Thứ Năm, 12/01/2012 21:32

Mua lại công ty: Đích nhắm của người Nhật

Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kim Eng Việt Nam (KEVS) Lê Minh Tâm. 

Làn sóng các nhà đầu tư Nhật Bản đến và mua cổ phần các doanh nghiệp Việt Nam đang rộ lên. Những con số như 25% cổ phần của Nutifood, 48% của Giấy Sài Gòn, 57% của Công ty cổ phần Thực phẩm Quốc tế, hay 95% của Diana lần lượt được bán cho các đối tác người Nhật.

Danh sách các thương vụ như vậy còn dài. Chúng tôi có cuộc trò chuyện với ông Lê Minh Tâm, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kim Eng Việt Nam (KEVS), về xu hướng này.

Thưa ông, vì sao các nhà đầu tư Nhật lại thực hiện các thương vụ M&A, mua cổ phần các doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh kinh tế chưa hồi phục?

- Ông Lê Minh Tâm : Các nhà đầu tư Nhật phải đối diện với khó khăn rất lớn trong việc phát triển thị trường nội địa vốn từ lâu đã luôn trong trạng thái bão hòa, do đó việc họ bị cuốn hút bởi sự hấp dẫn và tiềm năng to lớn của thị trường Việt Nam là điều dễ hiểu.

Đa số các doanh nghiệp Việt Nam đang rất cần nguồn vốn nhưng việc tiếp cận nguồn vốn trong nước hiện tại lại rất hạn chế. Các doanh nghiệp Nhật đánh giá khó khăn chỉ là tạm thời, môi trường đầu tư, sự ổn định chính trị và tiềm năng to lớn của thị trường vẫn là chủ đạo.

Ở lĩnh vực nào, trong năm 2012, và những năm tới sẽ là đích nhắm của các nhà đầu tư Nhật, theo ông?

- Theo quan sát của tôi đó vẫn sẽ là lĩnh vực hàng tiêu dùng, phân phối, logistics, chăm sóc sức khỏe. Tóm lại là tất cả những ngành nghề khai thác được thị trường và dân số gần 90 triệu dân của Việt Nam. Bên cạnh đó các ngành nghề có hàm lượng kỹ thuật vừa phải nhưng thâm dụng sức lao động cũng được để mắt khi giúp nhà đầu tư nước ngoài có thể tối ưu hóa chi phí sản xuất và xuất khẩu ngược về chính quốc. Cuối cùng là các ngành nghề sản xuất tận dụng các nguyên vật liệu địa phương như việc các nhà đầu tư Nhật đang quan tâm đến lĩnh vực thủy sản.

Theo ông, việc các nhà đầu tư Nhật, thay vì đầu tư vào các dự án, lại chọn cách mua lại một phần doanh nghiệp Việt Nam, nhằm mục đích gì?

- Các nhà đầu tư Nhật chọn cách mua lại một phần doanh nghiệp Việt Nam là cách tối ưu giúp giảm chi phí và thời gian để có thể khai thác thị trường mới nổi với gần 90 triệu dân của Việt Nam. Thay vì tự thiết lập thị trường, họ đã khôn ngoan chọn cách bắt tay với đối tác Việt Nam. Con đường ngắn nhất, mang lại nhiều lợi ích và hiệu quả nhất để công ty nước ngoài xâm nhập vào Việt Nam chính là hoạt động M&A.

Điều này tác động như thế nào đến các doanh nghiệp trong nước?

- Lợi ích kèm theo khó khăn do có thêm đối tác nước ngoài tham gia vào quản trị doanh nghiệp luôn hiện hữu, đặc biệt là các nhà đầu tư Nhật vốn nổi tiếng khó tính. Họ đặt nặng vào độ tin cậy, cởi mở của các cổ đông và đòi hỏi rất cao về tính minh bạch của công ty.

Tôi cho rằng hiện nay các DN Việt Nam đã bắt đầu nhận thức lại việc tìm kiếm đối tác nước ngoài. Họ phải nghĩ tới hướng hợp tác lâu dài để cùng khai thác thị trường, mỗi bên có thể tận dụng ưu thế của mình. Chẳng hạn đối tác nội địa sẽ tìm thấy lợi ích cộng hưởng từ sự hợp tác do thông thạo thị trường trong nước khi nước ngoài có thế mạnh về tài chính, công nghệ và kỹ năng quản lý.

Một số thương vụ mua bán được các bên tuyên bố là mua với “mức giá cao hơn thị trường”. Phải chăng người Nhật sẵn sàng mua đắt?

- Vấn đề đắt rẻ thực sự không nên đặt ra ở đây. Khi nhà đầu tư chiến lược muốn mua số lượng lớn cổ phiếu của doanh nghiệp để được tham gia quản trị doanh nghiệp đó thì họ sẵn sàng trả giá Premium – giá cao nhất - là việc hết sức bình thường.

Một số doanh nghiệp cho rằng việc bán lại cổ phần là “đi tìm đối tác chiến lược”, còn dư luận lại nói là họ đang bị buộc phải bán công ty vì khó khăn?

- Theo tôi cần phải phân biệt rõ ràng hai khái niệm “đi tìm đối tác chiến lược” hay “bán lại”. “Đi tìm đối tác chiến lược” là các cổ đông hiện hữu đồng ý đi tìm cổ đông mới có các thế mạnh nhất định để cùng họ phát triển doanh nhgiệp theo những chiến lược đã định trước nhưng cổ đông hiện hữu vẫn nắm tỷ lệ cổ phần lớn.

Đối với trường hợp “bán lại” thì các cổ đông chiến lược chấp nhận nhượng đa số cổ phiếu hiện hữu và trở thành cổ đông chiếm số ít cổ phần trong công ty. Tuy nhiên không lọai trừ việc sau khi tìm được đối tác chiến lược các cổ đông hiện hữu lại đồng ý để các nhà đầu tư mới sở hữu đa số cổ phần trong công ty.

Vậy theo ông doanh nghiệp trong nước có cần phải làm gì?

- Các nhà đầu tư mới vào Việt Nam thường rất thận trọng, thường họ sẽ đi từ bước đầu tiên là trở thành nhà đầu tư chiến lược để có điều kiện hiểu kỹ và thâm nhập thị trường. Họ sẽ mua tiếp cổ phần trong doanh nghiệp khi điều kiện cho phép. Do vậy cần xem xét cụ thể tỷ lệ của nhà đầu tư mới tham gia vào doanh nghiệp ở mức nào và quyền hạn của họ đối với chiến lược phát triển, các vấn đề quản trị trong doanh nghiệp ra sao thì mới đánh giá được có thực sự doanh nghiệp đang tìm đối tác chiến lược hay không.

Ông nhìn thấy gì đằng sau làn sóng người Nhật đến và mua công ty ở Việt Nam hiện nay?

- Theo tôi xu hướng này không thể cưỡng lại được, đặc biệt khi Việt Nam chính thức phải dỡ bỏ mọi rào cản thương mại theo cam kết WTO. Các doanh nghiệp nước ngoài sẽ vào tự kinh doanh trực tiếp tại thị trường Việt Nam ngày càng nhiều, do đó các doanh nghiệp Việt Nam cũng buộc phải thay đổi tư duy, chuyển cách tiếp cận đối tác chiến lược. Tuy nhiên nếu có sự chuẩn bị tốt thì đây chính là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam thực sự hoàn thiện mình theo các chuẩn mực kinh doanh quốc tế.

Xin cảm ơn ông!

Tháng 11 năm ngoái, Kim Eng đã tư vấn thành công cho thương vụ Công ty Tama Global Investment Pte mua lại 20% cổ phần của Công ty cổ phần đầu tư và phát triển nhà đất Cotec (Cotecland). Mặc dù là tập đoàn hàng đầu tại Nhật Bản chuyên về xây dựng nhà ở với 210 chi nhánh và doanh thu 1,8 tỉ đô la/năm nhưng trong bối cảnh thị trường nhà đất tại Nhật đã bão hòa, Tama Home đã buộc phải hướng sự quan tâm nhiều hơn ra thị trường khu vực. Sau khảo sát, họ đánh giá rất cao tiềm năng phát triển của thị trường bất động sản của Việt Nam, đặc biệt Việt Nam lại là điểm đến du lịch, nghỉ dưỡng và làm việc được rất nhiều người Nhật yêu thích.

Hoàng Phi

TBKTSG Online

Các tin tức khác

>   LienVietPostBank phát hành 45 triệu cổ phiếu cho VNPost (12/01/2012)

>   Chế tạo thiết bị và Đóng tàu Hải Phòng: Chỉ có 4.5% cp được đăng ký mua (11/01/2012)

>   Lidovit được phát hành hơn 1.3 triệu cổ phiếu (11/01/2012)

>   SFI thuê APSC định giá tài sản để bán cổ phần cho China Merchant Group (11/01/2012)

>   VCB chính thức tăng vốn điều lệ lên 23,174 tỷ đồng (11/01/2012)

>   VCB thu hơn 11,800 tỷ đồng từ thương vụ với Mizuho (10/01/2012)

>   AGD thông qua phát hành 3 triệu cp cho cổ đông chiến lược (10/01/2012)

>   NHS: Phát hành hơn 2 triệu cổ phiếu, giá 10,000 đồng/cp (10/01/2012)

>   Oricombank được chấp thuận tăng vốn lên 3,384 tỷ đồng (09/01/2012)

>   VIR đã phát hành hơn 2.24 triệu cp, đạt tỷ lệ 75%  (09/01/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật