Ngành kiểm toán, áp lực không chỉ từ bên ngoài
Trước thềm mở cửa hoàn toàn thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán, PGS.TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam cho rằng, thách thức lớn nhất của doanh nghiệp kiểm toán độc lập trong nước khi hội nhập là nâng cao chất lượng dịch vụ.
Từ ngày 1/1/2012, Việt Nam phải thực hiện cam kết WTO về việc mở cửa thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán. Ông đánh giá thế nào về cơ hội và thách thức của thị trường dịch vụ kiểm toán Việt Nam khi mở cửa thị trường?
Từ ngày 1/1/2012, theo cam kết với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Việt Nam phải mở cửa thị trường dịch vụ kiểm toán. Theo đó, thị trường dịch vụ kiểm toán Việt Nam sẽ "mở" hơn trước đây với việc cho phép các hãng kiểm toán nước ngoài được mở chi nhánh tại Việt Nam và cung cấp dịch vụ qua biên giới.
Hội nhập và mở cửa thị trường dịch vụ kế toán - kiểm toán là cơ hội để các công ty kiểm toán (CTKT) tiếp cận các chuẩn mực, phương pháp và kinh nghiệm kiểm toán. Nhưng cùng với đó, các hãng nước ngoài sẽ vào tìm kiếm khách hàng trong nước và điều đó sẽ đẩy các doanh nghiệp trong nước vào một cuộc cạnh tranh quyết liệt. Không chỉ bị cạnh tranh về thị phần, các CTKT trong nước còn đứng trước nguy cơ rất lớn bị chảy máu chất xám. Mà đối với loại hình dịch vụ xác nhận niềm tin như kiểm toán, chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố quyết định thương hiệu và sự thành công.
Nhưng sự cạnh tranh này sẽ tạo ra cơ hội cho các đơn vị được kiểm toán, có thêm sự lựa chọn các hãng kiểm toán cung cấp dịch vụ cho mình. Ngoài việc xác nhận sự trung thực, chính xác của BCTC, các đơn vị được kiểm toán có cơ hội được tư vấn, được hưởng giá trị gia tăng của dịch vụ kiểm toán.
Trước áp lực cạnh tranh từ bên ngoài như vậy, ông đánh giá thế nào về khả năng cạnh tranh, hội nhập của các CTKT?
Đến nay, có gần 150 CTKT đang hoạt động ở Việt Nam, trong đó có mặt của hầu hết CTKT lớn trên thế giới (Big 4), với đội ngũ kiểm toán viên hành nghề gần 2.000 người. Các CTKT, các kiểm toán viên đã cung cấp nhiều loại hình dịch vụ cho nền kinh tế, trong đó có dịch vụ kiểm toán báo cáo tài chính (BCTC), kiểm toán hoạt động, kiểm toán tuân thủ, cũng như cung cấp dịch vụ tư vấn kế toán, tài chính, tư vấn thuế, đầu tư, tái cấu trúc DN… Các dịch vụ này đã hỗ trợ tích cực cho các DN trong hoạt động kinh doanh, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, công khai, minh bạch, hỗ trợ trực tiếp và có hiệu quả cho Nhà nước trong kiểm kê, kiểm soát và lành mạnh hóa nền tài chính quốc gia.
Tuy nhiên, dịch vụ kiểm toán Việt Nam vẫn còn non trẻ, mới chỉ có lịch sử phát triển 20 năm. Trong khi đó, ở các quốc gia phát triển, kiểm toán độc lập đã có bề dày hàng thế kỷ. So với yêu cầu và kỳ vọng của xã hội, của các nhà đầu tư, thì chất lượng kiểm toán và chất lượng đội ngũ KTV còn một khoảng cách khá xa. Hoạt động kiểm toán độc lập mới chỉ cung cấp dịch vụ kiểm toán, tư vấn cho một số rất ít trong số hơn 500.000 DN và hàng vạn dự án. Ngoài ra, việc tuân thủ quy trình, quy tắc, thủ tục kiểm toán cũng còn nhiều vấn đề. Kiểm toán là hoạt động đặc thù, độc lập, khách quan và đòi hỏi rất cao ở tính kỷ luật, ở sự tôn trọng quy trình, quy tắc và thủ tục, cũng như đạo đức nghề nghiệp. Hiện tượng vi phạm hoặc không thực hiện đầy đủ các quy định về hoạt động kiểm toán vẫn diễn ra. Không ít trường hợp dịch vụ do kiểm toán cung cấp có chất lượng thấp, mang nặng tính kinh tế và tính đối phó.
Chính vì vậy, thách thức lớn nhất của CTKT khi mở cửa, hội nhập chính là chất lượng dịch vụ, là năng lực hành nghề của các KTV. Nếu không có sự quan tâm đúng mức đến vấn đề này, các CTKT Việt Nam có thể thua ngay trên sân nhà.
Vậy trước mắt, các CTKT đã phải chịu áp lực cạnh tranh lớn hay chưa, thưa ông?
Trong năm 2011, hội nghề nghiệp kế toán, kiểm toán đã ghi nhận một số chuyến thăm của các hội nghề nghiệp kế toán quốc tế và của một số công ty kiểm toán nước ngoài nhằm tìm hiểu về thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán Việt Nam.
Tôi được biết, ngoài hình thức đầu tư 100% vốn thì hình thức phổ biến hiện nay mà các hãng kiểm toán nước ngoài đang thâm nhập thị trường kiểm toán Việt Nam là tìm kiếm các CTKT trong nước đủ điều kiện làm công ty thành viên của hãng. Cho nên, trong ngắn hạn, áp lực cạnh tranh với hãng kiểm toán nước ngoài chưa lớn. Nhưng về dài hạn, nếu không nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng dịch vụ kiểm toán, các CTKT sẽ không thể trụ vững trước sự cạnh tranh từ bên ngoài cũng như đáp ứng được kỳ vọng của công chúng.
Bùi Trang thực hiện
Đầu tư chứng khoán
|