Thứ Hai, 16/01/2012 10:49

Doanh nghiệp Việt hướng ra "đại dương xanh"

Đầu tư ra nước ngoài đang là cụm từ "hot" đối với hàng loạt tập đoàn, ngân hàng thương mại lớn của Việt Nam.

Đại dương xanh là những khoảng trống thị trường chưa được khai phá, còn có rất nhiều cơ hội phát triển hứa hẹn đem lại lợi nhuận cao. Đơn cử, trong bối cảnh cuộc cạnh tranh tại thị trường trong nước ngày càng khốc liệt, thị trường Lào hay Campuchia đang được nhiều doanh nghiệp Việt Nam hướng đến.

Các tập đoàn tiên phong

Hai thị trường láng giềng này của Việt Nam có tốc độ phát triển khá nhanh so với các nước khác trong khu vực nhờ vào trữ lượng tài nguyên thiên nhiên dồi dào và tiềm năng phát triển du lịch, dịch vụ. Tại Campuchia, tốc độ tăng GDP khá ổn định: 4,7%/năm, dân số 14,2 triệu người trong khi mức tăng giá tiêu dùng trung bình hàng năm chỉ vào khoảng 5%. Theo Ngân hàng Thế giới, GDP bình quân trên đầu người tại Lào, Campuchia chỉ ở mức tương ứng 706 USD và 805 USD/năm, thấp hơn 35-40% so với GDP bình quân đầu người tại Việt Nam, phản ánh mức sống và chi phí thấp của người dân.

Hoàng Anh Gia Lai (HAG) là một trong những tập đoàn tiên phong đầu tư vào thị trường Lào và Campuchia khi sớm nhận ra tiềm năng khoáng sản cũng như nguồn nhân công giá rẻ. Từ mũi nhọn kinh doanh bất động sản, HAG đã chuyển hướng sang trồng cao su tại hai quốc gia này. Trồng rừng từ năm 2007, dự kiến đến năm 2014 tập đoàn này sẽ sở hữu 100.000 ha rừng cao su. Theo thông tin mới nhất, HAG đã hoàn thành trồng mới 35.741 ha cao su trong năm 2011 và sẽ tiến hành khai thác mủ cao su tại Lào từ lứa cây đầu tiên vào tháng 7/2012. Đối với khai thác mỏ, HAG đang tiến hành thủ tục xin cấp giấy phép khai thác tại Lào và Campuchia. Tỷ trọng hai mảng doanh thu sản xuất đã tăng lên, chiếm 41% tổng doanh thu trong năm 2011 so với mức 19% năm trước, thay thế dần mảng bất động sản đang gặp khó. Không chỉ vậy, HAG dự kiến sẽ đầu tư sang thị trường Myanmar 200 triệu USD để xây dựng khu phức hợp khách sạn, trung tâm thương mại, căn hộ. Liệu đây có phải "đại dương xanh" mới của HAG, bởi đất nước này vẫn còn khá tách biệt với thế giới: 0,1% dân số sử dụng Internet, không có máy ATM, giá SIM điện thoại di động lên đến 1.000 USD/chiếc?

…Và tiếp bước là ngân hàng thương mại

Xu hướng đầu tư sang nước ngoài không chỉ được các tập đoàn lớn như: Hoàng Anh Gia Lai (HAG), Hòa Phát (HPG), Viettel lựa chọn mà còn trở thành một làn sóng đối với các ngân hàng thương mại (NHTM) như Sacombank (STB), Agribank, BIDV, Quân đội. Điều này cũng là lẽ tự nhiên, bởi giữa các doanh nghiệp và các NHTM có mối quan hệ tín dụng nên khi các doanh nghiệp "xuất ngoại", các NHTM cũng sẽ bám theo để vừa giám sát tín dụng vừa khai thác được lợi thế mạng lưới của người đi tiên phong. Bên cạnh đó, giữa các tập đoàn và NHTM lại có mối quan hệ cổ đông chiến lược, nên việc chia sẻ kinh nghiệm đầu tư và khai thác mạng lưới khách hàng tại nước ngoài tỏ ra rất hữu dụng. Đơn cử như trường hợp Viettel và Ngân hàng Quân đội (MBB), trong đó nhà mạng viễn thông quân đội nắm giữ 10% cổ phần tại MB. Viettel là đơn vị tiên phong, cung cấp dịch vụ viễn thông di động tại Lào, Campuchia. Vì thế, cuộc "tấn công" của MBB sang Lào hay Campuchia diễn ra khá suôn sẻ vì tận dụng được lợi thế của cổ đông chiến lược Viettel.

Hơn thế nữa, thị trường chứng khoán tại các nước Lào, Campuchia chưa phát triển, dịch vụ ngân hàng còn khá nghèo nàn, người dân còn chưa có ý thức sử dụng sản phẩm tài chính cá nhân như thẻ ATM, tín dụng... Chính vì vậy, đầu tư sang các thị trường này là bước đón đầu cơ hội phát triển dịch vụ ngân hàng truyền thống cũng như lĩnh vực liên ngân hàng, ngoại hối. Chỉ riêng việc huy động ngoại tệ với lãi suất không bị siết chặt như thị trường trong nước cũng đã là cái lợi của những "người tiên phong". Tại thị trường Việt Nam, lãi suất huy động bằng USD theo công bố của Sacombank cũng như các NHTM khác đều bị cào bằng ở mức 2%/năm cho tất các kỳ hạn. Tuy nhiên, tại chi nhánh Campuchia của Sacombank hay BIDV, MBB, đường cong lãi suất đã xuất hiện trở lại: biến động từ 2- 5%/năm cho kỳ hạn từ 1 tháng đến 1 năm. Lãi suất cho vay USD tại thị trường Việt Nam đang phổ biến ở mức 7 - 9%/năm, do vậy, các NHTM vẫn có thể đạt mức lãi cận biên tối thiểu 2%. Theo thống kê của Bộ Du lịch Campuchia, trong năm 2010, đất nước Chùa Tháp đã đón trên 2,5 triệu lượt khách du lịch, doanh thu từ du lịch đạt 1,78 tỷ USD. Mức doanh thu này chỉ bằng 40% so với con số tương ứng tại Việt Nam, nhưng việc niêm yết giá hay thanh toán bằng USD rất phổ biến trong sinh hoạt hàng ngày của người dân Campuchia, tạo điều kiện thuận lợi cho các dịch vụ ngân hàng liên quan tới ngoại hối phát triển.

Cẩn trọng không bao giờ thừa

Đầu tư ra nước ngoài luôn gắn với rủi ro của quốc gia tiếp nhận đầu tư như: ổn định chính trị, kinh tế vĩ mô, hệ thống pháp lý, tài chính. Theo các chuyên gia, một khía cạnh quan trọng phải cân nhắc khi đầu tư ra nước ngoài là sức mạnh của đồng tiền bản địa. Lấy ví dụ, đối với các tập đoàn Nhật Bản, đồng Yên chịu lãi suất thấp gần 0% và tăng giá mạnh so với các ngoại tệ khác như USD, baht Thái, vì vậy, đây chính là điều kiện thuận lợi để mở rộng sản xuất tại Thái Lan, Malaysia, để nắm bắt cơ hội mua tài sản rẻ hơn và chi phí nhân công thấp hơn. Lợi thế của VND kém hơn đồng Yên do lãi suất cao trên 14%/năm và áp lực giảm giá do nhập siêu. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài sẽ phải chịu rủi ro về tỷ giá khi huy động vốn đầu tư bằng USD và chuyển đổi sang tiền bản địa.

