Thứ Sáu, 27/01/2012 15:57

Đầu năm… hãy xem đầu cơ chia “lộc”

Mấy năm rồi, giá hàng hóa trên thị trường thế giới hình như đã không đi theo đường cũ. Khi sản lượng, nguồn cung ứng giảm, giá tăng và ngược lại. Cái quy luật tất yếu ấy của giá hàng hóa không còn trong sáng như người ta tưởng nữa, đặc biệt các loại hàng hóa được giao dịch trên thị trường kỳ hạn, hoàn toàn liên thông với thị trường tài chính.

Trong những lần khủng hoảng kinh tế trước đây, có khi giá hàng hóa xuống rẻ như bèo. Như mặt hàng cà phê trong đợt khủng hoảng 1930 của thế kỷ trước, Brazil phải đổ cứ mỗi lần như thế hàng ngàn tấn để đốt lò thay than cho xe lửa chạy… Nhưng nay khủng hoảng có khác, giá lương thực- thực phẩm, giá nguyên liệu cứ tăng vèo vèo.

Từ mấy năm nay, các quỹ phòng hộ (hedge funds) hay nhiều người còn gọi là đầu cơ tài chính đã trở thành một lực lượng hùng mạnh, một con bạch tuột khổng lồ trong các thị trường tài chính. Chỉ trong vòng chưa đầy 20 năm, tổng tài sản ước tính của các quỹ đầu cơ này tăng như vũ bão, từ chỉ 38 tỉ đô la Mỹ trong năm 1990 thì đến năm 2000 đã lên 490 tỉ, năm 2007 là 1.868 tỉ, năm 2008 là 1.600 tỉ và năm 2011 ước chừng 2.000 tỉ đô la Mỹ.

Nếu như đầu cơ kiểu cũ thường “ém hàng thực” để tạo khan hiếm thì đầu cơ tài chính thường chỉ dùng tiền để hút tiền. Còn việc “ém hàng” làm sao để hút cho được tiền về, họ giao cho các hãng kinh doanh lớn. Như trong cà phê, họ chỉ cần bung một lượng tiền cực lớn cho ai đó “quậy” miễn làm sao đưa lợi nhuận về tối đa về túi của họ, chẳng cần biết hạt cà phê màu xanh hay đỏ.

Hai năm nay, đặc biệt trong năm 2011, báo chí thương mại đã tốn biết bao nhiêu giấy mực để nói về thị trường kim loại vàng. Đến nay, số phận của thị trường này đã được nhiều người khẳng định rằng giá vàng nhảy lên nhảy xuống liên hồi chẳng vì do cung-cầu gì sất, mà chỉ nhờ các tay đầu cơ tài chính. Họ bàn bạc và quy ước với nhau rằng “ê, tụi mình dựng ‘thằng vàng’ lên thành cái đại loại như ‘hàng rào chống lạm phát’ hay cứ gán cho nó cái tên ‘nơi trú ẩn an toàn’gì gì đấy để kiếm lộc đầu xuân!". Và thế là họ dựng thành công thị trường này thật.

Để gây chú ý và tạo niềm tin cho các tay chơi, họ đã dùng chiêu này: cứ một khi giá thị trường chứng khoán giảm, các quỹ đầu cơ tài chính bơm thật mạnh tiền vào thị trường kỳ hạn vàng để gây ấn tượng như vàng là nơi trú ẩn an toàn. Họ mua, mua và kích mua; tạo tin đồn về nhu cầu thiếu giả tạo và có khi đoán giá vàng sẽ tăng lên mức 2.300 đô la Mỹ/ounce. Một lần chưa tin, hai lần chưa tin…lần thứ ba thiên hạ ắt phải tin. Nhiều người tin chuyện ấy thật! Vì…mua xong là giá tăng ngay cơ mà!

SPDR là một trong vài hãng đầu tư và môi giới vàng lớn nhất thế giới. Ai đứng đàng sau họ? Paulson&Co, quỹ đầu cơ tài chính lớn này có cổ phần lớn nhất trong SPDR Gold Shares. Chính họ đã mua đẩy giá vàng tăng khi giá kỳ hạn còn thấp, để rồi “sớm hơn người ta một bước” thanh lý bán ra từ mức cao 1.920 đô la/ounce trong khi người khác đang chờ đợi dài cổ mức tăng kỳ vọng 2.300 đô la cũng do chính các quỹ đầu cơ này tung tin hết sức kỳ ảo. Dĩ nhiên, ai thua nấy chịu. Cá quỹ đầu cơ tài chính chỉ việc thắng và bỏ tiền vào túi một cách công khai, chẳng sợ ai nói ra nói vào.

