Thứ Hai, 23/01/2012 13:48

Trò chuyện đầu năm cùng Chủ tịch HĐQT Đạm Phú Mỹ

Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế năm 2011, kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp vẫn rất khả quan. Điển hình trong số đó phải kể đến Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí  - PVFCCo -  HOSE: DPM), một đơn vị luôn duy trì vị trí dẫn đầu tại Việt Nam.

Kết thúc năm 2011, PVFCCo đạt kết quả kinh doanh khá ấn tượng, doanh thu ước đạt 8,936 tỷ đồng, tăng 28% so với năm trước, lợi nhuận sau thuế ước đạt 2,650 tỷ đồng, tăng 56%. Để đạt được thành quả cao nhất từ trước tới nay như trên là nhờ công ty đã chủ động xây dựng chương trình hành động và thực hiện nhiều nhóm giải pháp nhằm khắc phục khó khăn và nắm bắt cơ hội.

Trong buổi trò chuyện đầu xuân cùng ông Bùi Minh Tiến, Chủ tịch HĐQT, ông đã chia sẻ về những bí quyết thành công của PVFCCo năm vừa qua, cũng như  kế hoạch trong năm mới.

Ông Bùi Minh Tiến, Chủ tịch HĐQT PVFCCo

Thưa ông, đâu là nhân tố chính cho những thành công của PVFCCo trong năm 2011?

Ngoài yếu tố thuận lợi khách quan về giá phân bón thì các yếu tố chính mang đến thành công cho chúng tôi trước tiên phải kể đến sự hỗ trợ của Công ty Mẹ - Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PetroVietnam) – đặc biệt là việc ưu tiên cân đối đủ nguồn khí cho Nhà máy.

Ngoài ra, kết quả này có được còn nhờ vào sự đoàn kết, nỗ lực hết mình của tập thể CBCNV Tổng công ty; công tác vận hành, bảo dưỡng, và sửa chữa Nhà máy luôn được thực hiện tốt, do đó duy trì được sản xuất an toàn, ổn định, với công suất tối đa trong nhiều năm qua.

Song song đó là uy tín, thương hiệu Đạm Phú Mỹ đã được khẳng định; khả năng bám sát, dự báo tốt về thị trường, tận dụng thời cơ và định hướng đúng trong kinh doanh; cuối cùng là công tác quản lý rủi ro được chú trọng và thực hiện tốt.,

Xin ông cho biết những khó khăn mà PVFCCo đã trải qua trong năm vừa qua?

Năm 2011 là một năm có nhiều khó khăn và thử thách đối với các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó bao gồm cả PVFCCo. Ngoài những khó khăn chung về biến động tỷ giá, lạm phát và lãi suất cho vay cao, chúng tôi cũng phải đối mặt với nhiều thách thức đặc thù của ngành sản xuất phân bón.

Cụ thể, giá phân bón trong năm 2011 có nhiều biến động ngoài dự đoán cộng với nguồn ngoại tệ hạn chế cũng có ảnh hưởng nhất định tới hiệu quả kinh doanh hàng nhập khẩu. Đặc biệt trong năm 2011, giá khí đã tăng từ 3.62 USD/triệu BTU lên 4.59 USD/triệu BTU, cùng với việc tỷ giá VND/USD tăng gần 8% tính từ đầu năm, khiến cho chi phí mua khí (nguyên liệu sản xuất chính) tăng khoảng 34.7% so với kế hoạch.

Ngoài ra, sự biến động về giá xăng dầu cũng làm tăng chi phí vận chuyển, bốc xếp từ 20 đến 25%; và tăng các chi phí khác trong lưu thông từ 10 đến 15%. Năm 2011 cũng là năm thứ 7 Nhà máy Đạm Phú Mỹ vận hành liên tục đồng thời tiến hành bảo dưỡng sửa chữa lớn và phải dừng hoạt động trong vòng 1 tháng.

Với kết quả kinh doanh khả quan trong năm 2011, ông có thể tiết lộ về mức thưởng của PVFCCo dành cho CBCNV trong dịp Tết cổ truyền 2012?

Chúng tôi cho rằng thưởng Tết là khoản chi cần thiết để động viên và khích lệ tinh thần đội ngũ CBCNV đã làm việc hết sức tận tụy trong thời gian qua và đóng góp quan trọng tới thành công chung của toàn Tổng công ty. Mức thưởng Tết năm nay của PVFCCo cũng có khá hơn chút ít so với năm ngoái do hoạt động kinh doanh thuận lợi. Tuy nhiên, tiền thưởng cũng được cân đối theo mặt bằng chung của các công ty trong ngành, không tạo khoảng cách quá xa về thu nhập.

Đồng thời, chúng tôi cũng luôn đặt ra yêu cầu cho mỗi CBCNV cần nỗ lực hơn nữa để đóng góp cho sự phát triển chung của Tổng công ty.

Giá cổ phiếu DPM trong năm vừa qua giảm khá mạnh theo xu hướng chung của thị trường, điều này có ảnh hưởng đến hoạt động SXKD của Tổng công ty? Trong năm 2012, PVFCCo có kế hoạch gì để giá cổ phiếu không sụt giảm như vậy nữa?

Việc giảm giá cổ phiếu DPM trong thời gian qua chịu ảnh hưởng lớn bởi xu hướng chung của thị trường, còn hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty vẫn rất tốt, công bố thông tin vẫn đảm bảo theo quy định. Chúng tôi tin rằng nhà đầu tư là người hiểu rõ giá trị của DPM  và họ sẽ nhìn nhận để có quyết định đúng đắn.

Trong năm 2012, hoạt động sản xuất kinh doanh của chúng tôi vẫn được duy trì ổn định với phương châm “Phát triển bền vững”.

Trong trường hợp giá cổ phiếu xuống thấp, chúng tôi sẽ xem xét việc tiếp tục mua cổ phiếu quỹ. Đã nhiều lần DPM thực hiện mua cổ phiếu quỹ và lần gần đây nhất, khi giá cổ phiếu DPM dao động quanh mức 24-25,000 đồng/cổ phiếu, chúng tôi đã quyết định mua lại cổ phiếu DPM với số lượng đăng ký là 500,000 cổ phần.

Ông có thể chia sẻ với nhà đầu tư về kế hoạch của PVFCCo nhân dịp năm mới?

Năm 2012 là một năm khó khăn hơn nhiều đối với PVFCCo khi giá khí đầu vào tăng đến 40%, giá phân bón thế giới được dự báo không thuận lợi như năm 2011 và thị trường phân bón chuyển từ trạng thái thiếu cung sang thừa cung.

Với những yếu tố không thuận lợi như vậy, chúng tôi đặt kế hoạch cho năm 2012 với lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt  1,787 tỷ đồng, tăng 25% so với kế hoạch năm.

Chỉ tiêu này được xem là phù hợp với hoàn cảnh 2012.

Được biết, Nhà máy Đạm Cà Mau sẽ chính thức hoạt động trong năm 2012, điều này có trở ngại gì đối với hoạt động kinh doanh của PVFCCo?

Với sự ra đời của Nhà máy Đạm Cà Mau (công suất năm đầu tiên khoảng 610,000 tấn) sẽ khiến cho nguồn cung trong nước tăng đáng kể. Nhờ có hệ thống phân phối đã được xây dựng và phủ khắp cả nước nên PVFCCo được Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam giao nhiệm vụ phân phối sản phẩm Đạm Cà Mau nhằm phát huy lợi thế của hệ thống phân phối hiện có. Chúng tôi cho rằng đây vừa là cơ hội đồng thời cũng là thách thức đối với PVFCCo.

Để vượt qua được thách thức đó, chúng tôi đã chủ động xây dựng nhiều nhóm giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, giữ vững thị phần, đảm bảo hiệu quả và hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó chỉ tiêu doanh thu kế hoạch 2012 tăng 70% so với ước thực hiện 2011.

Ông có kỳ vọng gì cho nền kinh tế nước nhà cũng như thị trường chứng khoán trong năm mới?

Sang năm mới, tôi hy vọng lạm phát, lãi suất sẽ giảm và duy trì ổn định ở mức hợp lý, vì đây là những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân cũng như các doanh nghiệp. Khi nền kinh tế ổn định, tôi tin rằng thị trường chứng khoán sẽ hồi phục, mang lại niềm tin cho giới đầu tư.

Tôi cũng chúc các nhà đầu tư sẽ có một năm thành công và cùng nhau xây dựng để thị trường chứng khoán phát triển lành mạnh, tiếp tục là kênh huy động vốn hữu ích cho doanh nghiệp.

Viết Vinh thực hiện (Vietstock)

Finfonet

Các tin tức khác

>   OPC: Lợi nhuận cả năm tăng nhẹ, EPS đạt 5,451 đồng (20/01/2012)

>   EIB: Lãi ròng 3,051 tỷ đồng, gấp 1.6 lần năm trước (20/01/2012)

>   Doanh nghiệp cao su lên kế hoạch phòng thủ (20/01/2012)

>   HAG: Lợi nhuận ròng công ty mẹ quý 4 chỉ bằng 2% cùng kỳ (20/01/2012)

>   REE: Lãi ròng công ty mẹ gấp đôi 2010 nhờ hoạt động tài chính (20/01/2012)

>   SGT lỗ 4 quý liên tiếp, nâng lỗ cả năm lên 102 tỷ đồng (20/01/2012)

>   DSN: Lợi nhuận ròng 2011 tăng 52%, EPS đạt 6,745 đồng (20/01/2012)

>   Lãi vay cao, Đất Xanh bất ngờ báo lỗ hơn 16 tỷ đồng quý 4 (20/01/2012)

>   CTG ký hợp đồng tín dụng 100 triệu USD với Vinacomin (20/01/2012)

>   PXL: Quý 4 lỗ, cả năm chỉ đạt 4% kế hoạch (20/01/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật