26 quốc gia đồng loạt phản đối thuế hàng không của EU
Đại biểu từ 26 quốc gia trên thế giới đã lên tiếng phản đối thuế carbon mới của Liên minh châu Âu (EU) đánh vào các hãng hàng không bay vào địa phận khu vực này do những lo sợ về một cuộc chiến tranh thương mại.
Trung Quốc, Ấn Độ, Nga và Mỹ là các quốc gia phản đối mạnh mẽ nhất kế hoạch đánh thuế hàng không có hiệu lực từ ngày 1/1 của EU. Theo các nhà chỉ trích, EU không có quyền đánh thuế vào các chuyến bay tới hoặc đi ra khỏi địa phận khu vực châu Âu. Tuy nhiên, trong tháng 12 năm ngoái, Bộ tư pháp châu Âu đã đưa ra phán quyết rằng thuế EU đối với ô nhiễm khí CO2 từ hàng không là hợp pháp.
Chương trình buôn bán khí thải (ETS) sẽ tạo ra các giấy phép thải khí carbon và các hãng hàng không vượt quá mức khí thải cho phép sẽ phải mua thêm giấy phép. Chương trình này được thiết kế với mục đích hạn chế sự ô nhiễm từ hàng không. Số giấy phép sẽ giảm theo thời gian, vì thế, lượng khí CO2 mà các hãng hàng không thải ra tại địa phận châu Âu sẽ giảm xuống.
Theo Ủy viên hành động khí hậu của EU, bà Connie Hedegaard, các quốc gia phản đối sẽ làm việc với EU để tạo ra một kế hoạch toàn cầu trong cắt giảm ô nhiễm hàng không. “Không ai sẽ vui mừng hơn EU nếu chúng tôi có thể đi tới một thỏa thuận toàn cầu như thế”, bà Hedegaard phát biểu trước hãng tin BBC. Ngoài ra, bà cũng cho rằng Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) của Liên Hợp quốc chính là tổ chức thích hợp để đàm phán thỏa thuận như thế.
“Ăn đũa trả đũa”
Hầu hết tín dụng carbon của EU trong năm nay sẽ được cấp miễn phí, tuy nhiên, các hãng hàng không phải mua hay buôn bán tín dụng để bù đắp phần còn lại, và chi phí sẽ tăng từ năm 2013 trở đi. Tổng lượng phí của năm 2012 sẽ được tính toán sau khi lượng thải carbon hàng năm của mỗi hãng hàng không được cộng vào và được trả vào đầu năm 2013.
Trung Quốc cho rằng kế hoạch này có thể khiến các hãng hàng không Trung Quốc mất thêm một khoản trị giá 95 triệu Euro (124 triệu USD) hàng năm. Các nhà phân tích cho rằng con số đó có thể tăng gấp 3 hoặc 4 lần tới năm 2020. Chính vì thế, Trung Quốc đã ngăn cấm các hãng hàng không của họ tham gia vào chương trình ETS.
Ông Trevor Sikorski, một nhà phân tích thị trường carbon tại Barclays Capital bày tỏ lo lắng rằng “kế hoạch được tạo ra như một giải pháp giành cho môi trường lại tiềm ẩn một cuộc xung đột thương mại”.
Bùi Huyền
diễn đàn doanh nghiệp
|