Mướt mồ hôi đòi nợ doanh nghiệp bất động sản
Nhiều công ty sản xuất, cung cấp thiết bị văn phòng, dịch vụ in ấn, tổ chức sự kiện, truyền thông đang đau đầu vì những khoản nợ khó đòi của doanh nghiệp bất động sản. Lương, thưởng của nhân viên treo ngược.
Khi thị trường này rơi vào bế tắc, một công ty bất động sản rơi vào thua lỗ, phá sản thì kéo theo hàng chục đối tác khác khóc dở mếu dở thu hồi vốn.
Xù nợ
Năm hết Tết đến cũng là lúc nhiều công ty phải thu hồi công nợ để quyết toán cuối năm. Nhưng để đòi được nợ của các doanh nghiệp bất động sản quả là chật vật - đó là một lời than thở của giám đốc một công ty thiết kế in ấn khi cả công ty đang trông chờ vào đồng lương và thưởng.
Công ty này chuyên thiết kế và in ấn cho các dự án, các công ty bất động sản. Năm vừa qua, số lượng công việc của công ty có tăng trưởng thấp hơn cùng kỳ do thị trường bất động sản lao đao. Vị giám đốc cho biết, đến nay số tiền về tài khoản vẫn chỉ bằng 1/3 do các "thượng đế" là các công ty bất động sản nợ không trả.
Đưa ra dẫn chứng, ông giám đốc lấy ví dụ, bên ông làm từ A tới Z một bộ hồ sơ nhận diện thương hiệu gồm tài liệu, tờ rơi, túi,... cho một doanh nghiệp bất động sản ở Mỹ Đình. Là mối quen, nên hầu như in xong xuôi, bên khách hàng mới quyết toán hết. Năm nay, số tiền nợ của riêng công ty này đã lên gần nửa tỷ vì năm nào cũng tồn đọng hàng trăm triệu không đòi được.
"Mặc dù công ty nói trên không có tiền mặt thanh toán ngay nhưng chúng tôi vẫn phải làm để giữ mối khách và cũng để dễ đòi nợ. Không ngờ tích tiểu thành đại, số nợ khó đòi ngày càng tăng... Tình cảnh thị trường thế này, không biết bao giờ mới đòi xong" - ông này ngậm ngùi.
Không công ty thiết kế in ấn mà ngay nhiều doanh nghiệp khác có liên quan tới cung ứng vật tư, thiết bị, dịch vụ phục vụ kinh doanh bất động sản cũng chịu cảnh mang tiếng có tiền.
Chị Ngô Thu Hương, giám đốc công ty truyền thông sự kiện than thở, thời điểm cuối năm để gặp bộ phận có trách nhiệm thanh toán bên công ty bất động sản rất khó khăn. Kế toán bên đối tác luôn kêu bận và tìm mọi lý do để trì hoãn, trốn tránh trả nợ.
Mới đây, chị nghe được thông tin phía doanh nghiệp bất động sản sẽ tạm ngừng thanh toán các khoản nợ cho đến hết Tết. "Tình hình này không biết lấy gì mà trả tiền nhân viên và các đơn vị đối tác", chị Hương ngậm ngùi.
Tiếp câu chuyện nợ nần của doanh nghiệp bất động sản, một đơn vị làm truyền thông có tiếng cũng đã phải ngậm quả đắng khi bị một doanh nghiệp bất động sản nợ tiền tài trợ. Để quảng bá cho một hoạt động xúc tiến thương mại, bằng quan hệ của mình giám đốc doanh nghiệp đã xin được tiền tài trợ vàng gần trăm triệu của một công ty bất động sản.
Trong lúc kinh tế khó khăn, để xin được khoản tài trợ này là điều không dễ dàng. Sự kiện diễn ra thành công, logo doanh nghiệp bất động sản luôn ở vị trí hot và sướng tên liên tục trong suốt sự kiện.