Hơn nữa, kinh doanh dịch vụ ở nước ngoài cần sự am hiểu văn hóa địa phương. Ngân hàng ANZ đã rất khôn ngoan khi đặt tên thương hiệu tại Vương quốc Campuchia của mình là ANZ Royal (Hoàng gia), nhằm tăng thêm mức độ tin tưởng và khả năng nhận biết thương hiệu. Tương tự, Viettel thành lập công ty viễn thông 100% vốn nước ngoài tại Lào nhưng không sử dụng thương hiệu quen thuộc mà chọn cái tên lạ lẫm METfone. Từ MET phát âm trùng với từ "bạn" trong tiếng Khmer, tạo nên sự gần gũi, thân thiện cho khách hàng. Còn tại Lào, do người dân không có thói quen làm việc ngoài giờ hay cuối tuần, không quen tác phong quân đội "quân lệnh như sơn", nên Viettel đã tổ chức lớp đào tạo tiếng Việt và nghiệp vụ cho nhân viên bản địa. Kết quả là các nhân viên này hòa nhập rất tốt với môi trường làm việc và tôn trọng văn hóa công ty mang dấu ấn Viettel.

Một điều đáng nói nữa là cuộc cạnh tranh với các đối thủ ở tầm cỡ quốc tế, có thương hiệu lâu đời, xuất hiện trước. Đối với thị trường ngân hàng tại Campuchia, sự xuất hiện các ông lớn như ANZ, Maybank, Bank of China, Bank of India khiến cho "cuộc chơi" không dễ đoán định. Chỉ tính riêng bốn ngân hàng lớn nhất gồm: ACLEDA Bank, Canadia Bank, Campubank và ANZ Royal đã nắm giữ tới 64% tổng tài sản, 72% tổng dư nợ và 70% tổng tiền gửi trên toàn hệ thống. Sự xuất hiện của các NHTM "sinh sau đẻ muộn" sẽ phải chịu áp lực không nhỏ từ 4 đối thủ đáng gờm này. Tuy vậy, tiềm năng của "đại dương xanh" là cơ hội lớn để các doanh nghiệp khai phá và phát triển lên tầm cao mới.

Tại chi nhánh Campuchia của Sacombank (STB) hay BIDV, MB, đường cong lãi suất đã xuất hiện trở lại: biến động từ 2% đến 5%/năm cho kỳ hạn từ 1 tháng đến 1 năm. Lãi suất cho vay USD tại thị trường Việt Nam đang phổ biến ở mức 7% - 9%/năm, do vậy các NHTM vẫn có thể đạt mức lãi cận biên tối thiểu 2%.

Theo thông tin mới nhất, tỷ trọng hai mảng doanh thu từ khai thác cao su và khai mỏ của HAGL đã chiếm 41% tổng doanh thu trong năm 2011 so với mức 19% năm trước, thay thế dần mảng bất động sản đang gặp khó. Không chỉ vậy, HAGL dự kiến sẽ đầu tư sang thị trường Myanmar 200 triệu USD để xây dựng khu phức hợp khách sạn, trung tâm thương mại, căn hộ.

Anh Quân

diễn đàn doanh nghiệp

Các tin tức khác

>   DPC: 07/02 chốt quyền dự ĐHĐCĐ thường niên 2012 (16/01/2012)

>   CTG: Lọt vào top 20 DN lớn nhất Việt Nam (16/01/2012)

>   IMP, DMH, DHT, Yteco... bị đề nghị xử lý vi phạm pháp luật (14/01/2012)

>   S&P nâng triển vọng tín nhiệm VCB từ ‘tiêu cực’ lên ‘ổn định’ (14/01/2012)

>   SVS: 02/02 chốt quyền dự ĐHĐCĐ thường niên 2012 (13/01/2012)

>   FLC, SAM, THB: Chốt quyền dự ĐHĐCĐ thường niên 2012 (13/01/2012)

>   PVD khen thưởng hơn 690,000 cp cho CBCNV (11/01/2012)

>   LCG: 02/02 chốt quyền dự ĐHĐCĐ thường niên 2012 (11/01/2012)

>   S55: 18/01 chốt quyền dự ĐHĐCĐ thường niên 2012  (11/01/2012)

>   Công ty lỗ 4 quý liên tiếp sắp tổ chức đại hội thường niên (11/01/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật