Kinh tế thế giới 2012: Khi đồng nhân dân tệ ló dạng
Đúng vào lúc các đồng tiền USD và euro đang chao đảo, giá vàng đang tụt, Trung Quốc có những động tác lạ kỳ nhằm tung đồng nhân dân tệ (NDT) vào thị trường trao đổi tài chính quốc tế.
Càng lạ kỳ hơn khi Nhật Bản cũng đồng tình với kế hoạch này.
Có những chuyện “đâu đâu” song lại tác động đến đồng USD và cục diện tài chính thế giới. AFP ngày 28-12-2011 loan tin ngay tuần lễ đầu tiên của năm 2012, nước Mỹ (sẽ) phải một lần nữa rơi vào cuộc đôi co giữa Đảng Dân chủ cầm quyền và Đảng Cộng hòa về mức trần nợ công của chính quyền liên bang.
Bộ Ngân khố Mỹ đã báo động rằng nợ công sẽ lên đến 15.194 tỉ USD, vượt ngưỡng cho phép trước đó là 15.081 tỉ USD. Siêu tiểu ban lưỡng đảng sẽ lại nhóm họp để tranh luận về một mức trần nợ được phép là bao nhiêu, nếu không đạt đến thỏa thuận vào thứ bảy 14-1-2012 thì chính phủ liên bang sẽ được “tự động” cho phép nợ thêm 1.200 tỉ USD, trần nợ công sẽ được “tự động” nâng lên đến 16.394 tỉ USD. Tức chính phủ liên bang sẽ được phép vay thêm 1.200 tỉ USD để chi tiêu.
Có điều với hệ số tín nhiệm từ AAA bị hạ xuống còn AA hôm 5-8-2011, lãi suất tiền vay này sẽ cao hơn. Được biết, nợ công của chính quyền liên bang Mỹ khoảng 100% GDP nước này, vào khoảng 14.953 tỉ USD, tính từ tháng 10-2010 đến tháng 9-2011.
Lãi suất thực tế là âm
Các ngân hàng trung ương đã mua trong năm 2011 từ 475 đến 500 tấn vàng. Lãi suất âm sẽ ký thác tiền vào đâu? Đây là câu hỏi đặt ra cho 1,4 tỉ người Trung Quốc, 1,1 tỉ người Ấn Độ và vô số người khác.
|
Hậu quả của việc vay nợ rồi in tiền này là lãi suất của người gửi tiết kiệm bị âm trong thực tế: ở Mỹ âm 3,25% và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (1) cam đoan sẽ ra sức giữ mức âm này.
Hôm 27-12, Bộ Ngân khố Mỹ (2) bán ra một đợt trái phiếu thời hạn ba tháng với lãi suất 0,025%, tăng “bộn” từ 0,005% tuần trước, và một loạt trái phiếu thời hạn sáu tháng với lãi suất chiết khấu là 0,055%, tăng “bộn” so với lãi suất 0,04% của tuần trước. Song so với tỉ lệ lạm phát là 3,4% (hôm 16-12) thì lãi suất tiết kiệm dài hạn rõ ràng là âm ở mức 3,25%!
Lãi suất thực tế âm không riêng ở nền kinh tế lớn nhất thế giới này. Trong số các nước G7, người tiết kiệm ở Vương quốc Anh thiệt thòi nhất với lãi suất âm 4,5%, chỉ có dân Nhật mới được lãi suất hơn 0 một chút. Trung Quốc và Ấn Độ cũng lãi suất âm khoảng 2% (3). Lãi suất âm như thế chính là một trong những nguồn bất ổn tâm lý tạo thành cơn sốt mua vàng.
Các ngân hàng trung ương đã mua trong năm 2011 từ 475 đến 500 tấn vàng. Lãi suất âm sẽ ký thác tiền vào đâu? Đây là câu hỏi đặt ra cho 1,4 tỉ người Trung Quốc, 1,1 tỉ người Ấn Độ và vô số người khác. Chắc là không phải vào đồng USD hay đồng euro nữa rồi!
Vàng và đồng nhân dân tệ
Trên bề nổi, có vẻ như việc người dân Trung Quốc mua vàng là một hành động rất bình thường. Trước kia, họ bị cấm giữ vàng, nay “cởi trói” để cho họ đặt tiền tiết kiệm vào đó cho “chắc”. Thế nhưng, đây lại chính là kế hoạch nhằm một mặt đưa đồng NDT vào thị trường trao đổi thế giới, mặt khác nhằm đánh đổ đồng USD và đồng euro.
“Mỹ và châu Âu định làm suy yếu vai trò dự trữ quốc tế của vàng. Họ không muốn thấy các nước khác chuyển sang dự trữ bằng vàng thay cho USD hay euro... Việc Trung Quốc gia tăng dự trữ vàng sẽ tác động như là một khuôn mẫu thúc đẩy các nước khác dự trữ ngày càng nhiều vàng hơn” - một bức điện trước đây được WikiLeaks “bật mí” phản ánh vàng như là công cụ của một cuộc chiến kinh tế. Bức điện này mang tựa đề: “Trung Quốc tăng trữ lượng vàng nhằm hạ hai con chim với một viên đá” (4).