Niềm vui qua mau, doanh nghiệp quên mất việc chuyển nốt số tiền tài trợ. Vị giám đốc công ty truyền thông này đứng ngồi không yên khi bên đối tác đòi tiền tài trợ, còn doanh nghiệp bất động sản khất lần khất lượt vì không có kinh phí.
"Nợ vài trăm triệu tổ chức sự kiện còn chưa trả, chứ chưa nói tới các khoản nợ nhỏ lẻ như chương trình quảng cáo, bài pr vài triệu đồng. Rút kinh nghiệm giờ cứ phải tiền trao cháo múc", vị giám đốc đúc rút.
Khó khăn và lợi dụng khó khăn
2011 đúng là một năm khó khăn đen tối của giới kinh doanh bất động sản. Hàng loạt đơn vị đầu tư thứ cấp đã phải chấp nhận bán tháo dự án để lấy tiền trả nợ ngân hàng. Rùm beng nhất là sự kiện Công ty CP Địa ốc Dầu khí (PVL) công bố bán giảm giá 35%, chịu lỗ hàng chục tỷ đồng để lấy tiền trả nợ ngân hàng.
Vừa qua, Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh nhà ITC - doanh nghiệp có thâm niên trong ngành bất động sản và có khá nhiều quỹ đất, nhưng trong quý III/2011 cũng đã lỗ gần 38 tỷ đồng; Công ty Phát triển bất động sản Phát Đạt lỗ 7,17 tỷ đồng; Công ty cổ phần Đầu tư phát triển nhà Thủ Đức lỗ hơn 7,8 tỷ đồng...
Mới đây, Phát Đạt đã điều chỉnh giảm lợi nhuận trước thuế xuống chỉ còn 8 tỉ đồng. Kết quả kinh doanh quý III, doanh thu của công ty này chỉ đạt hơn 1 tỉ đồng lại đến từ hai nguồn phụ đó chính là tiền giữ xe. Đến thời điểm hiện tại, không ít doanh nghiệp địa ốc đã không thể trụ nổi trên thị trường.
Theo ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Đất Lành, năm 2012 chắc chắn là khó khăn hơn năm 2011 vì tình hình kinh tế còn khó khăn. Năm 2012 là năm thị trường sẽ cạnh tranh cực kỳ khốc liệt, sống còn. Doanh nghiệp nào đủ khôn ngoan, đủ bản lĩnh thì mới có thể sống được.
Là một lĩnh vực kinh tế lớn, có thể nói, việc nợ đọng tiền và mượn vốn của các đối tác để đầu tư, làm ăn kinh doanh trong bất động sản xưa nay không phải chuyện mới. Trong bối cảnh khó khăn về đầu vào, bế tắc về đầu ra của thị trường, chuyện doanh nghiệp kêu khó để khất lần, chậm trả cũng có cái lý của nó. Tuy nhiên phản cảm nhất là những đơn vị vin vào lý do khó khăn chung để vụ lợi, trốn tránh trách nhiệm của mình.
Mới đây, giới kinh doanh tại nhiều công ty truyền thông quảng cáo tại Hà Nội rỉ tai nhau, tỏ ra cảnh giác cao trước nhã ý đặt hàng làm truyền thông cho một sự kiện bất động sản trong năm mới. Bởi lý do, đơn vị đứng ra tổ chức sự kiện này hồi năm ngoái đã liên tục bị các đối tác làm ăn nhiều dự án trước đó tìm đến phanh phui nợ nần, thậm chí từng có vụ việc đơn vị này bị đối tác kiện ra tòa để đòi tiền mà kết cục vẫn không chịu trả.
Thế Anh - nhân viên kinh doanh của một công ty truyền thông cho biết, rất may anh đã được nhiều đầu mối chỉ báo trước. "Làm ăn với doanh nghiệp bất động sản trong bối cảnh hiện nay phải tìm hiểu kỹ càng và phải "nắm đằng chuôi" để tránh rước rủi ro, thiệt hại về mình" - anh này chắc mẩm.
Yến Nhi
DIỄN ĐÀN KINH TẾ VIỆT NAM
|