8 kịch bản cho nhà ở, chứng khoán, vàng và dầu năm 2012
(Vietstock) – Có lý do chính đáng để chúng ta có thể vừa lạc quan nhưng cũng vừa thận trọng trong năm 2012.
* Vàng tiến 10% trong năm tăng giá thứ 11 liên tiếp từ 2001
* Chứng khoán Mỹ trái chiều sau năm 2011 nhiều sóng gió
* Tăng 8.2%, dầu khởi sắc năm thứ 3 liên tiếp
Vào thời điểm này năm ngoái, giới đầu tư cũng từng boăn khoăn về triển vọng 2011 và đa số đều kỳ vọng vào một năm tươi sáng hơn: giá nhà ở sẽ phục hồi dù chỉ ở mức vừa phải, giá gas sẽ không tiêu tốn một khoản lớn trong tiền lương và bất ổn kinh tế sẽ không tác động đến các khoản đầu tư và quỹ hưu trí liên quan đến thị trường chứng khoán.
Không cần phải nói, năm 2011 đã kết thúc với những kết quả lẫn lộn. Giá nhà không phục hồi nhưng doanh số bộc lộ dấu hiệu cải thiện và thị trường cho thuê khởi sắc. Khủng hoảng nợ châu Âu đã khiến các thị trường chứng khoán toàn cầu rơi vào cảnh lao đao, khiến nhà đầu tư đổ xô tìm kiếm các kênh đầu tư an toàn hơn. Vậy bức tranh năm 2012 sẽ thay đổi?
Các chuyên gia và các nhà phân tích của một số tổ chức tài chính hàng đầu thế giới như Barclays, Moody's Analytics, Deutsche Bank, Credit Suisse, JP Morgan, Goldman Sachs và Morgan Stanley đã đưa ra 2 kịch bản tích cực và tiêu cực cho 4 kênh đầu tư nhà ở, chứng khoán, vàng và dầu trong năm 2012.
1. Thị trường nhà ở Mỹ
Kịch bản lạc quan
Bất chấp bức tranh ảm đạm hiện nay của thị trường nhà ở, một số chuyên gia dự báo 2012 là năm đánh dấu sự chuyển biến của các yếu tố cơ bản trên thị trường này. Mới đây, các nhà phân tích Barclays đã nâng dự báo giá cổ phiếu của các công ty xây dựng nhà như D.R. Horton, Lennar Corporation, Meritage Homes Corporation, Pulte Group và Toll Brothers.
Theo các nhà phân tích, sở dĩ họ đưa ra dự báo như vậy là do giá của số nhà ở đang gặp rắc rối (chẳng hạn như bị tịch biên) đã bình ổn. Các nhà phân tích này chỉ ra rằng doanh số bán nhà tịch biên không còn tác động đến giá của số nhà còn lại trên thị trường. Hơn nữa, thị trường lao động dần cải thiện trong 12 tháng qua với việc tạo thêm 1.8 triệu việc làm, tương đương trung bình 150,000 việc làm/tháng. Và do tốc độ tuyển dụng trong mùa thu năm nay cải thiện đáng kể so với năm ngoái nên các lập luận lạc quan cho rằng đây sẽ là nền tảng vững chắc cho đợt bán nhà vào mùa xuân.
Kịch bản bi quan
Không phải dự báo nào cũng toàn màu hồng. Rất nhiều nhà kinh tế dự báo bức tranh thị trường nhà ở năm 2012 không khác mấy so với sự ảm đạm trong các năm trước. Nhà kinh tế trưởng Mark Zandi của Moody's Analytics dự báo giá nhà ở sẽ giảm tiếp 4-5%. Tương tự, các nhà phân tích của Deutsche Bank cũng dự báo giá nhà ở bình quân sẽ đi xuống khi thị trường cần thêm thời gian để giải quyết hết số nhà tồn kho quá mức, hiện cao hơn mức trung bình từ trước đến nay khoảng 1 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, vẫn còn một lượng lớn nhà ở đang trải qua quá trình tịch biên và đang chờ vào thị trường. Không biết yếu tố nào sẽ ủng hộ cho thị trường nhà ở nhưng nhiều người lo lắng rằng lượng nhà tồn đọng này sẽ tiếp tục gây sức ép lên giá nhà vào kéo dài đà phục hồi.
2. Vàng
Kịch bản lạc quan
Theo Credit Suisse, vì được xem là một kênh đầu tư an toàn khi nền kinh tế không được tốt nên chắc chắn vàng sẽ tiếp tục thu hút được sự chú ý của nhà đầu tư trong năm 2012.
Mức sụt giảm 15% của giá vàng kể từ mức đỉnh trên 1,900 USD/oz trong tháng 9 đã khiến nhiều nhà đầu tư tự hỏi liệu xu hướng tăng của giá vàng đã chấm dứt. Tuy nhiên, dù vàng đã phá vỡ đường trung bình 200 ngày – tín hiệu cho sự kết thúc của thị trường giá lên, Credit Suisse vẫn dự báo vàng sẽ giữ vững trên 1,533 USD/oz.
Trong dài hạn, giá vàng có thể tăng lên 2,000 USD/oz. Các yếu tố cơ bản từng hỗ trợ cho giá vàng sẽ không thay đổi nhiều. Nhà đầu tư sẽ tiếp tục chứng kiến bất ổn về nền kinh tế Mỹ khi tỷ lệ thất nghiệp còn dao động quanh mức 9%. Thêm vào đó, khủng hoảng nợ công châu Âu vẫn chưa có hồi kết.
Kịch bản bi quan
Các chuyên gia khác dự báo những ngày hoàng kim của giá vàng sẽ kết thúc trong năm 2012. Dù vàng đã liên tục tăng giá trong hơn một thập kỷ qua, nhưng kim loại quý này đã không thể xác lập các mức cao mới trong các tháng cuối cùng của năm 2011. Riêng trong tháng 12, giá kim loại quý rớt tới 11%, đánh dấu tháng suy giảm đầu tiên kể từ tháng 9 và là tháng 12 yếu kém nhất kể từ cuộc khủng hoảng tín dụng năm 2008.
Barry Ritholtz, tác giả của blog Big Picture, nhận định hôm 15/12 rằng giá vàng có thể là kênh đầu tư gây thất vọng nhất trong năm 2012. Ông Ritholtz viết: “Dù có vẻ như các quan chức châu Âu còn lâu mới giải quyết được khủng hoảng nợ, sự rút lui của giá vàng đã khiến một số chuyên viên giao dịch tuyên bố rằng đây chính là dấu hiệu cho sự kết thúc của xu hướng tăng giá. Có ai biết trước được vàng có thể trở thành than?”.
3. Chứng khoán Mỹ
Kịch bản lạc quan
Chứng khoán Mỹ có lẽ đã chứng kiến một năm biến động điên dại trong năm 2011 nhưng một số chuyên gia dự báo giá cổ phiếu sẽ phục hồi trong năm 2012 nhờ các cuộc bầu cử Tổng thống.
Các chiến lược gia cổ phiếu của JP Morgan cho rằng chỉ số S&P 500 sẽ khép năm 2012 ở các mức trước suy thoái và chạm 1,430 điểm. Theo các nhà chiến lược này, khủng hoảng nợ châu Âu sẽ dần lắng dịu vào nửa cuối năm 2012 và chu kỳ bầu cử có thể tác động tích cực đến giá cổ phiếu. Từ trước đến nay, chứng khoán thường tăng mạnh khi một người đương nhiệm tham gia bầu cử với mức độ tín nhiệm thấp. Dĩ nhiên, dự báo trên dựa trên giả định rằng tình hình tại châu Âu không có chiều hướng xấu đi.
Kịch bản bi quan
Do triển vọng kinh tế Mỹ được dự báo vẫn còn trì trệ trong một thời gian nữa nên Goldman Sachs đã đưa ra ước tính khá bi quan. David Kostin, chiến lược gia cổ phiếu trưởng của ngân hàng này dự báo S&P 500 sẽ ít thay đổi trong năm 2012 và đóng cửa ở mức 1,250 điểm, tức chỉ tăng 0.4% so với mức đóng cửa của chỉ số này khi chỉ còn một tuần nữa là kết thúc năm 2011.
Nhà đầu tư vẫn phải tiếp tục theo dõi các diễn biến mới tại châu Âu do các quan chức khu vực vẫn còn lâu mới giải quyết được khủng hoảng nợ. Tuy nhiên, ông Kostin cho rằng nếu đồng EUR sụp đổ, giá trị thị trường chứng khoán sẽ sụt giảm 25% và đẩy S&P 500 xuống 900 điểm.
4. Dầu
Kịch bản lạc quan
Trong nửa cuối năm 2011, giá dầu giảm khi Mỹ - quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới - bộc lộ một số dấu hiệu cho thấy nước này sắp rơi vào suy thoái trong bối cảnh khủng hoảng tại châu Âu ngày càng trầm trọng. Tuy nhiên, thậm chí nếu kinh tế Mỹ có gặp nhiều khó khăn trong năm 2012 thì điều này cũng không khiến giá dầu giảm quá mạnh.
Tháng 12 vừa qua, Goldman Sachs dự báo giá dầu Brent sẽ lên tới 127.50 USD/thùng vào cuối năm 2012 do nguồn cung hạn hẹp. Một phần nguyên nhân là do sự thất thoát sản lượng tại Libya trong tương lai gần, bất ổn địa chính trị và các yếu tố khác.
Kịch bản bi quan
Thậm chí khi một số chuyên gia cho rằng giá dầu có thể chứng tỏ được sự linh hoạt trong suốt năm 2012, vẫn có khả năng giá dầu lao dốc. Sự thật là giá dầu có thể phục hồi trong năm 2012 nhờ sản lượng ngày càng gia tăng tại Libya và ổn định hơn tại Biển Bắc cũng như Tây Phi.
Tuy nhiên, Morgan Stanley nhận thấy với nhu cầu ngày càng giảm, giá dầu có thể đi xuống trong nửa đầu năm 2012. Trong kịch bản tiêu cực, giá dầu có thể rớt xuống 75 USD/thùng vào năm tới.
Phước Phạm (Theo CNN Money)
|