Đợi làn sóng M&A năm 2012
Số lượng ngân hàng thương mại cổ phần sẽ giảm xuống dưới con số 30 cùng xu hướng mua bán, sáp nhập (M&A) dự đoán sẽ diễn ra mạnh trong năm 2012.Chỉ còn 2/3 ngân hàng tồn tại
Chỉ còn 2/3 ngân hàng tồn tại
Sự kiện ngân hàng hợp nhất đầu tiên của Việt Nam đi vào hoạt động từ ngày 1/1/2012 mà không gây ra bất kỳ xáo trộn nào đã mở đường cho lộ trình tái cấu trúc ngân hàng tại Việt Nam. Trước đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình cũng cho biết sẽ xử lý hết ngân hàng yếu kém trong năm 2012 (số ngân hàng thuộc diện yếu kém hiện chiếm khoảng 5% tổng số ngân hàng thương mại cổ phần). Như vậy, không khó để dự đoán, năm 2012, hoạt động mua bán, sáp nhập trên thị trường ngân hàng sẽ sôi động hơn năm 2011.
Nhiều chuyên gia ngân hàng dự báo, rất có thể, sau Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012, những thương vụ hợp nhất tiếp theo sẽ được công bố. Danh tính của các ngân hàng trong diện sắp được sáp nhập, hợp nhất đang được dư luận xới xáo. Được nhắc tới nhiều nhất là 5-6 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu lớn, hiệu quả thấp trong thời gian qua.
“Hoạt động M&A ngân hàng sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ năm 2012. Hiện nhiều ngân hàng đã tìm đối tác để sáp nhập. Số lượng ngân hàng thương mại nội địa có thể chỉ còn 2/3 trong tổng số 37 ngân hàng đang hoạt động hiện nay”, ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng nhận định.
Chung nhận định này, đại diện nhiều ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam cũng dự báo, sẽ có nhiều cuộc thâu tóm trên thị trường ngân hàng thời gian tới, nhất là các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu lớn. Ông Louis Taylor, Tổng giám đốc Ngân hàng TNHH Một thành viên Standard Chartered (Việt Nam) cho rằng, năm 2012, số lượng ngân hàng tại Việt Nam chắc chắn sẽ giảm do quá trình tái cấu trúc. Tuy nhiên, đây là bước đi cần thiết để tăng số lượng ngân hàng mạnh.
Khối tư nhân sẽ tham gia mạnh mẽ
Quyết liệt nhưng thận trọng, an toàn là phương châm tái cơ cấu ngân hàng của NHNN đặt ra trong năm 2012. Trong vụ hợp nhất 3 ngân hàng vừa qua, Nhà nước đã đứng ra “bảo đảm” với đại diện là BIDV. Tuy nhiên, năm 2012, nhiều vụ hợp nhất, sáp nhập có thể sẽ diễn ra mà không cần sự can thiệp của khối ngân hàng thương mại cổ phần quốc doanh.
Trước đó, Thống đốc NHNN cũng khẳng định, sẽ huy động khối tư nhân tham gia quá trình tái cơ cấu ngân hàng để giảm thiểu chi phí. TS. Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định: “Với phương pháp, cách làm hiện nay (khuyến khích các ngân hàng đứng ra mua bán, hợp nhất), tôi tin rằng, chúng ta sẽ không mất nhiều tiền để tái cơ cấu ngân hàng. Hiện các tổ chức tín dụng đều đã trích lập quỹ dự phòng rủi ro, với tổng mức dự phòng đạt trên 60% nợ xấu. Với nguồn tiền hiện nay, chúng ta hoàn toàn có thể cân đối được”.
Không chỉ tiết giảm chi phí, việc huy động khối tư nhân tham gia quá trình tái cơ cấu ngân hàng còn giảm rủi ro cho các ngân hàng quốc doanh. Chuyên gia tài chính, ngân hàng Nguyễn Thị Mùi cũng cho rằng, việc một ngân hàng thương mại cổ phần quốc doanh đứng ra hỗ trợ thanh khoản cho quá nhiều ngân hàng yếu như thời gian qua là không nên, có thể kéo theo rủi ro cả hệ thống và không giải quyết được tận gốc vấn đề.
Trên thực tế, việc trần lãi suất 14% chưa được dỡ bỏ dù nhiều ngân hàng đã phải xé rào lãi suất cho thấy, NHNN không nhượng bộ, kiên quyết để các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém bộc lộ điểm yếu.
Chính vì vậy, TS. Nguyễn Trí Hiếu dự báo, năm 2012 sẽ là năm hệ thống ngân hàng bộc lộ nhiều rủi ro và yếu kém có tính hệ thống, đặc biệt là nợ xấu, thanh khoản. Tuy nhiên, rủi ro của ngân hàng này cũng đồng nghĩa với cơ hội của ngân hàng khác.
Hà Tâm
ĐẦU TƯ
|