Ngân hàng dè dặt đặt chỉ tiêu tăng trưởng
Nhiều ngân hàng thương mại cổ phần đang rất dè dặt khi đề ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho năm 2012 ở mức thấp.
Ưu tiên hàng đầu là thu nợ
Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SeABank cho biết, nhiều năm trước, nợ xấu của SeABank đều ở dưới mức 1%, song năm 2011, đã tăng lên tới 2,8%. “Giờ đây, chúng tôi không còn nghĩ nhiều đến tăng trưởng tín dụng, mà chỉ tập trung vào việc thu hồi nợ. Đây cũng là tâm trạng chung của các ngân hàng thương mại”, bà Nga nói.
Không chỉ SeABank, mà hầu hết các ngân hàng đều khá dè dặt trong việc đề ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho năm 2012, một phần cũng vì đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn chưa công bố xếp loại từng ngân hàng.
Theo thông tin từ NHNN, có thể việc đánh giá, xếp hạng các ngân hàng sẽ được thực hiện mỗi quý một lần. NHNN sẽ thực hiện việc xếp hạng tín nhiệm với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và tiến tới công khai kết quả xếp hạng của mình.
Bà Nguyễn Thị An Bình, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Quân đội (MB) cho biết, tăng trưởng tín dụng của MB những năm trước luôn trên 20%/năm nhưng năm 2012, MB chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 15%. Khi NHNN có sự phân loại tín dụng với từng ngân hàng, thì MB sẽ điều chỉnh cho phù hợp với sự phân loại này.
“Tôi cho rằng, việc phân bổ hạn mức tín dụng theo từng nhóm là định hướng tốt của NHNN, vừa đảm bảo thắt chặt tiền tệ, song vẫn linh hoạt. Riêng MB đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 15% cho năm 2012, với những chi nhánh có tỷ lệ nợ xấu thấp. Những chi nhánh có tỷ lệ nợ xấu trên 3% thì phải tập trung thu hồi nợ, nếu thu hồi nợ tốt thì mới được giải ngân tiếp. Năm 2012, chúng tôi cũng sẽ triển khai nhiều hoạt động quản trị rủi ro theo thanh khoản”, bà Bình khẳng định.
Lo nợ xấu gia tăng
Tuy nhiên, cũng có một số ngân hàng vẫn mạnh dạn đề ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng khá cao cho năm nay. Đơn cử, Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng lên tới 20% cho năm nay. Tuy nhiên, số lượng ngân hàng “tự tin” như Vietinbank không nhiều. Đa phần các ngân hàng còn lại vẫn trong tình trạng nơm nớp lo nợ xấu.
Ngay cả “ông lớn” như Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng thừa nhận, nguy cơ nợ xấu gia tăng trong năm 2012 là rất lớn. Ông Ngô Văn Dũng, Giám đốc Ngân hàng BIDV Chi nhánh Hà Nội cho hay, cơ cấu khách hàng của BIDV Chủ yếu thuộc lĩnh vực xây lắp, giao thông - vận tải. Tuy nhiên, nhóm khách hàng này đang nằm trong đối tượng bị thắt chặt đầu tư công. Năm 2012, các dự án trong lĩnh vực giao thông sẽ không được sử dụng vốn trái phiếu chính phủ. “Vốn ngân sách bị thắt chặt, vốn tự có ít, vốn vay ngân hàng khó khăn, nên chủ đầu tư sẽ trây lỳ trả nợ ngân hàng. Có lẽ, cần phải xem xét lộ trình thắt chặt chi tiêu ngân sách trong lĩnh vực này”, ông Dũng nói.
Được biết, vừa qua, lãnh đạo BIDV cũng đã đặt ra nhiệm vụ quan trọng bậc nhất của các chi nhánh trong năm 2012 là thu hồi, xử lý nợ.
Ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng LienVietPost cho rằng, dù ngân hàng này vẫn đang khỏe mạnh, nhưng cũng không dám cho vay nhiều, vì lo nợ xấu.
Đại diện nhiều ngân hàng thương mại cổ phần cũng nhận định, với tình trạng vượt trần lãi suất, cho vay dưới chuẩn tràn lan như thời gian qua, nếu NHNN không sớm chấn chỉnh, chắc chắn nợ xấu còn gia tăng trong năm nay.
Như vậy, năm 2012 vẫn là năm cực kỳ khó khăn với các ngân hàng, song nói như ông Ngô Văn Dũng: “Cùng quá hóa biến. Khi khó khăn nhất cũng là lúc có thể bật dậy hay nhất. Hy vọng, với sự lãnh đạo sáng suốt của NHNN, các ngân hàng thương mại sẽ thành công, vượt qua khó khăn trong năm 2012”
Thùy Liên
ĐẦU TƯ
|