Biết rằng khủng hoảng kinh tế thế giới hiện nay bội phần do đầu cơ tài chính tạo nên, nhưng giới cầm quyền phương Tây chẳng ai dám chỉ mặt đặt tên cả. Ngay trong Thông điệp liên bang đầu năm 2012, tổng thống Mỹ Barack Obama cũng không nói thẳng ai là người đang khuynh đảo giá hàng hóa, gây nên cảnh đói nghèo tại không riêng nước Mỹ mà còn ở các nước châu Âu, song chỉ ôn tồn khuyến khích bà con lao động thôi ráng làm việc tốt thì thế nào cũng có xe hơi nhà lầu.

Nếu như vào cuối những năm 1970, 1% người giàu nhất nước Mỹ chiếm 9% thu nhập và 18% tài sản quốc gia thì đến năm 2007 họ đã có hơn 23% tổng thu nhập và 35% tài sản quốc gia. Nếu những năm 1970 lương hàng năm của các CEO Mỹ cao 40 lần hơn lương bình quân trung bình thì đến giữa thập niên trước đã hơn trên 300 lần.

Hố cách ngăn giữa giàu và nghèo càng lúc càng sâu, sâu đến mức người giàu chia mấy cũng không xuể cho người nghèo. Chỉ riêng lương năm của các CEO tại chừng mươi quỹ đầu cơ đầu cơ tài chính và ngân hàng lớn ở Âu Mỹ sơ sơ chừng 25 tỉ đô la, bằng một phần tư tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2011 của toàn bộ nước ta.

Sau đây, chỉ đơn cử lương của 5 vị trong các năm 2009 và 2010:

Cuối tháng 1-2012, ngay trong dịp tết Nhâm Thìn của Việt Nam, một quỹ đầu cơ đồng thời là một ngân hàng bơm vốn cho đầu cơ tài chính, Goldman Sachs, đã gây chấn động thế giới khi quyết định trả thưởng (bonus) cho năm 2011 lên đến 12 tỉ đô la! Báo chí phương Tây đã lồng lộn lên vì số tiền thưởng khổng lồ. Nhưng một vị lãnh đạo trong hãng ấy vẫn coi dư luận như không, còn bạo miệng bào chữa rằng nếu như giữa búa rìu dư luận và quyền lợi của ‘anh em’ trong hãng, họ sẵn sàng chọn quyền lợi anh em! Với lượng tiền thưởng không lồ này, nếu chia bình quân, một anh thư ký rất bình thường của hãng ấy có thể nhận 400.000 đô la tiền thưởng.

Công bằng chỉ là một hình dung từ rỗng tuếch bao lâu thế giới chưa thuần hóa được những con bạch tuộc tài chính này.

Nguyễn Quang Bình

TBKTSG Online

Các tin tức khác

>   Vàng loạn giá, lên 46,35 triệu đồng/lượng (27/01/2012)

>   Tăng gần 30 USD/oz, vàng lên cao nhất trong 7 tuần (27/01/2012)

>   Vàng vượt 1,700 USD/oz nhờ chính sách nới lỏng của Fed (26/01/2012)

>   Vàng xuống dưới 1,665 USD/oz do USD tăng (25/01/2012)

>   Vàng tăng gần 1% lên cao nhất trong 6 tuần (24/01/2012)

>   Mùng 1 tết, giá vàng lên 45 triệu đồng/lượng (23/01/2012)

>   28 Tết, vàng bất ngờ lên 45 triệu đồng/lượng (21/01/2012)

>   Vàng tăng 2%/tuần lên trên 1,666 USD/oz, bạc vọt 7.3% (21/01/2012)

>   Giá vàng trong nước ngược chiều thế giới (20/01/2012)

>   Vàng lùi về sát 1,650 USD/oz sau hai phiên tăng (20/01/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật