VSH gia hạn khoản nợ 500 tỷ của EVN sang tháng 3/2012
Sau nhiều lần trì hoãn, ngày 2/12/2011, CTCP Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (HOSE: VSH) đã tổ chức ĐHCĐ thường niên năm 2011. Đại hội mặc dù đã kết thúc, song vẫn đọng lại trong các cổ đông nhiều điều bức xúc.
Thứ nhất, tại Đại hội, khi nhiều cổ đông chất vấn "việc EVN nợ quá hạn khoản 500 tỷ đồng thì phải xử lý thế nào?" thì được Ban lãnh đạo VSH cho biết, sẽ gia hạn khoản nợ này sang tháng 3/2012.
Một số ý kiến cho rằng, cần phải cử ra một "nhóm đòi nợ" là đại diện các cổ đông khác thì việc đòi nợ mới thực sự hiệu quả, bởi công việc này hiện vẫn được giao cho Ban lãnh đạo VSH thực hiện, mà lãnh đạo của VSH thì lại do EVN "giới thiệu". Tuy nhiên, vì thời gian gấp, nên công việc đòi lại khoản nợ 500 tỷ đồng từ EVN vẫn tạm giao cho Ban lãnh đạo, cụ thể là Tổng giám đốc VSH.
Trao đổi với ĐTCK, một cổ đông của VSH bức xúc cho rằng, khoản vay 500 tỷ đồng của EVN chỉ phải chịu lãi suất 11%/năm, thấp hơn lãi suất ngoài thị trường rất nhiều, gây thiệt hại cho VSH và các cổ đông. Vì thế, nhiều cổ đông không đồng ý gia hạn mà yêu cầu VSH thực hiện thu hồi ngay khoản nợ này để bổ sung vào nguồn vốn kinh doanh.
Thứ hai, liên quan đến kế hoạch kinh doanh năm 2011 của VSH. Con số 276 tỷ đồng lợi nhuận mà VSH đưa ra, theo nhiều cổ đông, là thấp. Tuy nhiên, theo lãnh đạo VSH, đây chỉ là con số tạm tính, vì hiện tại, giá điện mà VSH đàm phán với EVN vẫn chưa ngã ngũ.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch HĐQT VSH cho biết, năm 2011, VSH đã tính toán lợi nhuận để đảm bảo trả cổ tức cho cổ đông là 10%, bởi nhiều khả năng, VSH sẽ đạt lợi nhuận năm 2011 trên 300 tỷ đồng.
Thứ ba, liên quan đến vấn đề đàm phán giá điện, hiện tại, VSH đang tạm tính giá điện năm 2010 và năm 2011 bằng 90% giá điện bình quân năm 2009, trong khi EVN lại đòi giảm giá điện xuống còn 438,84 đồng/kWh.
Theo nhiều cổ đông, đây là mức quá thấp. Giá mà nhiều cổ đông thấy hợp lý là bằng giá tạm tính của VSH cộng thêm 18 đồng/kWh, còn nếu tính toán theo công thức trong Thông tư 41/2010/TT-BCT hướng dẫn thực hiện bán giá điện, thì con số tính toán có thể lên đến hơn 650 đồng/kWh. Tuy nhiên, giá điện cuối cùng của VSH cho đến thời điểm này vẫn chưa chốt được.
Thứ tư, liên quan đến thời gian họp ĐHCĐ. Trong vài năm trở lại đây, VSH thường tổ chức ĐHCĐ rất muộn so với nhiều DN với lý do chưa đàm phán được giá điện. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều cổ đông, kể cả chưa đàm phán được giá điện, VSH vẫn phải tổ chức ĐHCĐ thường niên theo đúng quy định (tháng 3, 4 hàng năm) để cổ đông có thể nắm bắt được tình hình cũng như kế hoạch kinh doanh của Công ty.
Hoàng Anh
đầu tư chứng khoán
|