Trong thực tế, ngay lúc này, khi vàng đang xuống giá hầu như “không thắng” từ ba tháng qua khiến không ít người “bỏ của chạy lấy người”, Trung Quốc vẫn chủ trương mua vàng vào. China Daily hôm 27-12 giật tít: “Đất nước được yêu cầu gia tăng dự trữ vàng”.
Mệnh lệnh này được Trương Kiến Huê, vụ trưởng Vụ Nghiên cứu trực thuộc Ngân hàng Nhà nước Trung Quốc, giải thích như sau: “Chính phủ Trung Quốc không chỉ nên đề phòng nguy cơ tác động của nạn lạm phát toàn cầu mà còn phải tối ưu hóa nguồn vốn ngoại tệ của mình, đồng thời mua vàng vào lúc mà giá vàng đang có những xê xích thuận lợi”. Vụ trưởng Trương quả quyết: “Các điều kiện kinh tế quốc tế suy yếu hiện nay, các nước xoay qua “in tiền”, hậu quả là lạm phát tăng cao và làm xói mòn niềm tin của nhà đầu tư. Vàng vẫn là nơi trú ẩn an toàn duy nhất”.
Trung Quốc hiện đang giữ 1.054 tấn vàng và chừng đó vẫn được xem là chưa đủ. Trung Quốc sẽ mua thêm bao nhiêu vàng nữa? Với 1.054 tấn vàng, tương đương 1,8% lượng ngoại tệ dự trữ của Bắc Kinh, Trung Quốc mới đứng thứ sáu thế giới, sau Mỹ (đứng đầu với 8.133 tấn, chiếm 76,6% dự trữ ngoại tệ của nước này) và Đức (3.396 tấn, 73,7%).
Trung Quốc sẽ mua thêm bao nhiêu vàng nữa, vụ trưởng Trương không cho biết, chỉ biết rằng Trung Quốc hiện có 3.200 tỉ USD ngoại tệ và đang nắm nhiều trái phiếu kho bạc nhất, khoảng 1/3 ngoại tệ sở hữu bằng trái phiếu Mỹ, 20% bằng trái phiếu mang mệnh giá là đồng euro. Và vào tháng 10-2011, Trung Quốc đã tống khứ đi được 14,2 tỉ USD trái phiếu Mỹ, đưa số trái phiếu còn “ngậm” xuống còn 1.130 tỉ USD.
Nhân dân tệ, đồng tiền trao đổi từ đây
Một tin chấn động hôm 27-12: “Chính phủ Nhật vừa loan báo Nhật Bản và Trung Quốc sẽ trực tiếp thúc đẩy trao đổi thương mại bằng đồng yen và đồng NDT mà không sử dụng đồng USD, đồng thời sẽ khuyến khích việc phát triển một thị trường dành cho các công ty tham gia các trao đổi này. Nhật cũng sẽ mua trái phiếu của Trung Quốc vào năm tới, khuyến khích trực tiếp thanh toán bằng yen và NDT nhằm giảm thiểu các bất trắc và chi phí chuyển đổi” (5).
Nghĩa là đồng NDT nay càng trở thành một đồng tiền trao đổi, sau khi từng trao đổi với Thái Lan đến 70 tỉ NDT (tương đương 11 tỉ USD), như một mở màn cho việc sử dụng đồng NDT trong ASEAN. Chưa hết, trên thị trường Hong Kong, số trái phiếu của các ngân hàng trung ương phát hành bằng đồng NDT đã tăng gấp ba, lên đến 112 tỉ NDT (18 tỉ USD).
Việc Nhật và Trung Quốc “nắm tay nhau” cũng dễ hiểu khi hai nước trao đổi với nhau những 340 tỉ USD trong năm ngoái. Song trên mặt trận tiền tệ thì đây chính là một đòn trí mạng đánh vào đồng USD (còn đồng euro thì “khỏi nói” nữa rồi), tuy rằng “thời thế, thế thời phải thế”. Thời thế mới đó là gì?
Julian D. W. Phillips của Global Watch giải thích: “Chúng ta đang chứng kiến những bước mở màn cho sự lớn mạnh của một đế chế Trung Hoa, thu hút đồng cảm các đối tác thương mại châu Á, đưa họ vào khối NDT châu Á... Sẽ là ngây thơ nếu nghĩ rằng Trung Quốc sẽ hỗ trợ châu Âu hoặc Mỹ trong các mối nợ nần hoặc các vấn đề của hệ thống ngân hàng, trừ phi điều đó trực tiếp dính tới sự phát triển của Trung Quốc”.
Sự ló dạng của một đồng tiền và của một đế chế mới bằng quyền lực “mềm” vẫn tốt hơn là bằng quyền lực “cứng”. Ngược lại, sự suy thoái của đồng USD và euro là minh chứng cho bài học lớn nhất của thập niên đầu tiên thế kỷ 21: vung tay quá trán như dưới trào ông Bush và EU trong thập niên qua chính là tự sát! Đừng bao giờ đếm xem tỉ lệ nợ/GDP là bao nhiêu, mà cân đong khả năng trả được nợ là bao nhiêu. Thập niên thứ nhì của thế kỷ 21 bắt đầu như thế đó.
HỮU NGHỊ
tuổi trẻ
|