mặt hàng mà doanh nghiệp đăng ký.

Ông Cao Anh Tuấn, phó Tổng cục trưởng, Tổng cục thuế nói: “Chúng tôi thấy có tình trạng lỗ giả, lãi thật do lợi dụng vấn đề chuyển giá, tức mua bán nội bộ trong tập đoàn đa quốc gia không theo nguyên tắc thị trường”.

“Thời gian qua, ngành thuế đã quyết liệt kiểm tra, thanh tra chống chuyển giá nhưng hiệu quả chưa cao”, ông Tuấn cho biết tại cuộc họp báo chiều nay (20/2) tại Hà Nội nhằm thông báo về một số nội dung trong Luật Quản lý thuế bổ sung, sửa đổi sẽ trình ra kỳ hợp Quốc họi vào tháng 5 tới.

Trả lời câu hỏi của Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, rằng ngành thuế sẽ hình dung thế nào về tính xác thực của việc kê khai giá của doanh nghiệp FDI trong bối cảnh tỷ giá biến động lớn, ông Tuấn cho rằng điều đó không thành vấn đề.

“Khi doanh nghiệp FDI đầu tư ở Việt Nam, họ đã xây dựng chiến lược kinh doanh trong dài hạn, nên họ sẽ phải dự tính được vấn đề tỷ giá (để khai giá)”, ông Tuấn nói.

Ông Tuấn giải thích thêm là cơ chế APA cũng sẽ không trùng lắp với dự luật quản lý giá đang gây lo ngại cho cộng đồng doanh nghiệp mà Bộ Tài chính đang trình ra Quốc hội.

Theo Tổng cục Thuế, cơ chế APA đã được áp dụng ở các nước thành viên OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế) và các quốc gia trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Singapore. Theo cơ chế này, cơ quan thuế và các công ty đa quốc gia đã cùng cam kết về giá cả theo nguyên tắc thị trường

Câu chuyện chuyển giá đã ngày càng thu hút được sự quan tâm của các cơ quan quản lý nhà nước ở Việt Nam do lo ngại các doanh nghiệp FDI không đóng thuế và gây tổn hại cho môi trường kinh doanh.

Thứ trưởng bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông gần đây cho biết, bộ chuẩn bị có một dự án hỗ trợ kỹ thuật để tìm hiều câu chuyện chuyển giá, mà ông cho là “rất phức tạp”.

“Chỉ cần chúng ta làm 2-3 doanh nghiệp điểm thôi, làm đúng thì ngay lập tức doanh nghiệp sẽ phải thay đổi. Vì đây toàn là những doanh nghiệp quốc tế và họ cần uy tín của họ”, ông Đông nói.

Việc áp dụng cơ chế APA để chống chuyển giá chỉ là một trong nhiều nội dung đáng quan tâm của dự thảo về Luật Quản lý thuế bổ sung, sửa đổi sẽ trình ra kỳ hợp Quốc hôi vào tháng 5 tới.

Dự kiến, Quốc hội sẽ thông qua dự luật sửa đổi vào tháng 10 để bộ luật này có hiệu lực vào đầu năm 2014.

Tư Hoàng

TBKTSG Online

Các tin tức khác

>   Sẽ rút thời gian hoàn thuế từ 15 ngày xuống còn 6 ngày (20/02/2012)

>   Sắp thanh tra thuế 7.742 doanh nghiệp (19/02/2012)

>   Ngân sách bỏ trống nhiều khoản thu từ bất động sản (19/02/2012)

>   Thấp thỏm chờ miễn thuế TNCN (18/02/2012)

>   Thuế tiêu thụ đặc biệt: Giá tính thuế mới (17/02/2012)

>   Gỡ vướng quyết toán thuế (15/02/2012)

>   Có thể đánh thuế Google và Facebook được không? (14/02/2012)

>   Rối rắm chuyện truy thu thuế (14/02/2012)

>   Xem xét giảm thuế nhập khẩu gas (14/02/2012)

>   Kiến nghị tăng thuế NK đối với mặt hàng dầu thực vật (13/02/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật