Năm 2012, vàng có hết loạn?
Tâm lý a dua của nhà đầu tư và sự thao túng của cửa hàng vàng khiến thị trường “bốc lửa”, còn công tác quản lý loay hoay, kém hiệu quả.
Vàng tiếp tục tăng giá Vũ điệu khùng của vàng Năm 2012, vàng vẫn là kênh trú ẩn an toàn?
Đầu tư “bầy đàn”, thị trường loạn…
2011 tiếp tục là năm “nóng” đối với vàng và quản lý thị trường vàng. Dường như cơ quan quản lý vẫn cứ loay hoay với câu chuyện quản lý thị trường vàng vốn đã “nóng” liên tục 3 – 4 năm trở lại đây, nhưng không giải quyết được dứt điểm.
Trong bối cảnh lạm phát cao, thị trường bất động sản nguội lạnh, chứng khoán sụt giảm thê thảm, lãi suất ngân hàng chưa đạt được như kỳ vọng, dễ hiểu khi rất nhiều người tìm đến kênh trú ẩn là vàng. Song chính chiếc “hầm trú ẩn” này cũng chứa đựng trong nó những rủi ro khôn lường với các nhà đầu tư cũng như mọi người dân. Và rồi kịch bản “loạn” giá vàng của vài năm trước lại diễn ra. Ngoại trừ số ít người may mắn chọn đúng thời điểm chốt lời và hoan hỉ vì có lãi, còn đa phần người dân khi “nhảy” vào thị trường vàng đều... thua.
|
Giá vàng "nhảy múa" đưa nhà đầu tư lao vào chảo lửa của vàng |
Những nhu cầu ảo, những giá ảo xây dựng từ những tin đồn đã được tạo ra và cơn sốt đã kéo hàng chục nghìn người, chủ yếu là nhỏ lẻ “nhảy vào lửa vàng”. Không chỉ lời đồn, chính báo chí cũng có phần trách nhiệm khi cập nhật từng giờ, từng phút về giá vàng, những phân tích và dự báo đa chiều.
Giữa lúc cả xã hội “hướng” về giá vàng thì đã có báo dẫn ý kiến của một chuyên gia dự báo giá vàng thế giới có thể lên tới 2.000 USD/oz. Rồi hàng loạt các bài báo khác “đổ dầu vào lửa” với những phân tích rủi ro của các nền kinh tế lớn trên thế giới như kinh tế Mỹ, châu Âu... Các cửa hàng vàng thay bảng giá liên tục chủ yếu theo hướng lên cũng thúc giục các nhà đầu tư nhỏ lao vào bẫy của giới đầu cơ giăng sẵn.
Người ta đã thống kê chỉ riêng một buổi sáng từ 9- 12h, Công ty Vàng bạc Bảo Tín Minh Châu thay giá 42 lần từ 44 triệu lên 46,3 triệu đồng/lượng. Tại các tiệm vàng, “đội ngũ môi giới, cò mồi “hoạt động hết công suất”, giở mọi ngón nghề tư vấn rồi tụ tập giả vờ mua, giả vờ bán, thì thầm nhỏ to, mua hộ bán hộ.
Những cú “làm giá” ngoạn mục kiểu như thế khiến vàng nhảy giá liên tục ở thời điểm “sốt cao” hồi tháng 8/2011. Người ta thấy dòng tiền bỗng dưng dịch chuyển từ ngân hàng... sang vàng vì không ít người dân đã ào ào rút tiền tiết kiệm để... lướt sóng vàng kiếm lời, cho dù sự hiểu biết về vàng cực kỳ hạn chế.
Ngày 9/8/2011 có lẽ là ngày đáng nhớ nhất của giới đầu tư vàng. Khi giá vàng thế giới đã lên đến 1.741 USD/oz, với tỷ giá trong nước ở thời điểm bấy giờ, giá vàng chỉ tương đương 43 triệu VND/lượng. Nhưng do tin đồn và tâm lý “bầy đàn”, các nhà kinh doanh vàng trong nước đã đẩy giá vàng lên đến 46,3 triệu VND/lượng.
Ở thời điểm giá cao lịch sử này, theo ước tính, các công ty kinh doanh vàng đã bán được ra thị trường 30.000 lượng vàng. Và chỉ sáng hôm sau, khi thông tin Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép nhập khẩu 5 tấn vàng được công bố, giá thị trường lập tức giảm 3 triệu VND/lượng.
Đến lúc này, các công ty kinh doanh vàng lại mua lại một lượng vàng lớn bán ra của các nhà đầu tư nhỏ – những người vừa hốt hoảng mua vào hôm qua với giá kỷ lục. Giá giảm xuống dưới 44 triệu VND/lượng và các tiệm vàng cũng như các công ty kinh doanh vàng hết... tiền mặt để trả cho khách, đành phải viết giấy nợ, y như hôm trước hết vàng vật chất phải viết giấy nợ vàng.
Có một thực tế bi hài là nhiều nhà đầu tư chưa hề được sờ tay vào vàng, mới nộp tiền nhận cái giấy nợ vàng nhưng rồi lại bán cái giấy nợ vàng để lấy cái giấy nợ tiền, chỉ có điều số tiền đã hao hụt một phần không nhỏ... Kể ra những diễn biến như thế để thấy rằng, chẳng đâu ứng xử với vàng như ở Việt Nam.
Đơn cử: 42 lần thay đổi giá vàng trong ngày 9/8/2011, một kỷ lục mà chẳng đâu có trong bối cảnh cả xã hội “điên loạn” theo... vàng; Giá vàng ở Việt Nam lên tới 49 triệu đồng/lượng, vượt đến 4–5 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới. Mặc cho những cảnh báo rủi ro, người ta vẫn tranh nhau đi mua vàng; Cầu vượt cung, người bán vàng trao cho người mua vàng bằng... giấy biên lai nợ; Vàng “sụt gấp” 3 triệu đồng/lượng sau 1 giờ, người ta thấy cảnh kẻ hoan hỉ, kẻ khóc ròng; Bán vàng bình ổn, không ít nghi ngờ rộ lên rằng doanh nghiệp kinh doanh vàng kiếm “bộn tiền”; Ngân hàng Nhà nước can thiệp bằng nhiều biện pháp: Cho nhập khẩu 5 tấn vàng; bán vàng bình ổn; cho phép doanh nghiệp và ngân hàng kinh doanh vàng bằng tài khoản, rồi tiếp đó chỉ cho doanh nghiệp có vốn trên 500 tỷ đồng sản xuất vàng miếng, chỉ có SJC đáp ứng được điều kiện (thực ra là gom vào để độc quyền quản lý)... Thế nhưng, thị trường vàng vẫn không ổn theo đúng nghĩa của nó.
Quản lý còn loay hoay
Một câu hỏi đặt ra là: Toàn bộ “thiệt hại” của những người đầu tư vàng, hay nói cách khác là những khoản “lợi nhuận” từ các cơn sốt vàng này rơi vào túi ai? Đáp án cho câu hỏi này có lẽ chỉ Ngân hàng Nhà nước mới trả lời được.
Trong khi đó, không ít chuyên gia nhận định, chính những can thiệp của Ngân hàng Nhà nước vào thị trường vàng gần đây như nhập khẩu vàng, dẹp bỏ sàn giao dịch vàng ảo hay kinh doanh vàng miếng, bán vàng bình ổn, chỉ là những giải pháp mang tính ngắn hạn và tỏ ra kém hiệu quả. Từ đó, đòi hỏi phải có những phương thức quản lý mới tuân theo các nguyên tắc của thị trường.
Thực tế thị trường vàng những ngày cuối tháng 12/2011 cho thấy, việc cân bằng và liên thông giữa giá vàng trong nước và thế giới vẫn là bất khả thi và chưa được thể hiện khi giá vàng trong nước vẫn cao hơn rất nhiều so với giá vàng thế giới, cho dù các doanh nghiệp và ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước cấp quyền kinh doanh vàng tài khoản để liên thông với giá thế giới.
Tiến sĩ Nguyễn Đại Lai, chuyên gia của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam:
“Độ vênh giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới bản chất là “độ lưu thông”, tức là bình thông nhau giữa ta và thế giới luôn xuất hiện rào cản. Lợi dụng sự không “đồng tốc” giữa giá thế giới với giá trong nước, nhiều tổ chức, cá nhân dễ dàng đầu cơ kiếm lời. Theo quan điểm của tôi, thời gian qua, thị trường vàng chắc chắn có sự làm giá của một số công ty, tổ chức mang tính chất độc quyền”. |
Chuyện gom vàng về một mối, thực chất là độc quyền mua bán vàng SJC được quyết định rất nhanh đã khiến không ít người dân thua thiệt khi “bán tháo” các loại vàng, miếng khác để đổi lại vàng SJC.
Năm mới 2012 đã đến, người ta chờ đợi những giải pháp hiệu quả hơn từ cơ quan quản lý, đặc biệt là từ Ngân hàng Nhà nước. Không ít chuyên gia lo lắng kiến nghị: thị trường vàng cần có sự quản lý hiệu quả hơn. ít nhất cơ quan quản lý phải xác định giá bán cũng cần được công khai minh bạch như: giá mua bán được đưa ra dựa trên công thức nào? Độ vênh giữa mua và bán bao nhiêu thì hợp lý? Khoảng cách giữa giá trong nước và thế giới phải là bao nhiêu?...
Cho đến giờ, Nghị định quản lý hoạt động kinh doanh vàng vẫn chưa được ban hành, song những người trong ngành vàng đang kỳ vọng sẽ có được những quy định thông thoáng hơn trong quản lý để thị trường vàng không còn hiện tượng “sốt” hay khan hiếm vàng như năm 2011.
Với người dân, có lời khuyên đáng giá nghìn vàng của ông Robert Kiyosaky – tác giả cuốn sách “Cha giàu cha nghèo”: “Khi tất cả đều đổ xô tới một bữa tiệc lớn do lòng tham dẫn dắt, người khôn ngoan hãy đừng say sưa uống quá nhiều và tốt nhất nên đứng sẵn sát lối ra”. Đây có thể là bài học hữu ích để năm 2012, ai có ý định đầu tư vàng cần thận trọng hơn.
Đức Thành
VOV
|