Thứ Ba, 24/01/2012 17:27

Chứng khoán toàn cầu sẽ hấp dẫn hơn vào cuối năm 2012

(Vietstock) – Kể từ đầu tháng 10/2011 đến nay, chỉ số MSCI thế giới đã tăng hơn 10%. Liệu đà tăng này có phải là sự khởi đầu của một đợt phục hồi lâu dài? Còn nếu không thì chất xúc tác nào là cần thiết để đẩy các thị trường chứng khoán thế giới lên cao?

Trong phần lớn thời gian của năm 2011, nhà đầu tư toàn cầu chủ yếu lo lắng về 5 rủi ro: khả năng suy thoái kép tại Mỹ, nguy cơ “hạ cánh cứng” của Trung Quốc, sự thất bại của các thị trường vốn Eurozone và những tác động kèm theo đối với các ngân hàng khu vực, cuối cùng là triển vọng lợi nhuận tiêu cực của các doanh nghiệp Mỹ. Do đó, họ đã găm giữ tiền mặt và tập trung vào các tài sản được xem là nơi trú ẩn an toàn như trái phiếu Chính phủ G4 (tức trái phiếu của Eurozone, Nhật Bản, Anh và Mỹ) trong năm 2011.

Trong 3 tháng qua, dòng vốn toàn cầu lại chảy tương đối chậm vào trái phiếu doanh nghiệp có lợi suất cao cũng như cổ phiếu của các công ty giàu tiền mặt và chia nhiều cổ tức thuộc lĩnh vực phòng thủ. Đáng chú ý, đà tăng của các nhóm cổ phiếu phòng thủ vượt xa nhóm cổ phiếu chu kỳ trong các tháng gần đây. Một phần nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi trong hành vi của nhà đầu tư là do sự thất vọng về mức lợi suất thấp trên thị trường tiền tệ và quan niệm rằng lãi suất chính thức sẽ còn đứng ở mức thấp trong một thời gian dài. Tuy nhiên, cũng có một lý do khác là sự thay đổi liên tục của các yếu tố rủi ro trên thị trường.

Rõ ràng, rủi ro suy thoái kép tại Mỹ đã suy giảm đáng kể và khả năng “hạ cánh cứng” tại Trung Quốc cũng rút lui. Tại Mỹ, chỉ số sản xuất của Viện Quản lý Nguồn cung (ISM) cải thiện lên mức 53.9 điểm, chỉ số dịch vụ của ISM phục hồi về mức 52.6 điểm và chỉ số niềm tin tiêu dùng tháng 1 của Đại học Michigan cũng tăng lên 74 điểm. Tất cả các số liệu này đều nhất quán với tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực ở vào khoảng 2.5%.

Trong khi đó, mức tăng trưởng GDP thực của Trung Quốc trong quý 4/2011 là 8.9% với doanh số bán lẻ tăng 18.1% so với cùng kỳ năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu và sản lượng công nghiệp tăng lần lượt 13.4% và 12.8%. Các dự báo về mức tăng trưởng 8-9% của Trung Quốc trong năm 2012 vẫn còn hợp lý và hiện nước này, cũng như nhiều nền kinh tế mới nổi khác, đang bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ.

Tại Eurozone, việc gia tăng thanh khoản dự phòng cho lĩnh vực ngân hàng đã phát huy hiệu quả như mong muốn là bình ổn lợi suất trái phiếu Chính phủ Ý và Tây Ban Nha. Dù việc tài trợ cho quỹ giải cứu Eurozone, phê chuẩn kế hoạch tái cấu trúc nợ của Hy Lạp và thực hiện chiến lược tăng trưởng vẫn chưa được giải quyết nhưng việc hạ bậc tín nhiệm hàng loạt quốc gia mới đây của S&P đã được chiết khấu hết vào các thị trường. Bên cạnh đó, phản ứng đối với gói ngân sách của Tây Ban Nha và Ý cho tới nay là khá tích cực. Hơn nữa, dù phần lớn các quốc gia Eurozone còn chìm trong suy thoái nhưng chỉ số PMI tổng hợp đã tăng nhẹ lên mức 48.3 điểm trong khi cuộc khảo sát của Viện nghiên cứu kinh tế Đức (ZEW) cho thấy niềm tin về nền kinh tế đã cải thiện đáng kể trong tháng qua.

Và dù việc huy động vốn của các ngân hàng châu Âu khá khó khăn nhưng các ngân hàng này vẫn đang tăng cường bảng cân đối kế toán thông qua việc chuyển nhượng tài sản và nhờ nguồn thanh khoản có sẵn từ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Từ đầu mùa báo cáo tài chính đến nay, số liệu lợi nhuận doanh nghiệp khá bấp bênh nhưng nguy cơ lợi nhuận sụt giảm mạnh đã được bù đắp bởi đà tăng trưởng của Mỹ và các nền kinh tế mới nổi trong khi các doanh nghiệp Eurozone đang được hưởng lợi từ sự suy yếu của đồng EUR. Bảng cân đối kế toán doanh nghiệp thể hiện sự khả quan với nguồn thanh khoản dư thừa hiện đứng ở mức cao kỷ lục và tỷ lệ đòn bẩy thấp vì việc tiếp cận thị trường trái phiếu của các tập đoàn vốn hóa lớn là khá dễ dàng.

Vì thế, những rủi ro mà nhà đầu tư đối mặt trong năm 2011 đã suy giảm đáng kể. Hơn nữa, nhờ nhà đầu tư vẫn còn nhiều tiền mặt và do sự giảm hấp dẫn của các tài sản trú ẩn an toàn nên mức độ nhạy cảm của họ đối với các thông tin trên thị trường chắc chắn đã suy giảm. Tuy nhiên, khả năng xảy ra một đợt phục hồi lâu dài vẫn còn thấp do tiến độ giải quyết cuộc khủng hoảng Eurozone khá chậm, nhà đầu tư còn lo lắng về các rủi chính trị tại Hy Lạp và Ý, khả năng thay đổi chính sách tại Pháp dưới sự điều hành của Chính phủ mới, sự leo thang của các rủi ro chính trị tại Trung Đông khiến giá dầu gia tăng và sự thiếu tiến bộ trong việc giải quyết thâm hụt ngân sách tại Nhật Bản và Mỹ.

Triển vọng trong kịch bản trung lập là các thị trường chứng khoán toàn cầu sẽ đi ngang và thiên về xu hướng tăng nhưng quan trọng là rủi ro suy giảm rất thấp. Tuy nhiên, một đợt phục hồi bền bỉ hơn của các thị trường toàn cầu có thể bắt đầu vào cuối năm 2012. Điều này phụ thuộc vào một số chất xúc tác nhất định, chẳng hạn như sự thay đổi chính sách của Iran xoa dịu áp lực đối với giá dầu, thỏa thuận về vấn đề tái cấu trúc nợ của Hy Lạp, sự gia tăng đáng kể trong nguồn vốn của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), việc phát hành trái phiếu Eurozone, dấu hiệu về sự thay đổi chính sách của Đức đối với các khoản thanh toán chuyển nhượng tại Eurozone, sự suy yếu của đồng EUR thúc đẩy triển vọng tăng trưởng khu vực, chính sách hỗ trợ tăng trưởng rõ ràng tại châu Âu, tốc độ nới lỏng chính sách tiền tệ nhanh hơn dự báo tại các nền kinh tế mới nổi và các kế hoạch tài khóa đáng tin cậy đang được vạch ra tại Mỹ và Nhật Bản.

Do hầu hết các thị trường chứng khoán đều bị định giá thấp hơn so với các loại tài sản khác, đặc biệt là so với trái phiếu nên bất kỳ chất xúc nào trong số này đều có thể làm cơ sở cho một đợt phục hồi tương tự như diễn biến của thị trường trong giai đoạn 2003-2007.

Phước Phạm (Theo Financial Times)

Các tin tức khác

>   Lựa chọn quỹ đầu tư vào thị trường mới nổi năm 2012 (26/01/2012)

>   Nhận 2%, chứng khoán Mỹ có tuần tăng điểm thứ 3 liên tiếp (21/01/2012)

>   Nhà đầu tư đổ 1.93 tỷ USD vào thị trường chứng khoán mới nổi (21/01/2012)

>   Leo dốc liền 3 phiên, chứng khoán Mỹ lên cao nhất 6 tháng (20/01/2012)

>   Tăng 1%, chứng khoán Mỹ lên cao nhất 6 tháng (19/01/2012)

>   Citigroup rút ngắn đà tăng của chứng khoán Mỹ (18/01/2012)

>   Facebook sắp phát hành cổ phiếu ra công chúng (17/01/2012)

>   Làm ngơ động thái của S&P, chứng khoán châu Âu tăng điểm (17/01/2012)

>   Vụ sáp nhập 2 nhà điều hành TTCK lớn rơi vào bế tắc (16/01/2012)

>   Chứng khoán Mỹ có tuần khởi sắc thứ hai trong năm 2012 (14/01/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật