Thời suy thoái, các công ty Mỹ sống sót cách nào?
Nhiều người Mỹ than phiền rằng các công ty Mỹ đang rất miễn cưỡng thuê thêm nhân công. Điều các công ty Mỹ quan tâm hiện nay không phải là làm sao thuê thêm nhiều nhân công để giảm tình trạng thất nghiệp mà là tìm cách cải thiện đáng kể năng suất.
Sau khi suy giảm trong nửa đầu năm nay, năng suất lao động Mỹ (sản lượng trên một giờ) trong quý III năm 2011 cao hơn 2,3% so cùng kỳ năm ngoái, tăng nhanh nhất trong 18 tháng qua. Năng suất sản xuất quý IV tăng 2,9% so với năm 2010. Tăng trưởng năng suất của Mỹ đã mạnh hơn so với các nước giàu khác. Hiện tại với các doanh nghiệp ở Mỹ, có hai cách có thể giữ cho năng suất ở mức tăng như quý vừa qua. Một là người lao động sợ mất việc nên các ông chủ khá dễ dàng đưa ra các hình thức tăng ca, thêm việc. Ngay cả các công ty có tổ chức công đoàn cũng cho biết người lao động còn đi làm sớm hơn hàng giờ đồng hồ để xếp hàng chờ đổi ca.
Hai là, thời điểm khó khăn buộc các công ty phải nghĩ cách để làm cho từng đơn vị sản xuất hoạt động hết công suất. Chẳng hạn công ty Sealed Air nâng cấp một máy đông lạnh sản phẩm thịt trong siêu thị để máy này có công suất 550 đơn vị/giờ thay vì 400 đơn vị/giờ như ba năm trước.
Các doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư vào cải tiến hơn, thay vì tích trữ tiền mặt hoặc mua cổ phiếu để tăng cổ phần trong công ty, họ đã chi nhiều hơn cho máy móc và công nghệ thông tin. Có thể thấy những ví dụ điển hình về quá trình thay đổi này ở các công ty Hertz, McDonald's và Starbucks. Nhìn chung, suy thoái kinh tế đã buộc các công ty Mỹ phải cứng cáp hơn, tạo cho họ lợi thế lớn hơn so với các đối thủ nước ngoài, tuy nhiên tất cả chỉ là tạm thời. Nói như William Hickey, ông chủ của Sealed Air, một nhà máy mở ở Mexico ban đầu sản xuất ít hơn một nhà máy ở Mỹ, nhưng chỉ trong bốn năm đã có thể sản xuất ở mức ngang bằng.
Khả Anh (Theo Economist)
sài gòn tiếp thị
|